4/12, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Đậu Ngọc Hào cho biết: thời tiết chuyển lạnh, diễn biến dịch trong khu vực và trên thế giới đang rất phức tạp.
>> 11/2007, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao!
Dịch cúm gia cầm có thể tái phát bất kỳ lúc nào, ở đâu. |
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm và cúm A H5N1 ở người là mối đe dọa với cuộc sống người dân, đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh. Từ đầu năm 2007 đến nay, dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ vài ngày sau khi công bố hết dịch, dịch lại tái phát.
Ngày 12/2, Bộ NN&PTNT cho biết dịch cúm gia cầm đã cơ bản được khống chế trên cả nước thì đến ngày 17/2, cúm gia cầm tái phát ở Hải Dương đúng mùng 1 Tết.
Ngày 7/3, ổ dịch cuối cùng tại Cần Thơ được xử lý. Đến ngày 22/3, Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau thông báo dịch cúm gia cầm đã tái phát.
Tháng 5/2007, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chính thức xác nhận dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại. Thời tiết nắng nóng cũng không ngăn cản được có tới 18 tỉnh tái phát dịch và trung tuần tháng 6.
Sau khi tạm lắng vào cuối tháng 6, đến tháng 8, dịch cúm gia cầm lại náo loạn cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Do đó, đến 20/9, cả nước hết dịch cúm gia cầm nhưng vẫn phập phồng lo sợ vì nguy cơ bùng phát vẫn cao.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, thời tiết đã bắt đầu lạnh, tháng 11 có thể bắt đầu có dịch cúm gia cầm. Đáng lo ngại nhất là biến thể của virus cúm gia cầm sẽ làm dịch bùng phát nhanh.
Hiện nay, nguy cơ phát tán các chủng virus H7N3, H7N8 lại khiến khả năng tái bùng phát dịch gia tăng và nguy hiểm hơn nữa. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm đã lên kế hoạch nhập vaccine phòng chống hai chủng virus H7N3 và H7N8.
- Dương Ngọc (Tổng hợp)