(VietNamNet) - Ngày 8/12/2007, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chính thức lên tiếng về các vấn đề quanh dự án tòa nhà EVN dự kiến xây cạnh hồ Gươm. Sự liên tiếng này bị nhiều người cho là muộn mằn, nhưng có người lại thấy rất kịp thời...
>> Hồ Gươm sẽ có bức tường chắn khổng lồ, xấu xí?
Cho rằng muộn, bởi nhiều người nhận định lẽ ra Hội Kiến trúc sư phải vào cuộc sớm hơn, chứ không chờ đến khi dư luận rùm beng, Thành phố Hà Nội cũng đã có ý kiến rồi thì Hội mới "bị động" lên tiếng! Cho rằng kịp thời, bởi nhiều người đến với cuộc hội đàm này không chỉ bàn về tòa nhà của EVN mà những mong có thể góp phần ngăn chặn rất nhiều công trình khác cũng đang nhăm nhe "rào kín" hồ Gươm, nếu cao ốc 14 tầng của EVN "trót lọt"...
Ngoài "bức tường xấu xí" EVN, còn đến 11 dự án khác đang muốn rào kín Hồ Gươm! |
Nguyên Giám đốc Sở Qui hoạch-Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho biết, tính sơ bộ từ năm 1986 đến nay, quanh hồ Gươm đã có khoảng 25 dự án đề xuất cải tạo hoặc xây mới công trình. Tuy nhiên, 11 dự án trong số đó đã bị "đình" lại, không được xây hoặc chưa được xây, cũng vì vướng các vấn đề tương tự dự án của EVN hôm nay. Nếu tòa EVN "xuôi chèo mát mái" thì sẽ không có lý do gì "đình" các dự án đang "nằm yên chờ thời" kia cả!?
Vậy làm sao để cả xã hội nói chung, các nhà chuyên môn nói riêng không rơi vào tình trạng "3 tháng sau chúng ta lại ngồi lo lắng bàn về một công trình khác, rồi 3 tháng sau lại ngồi bàn công trình khác nữa..." như KTS Hoàng Thúc Hào đặt vấn đề? VietNamNet vừa ghi nhận nhiều ý kiến...
Cần coi bảo vệ không gian hồ Gươm là đề tài khoa học! (KTS Tôn Thất Đại)
KTS Tôn Thất Đại |
Tòa nhà EVN dự kiến xây kia mới chỉ là 1 công trình, cái này thông qua được thì những cái khác sẽ "nổi dậy" - không lẽ chúng ta cứ ngồi bàn mãi, bàn từng công trình một? Chúng ta cần một đề tài bảo vệ không gian cảnh quan hồ Gươm. Đề tài nghiêm chỉnh này cần những người nghiên cứu nghiêm chỉnh. Lớp đằng trước, lớp đằng sau... đều được nghiên cứu chi tiết.
Nó sẽ là cơ sở để chính quyền ban hành các qui định, luật lệ xây dựng xung quanh hồ Gươm, cao bao nhiêu thì vừa (xưa nay chưa có chứng minh khoa học cao bao nhiêu thì được!). Sau đó, bất kỳ một công trình nào nằm trong khu vực này đều phải tuân theo kết luận của nghiên cứu khoa học đó.
Chúng ta không nhanh chóng giữ cái hồ Gươm này thì chẳng mấy chốc mà hỏng hết! Có phải mỗi cái nhà người ta xây xong rồi là chúng ta dễ phá được đâu?
KTS Lê Văn Lân |
Tất nhiên, chúng tôi chưa có một cuộc họp rộng lớn, nhưng qua trao đổi, lắng nghe... tôi khẳng định điều này. Bất kỳ người nào có lương tâm với Hà Nội, yêu mến Hà Nội đều thấy là không được rồi! Cái chuyên môn này thấp đến mức chỉ đáng dành cho sinh viên năm thứ nhất bàn thôi, không phải các vị tóc bạc ở đây ngồi bàn cái này. Chuyên môn này đơn giản, chỉ cần anh có sự yêu mến với Hà Nội, một trách nhiệm với Hà Nội là tự thấy được làm hay không - có gì phải bàn?!
Bộ Xây dựng mà lại đi quyết định chiều cao, rồi lồi lõm của một công trình thì đúng là hài hước, đáng ghi vào Guiness! Không có Bộ Xây dựng nào trên thế giới này lại đi làm việc khôi hài như thế, chứng tỏ các anh chẳng còn việc gì làm thì mới làm việc ấy! Chúng ta cần phải xem lại cách làm việc.
Tôi có kiến nghị, sau này ở Hà Nội (đặc biệt tại hồ Gươm), ai quyết định xây cái gì phải nêu rõ tên người ấy ra. Ví dụ: Tôi, thay mặt cho cơ quan nào, quyết định xây cái nhà này, vào ngày tháng này... để người Hà Nội còn ghi vào lịch sử!
Tôi chỉ có một mong muốn, ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp đến, nguyện vọng sâu xa là hãy cho chúng tôi đón nhận ngày đó trong một sự phấn khởi, bình an.
Công trình nghiên cứu mừng nghìn năm Thăng Long - tại sao không? (KTS Trần Thanh Bình)
KTS Trần Thanh Bình |
Việc điều chỉnh qui hoạch, luật cho phép với quãng thời gian như vậy có thể điều chỉnh. Tôi cũng không nghĩ rằng những anh đã viết ra cái qui hoạch từ năm 1997 là bất biến, vì khoa học có tính đến thời gian. Nhưng rõ ràng điều không tán thành được là phương án cụ thể này đã tách rời toàn bộ bố cục xung quanh hồ Gươm, và nói rộng hơn nữa là tách khỏi chân giá trị của khu hồ Gươm đối với Thủ đô.
Cần xem xét lại tổng thể khu vực này, thậm chí nó có thể là công trình nghiên cứu chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hiện nay, xu hướng chung các chủ đầu tư cứ nghĩ rằng khu đất này là khu đất "vàng". Vàng ở đây không có nghĩa là tất cả tập trung hết xây vào đây là giá nhà, giá phòng sẽ lên! Giá trị của khu vực này trước tiên là tính "nhân văn" - cần giữ gìn sự "nhân văn" này bằng chính công trình nghiên cứu tổng thể kia!
KTS Nguyễn Trực Luyện |
Tôi thấy rằng tất cả là một sự rất tùy tiện trong việc thực hiện các qui định. Chắc rằng, chủ dự án trước khi tiến hành đã phải xin chỉ tiêu của Sở Qui hoạch-Kiến trúc Hà Nội về qui hoạch khu vực này được cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu và phải tuân theo, nhưng đến khi thỏa thuận lại không theo qui định, lúc lên đến Bộ Xây dựng thì Bộ Xây dựng lại tùy tiện hơn!
Tôi không hiểu "tầm nhìn mới" thì nhìn thế nào, nhưng hồ Gươm vẫn là hồ Gươm thôi, "tầm nhìn mới" của ai cũng không thể thay đổi hồ Gươm thành cái gì khác được! Dù có điều chỉnh một số chi tiết trong qui hoạch nhưng cũng không thể thay đổi được mục tiêu chính của qui hoạch khu vực này là giữ gìn bảo tồn không gian, cảnh quan, kiến trúc hồ Gươm, không thể đập hỏng cái đó được!
Tòa EVN nếu xây sẽ vừa làm hỏng, vừa làm rác hồ Gươm!
KTS Đoàn Kỳ Thanh |
Các yếu tố làm hỏng hồ Gươm gồm: mật độ, tỉ xích, bố cục công trình; làm rác gồm: ngôn ngữ kiến trúc, tỉ lệ, vật liệu sử dụng.
Tôi thấy rằng tòa nhà trong phương án của EVN mắc tất cả các lỗi này: hỏng về mật độ, hỏng ở tỉ xích và hỏng ở bố cục; rác ở ngôn ngữ kiến trúc tỉ lệ xấu, sử dụng vật liệu không hợp lý.
Tôi thực sự không hiểu vì lý do gì Bộ Xây dựng lại ra Thông báo mật độ xây dựng khu vực này có thể đạt tới 65 - 70%?Cơ sở nào? Căn cứ nào?
Có người nói với tôi rằng, cơ sở của Bộ là dựa theo phương án của một công ty kiến trúc Pháp đưa ra. Tại sao phương án, nghiên cứu của một công ty lại có thể là cơ sở của Bộ Xây dựng được?Đến lúc này những trả lời tôi được nghe đều vẫn chưa thỏa đáng!
KTS Tô Thị Toàn |
Luật Xây dựng qui định, 5 - 10 năm chúng ta có quyền sửa đổi qui hoạch nhưng việc sửa đó cũng phải trình tự như việc lập qui hoạch mới. Ở đây tôi thấy rằng, chưa cần nói chỗ này hợp hay không hợp, vì chúng ta đã có qui hoạch bổ sung đâu mà góp ý hợp hay không? Bộ Xây dựng có thẩm quyền phê duyệt theo qui định của luật, nhưng chỉ loại công trình nào, loại qui hoạch nào... chứ không phải tất cả! Hồ Gươm là do Thủ tướng phê duyệt, vậy chưa có mà đã làm là sai! Bước đầu tiên ở đây, trình tự thủ tục như vậy là không đúng.
Còn về chủ đầu tư - theo tôi, trình tự, thủ tục của họ không sai, vì có trình, có thỏa thuận Bộ Xây dựng, có được UBND TP chấp thuận, mà sai là ở người điều chỉnh qui hoạch không đúng với qui định của luật. Bộ Xây dựng đã phạm vào chương Qui hoạch và điều lệ xây dựng của Luật Xây dựng. Tôi đề nghị đình chỉ, đồng thời thanh tra xem vì sao lại có ý như thế?! Một cá nhân không thể quyết định được, vì chúng ta là trí tuệ tập thể. Cấp nào trình, cấp nào thẩm định, phê duyệt đã được qui định rõ, thậm chí phải đưa ra Hội đồng nhân dân có ý kiến nữa cơ, chứ không chỉ cơ quan chuyên ngành đâu!
Sẽ chính thức kiến nghị Thành phố HN và Bộ Xây dựng! (KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc
KTS Nguyễn Tấn Vạn |
Có 3 công việc Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức nghiên cứu qui hoạch mà không giao Hà Nội là: hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây và quảng trường Ba Đình. Thủ tướng phê duyệt qui hoạch quảng trường Ba Đình, còn 2 khu vực kia ủy nhiệm Bộ Xây dựng thay mặt Chính phủ phê duyệt. Không phải quyền Bộ Xây dựng muốn thay đổi là được! Không thể dùng một Thông báo của Văn phòng mà thay thế tất cả số liệu của Bộ trưởng đã được Chính phủ giao ký thay - vậy là không đúng chức vụ, quyền hạn!
Ai cho phép xây ở đây là người vô cảm với Hà Nội. Đây là khoảng xanh, là chỗ thở - bây giờ anh chiều nhà đầu tư, anh cho làm nhưng tôi phản đối. Vì vậy, để thống nhất, xung quanh hồ Gươm là khu vực đáng phải tổ chức nghiên cứu một cách công khai, dân chủ - trên cơ sở đó xem xét, điều tiết những vấn đề liên quan. Nhưng, việc điều tiết đó cũng không thể tùy tiện là anh ra 1 văn bản đồng ý hay không đồng ý, bởi đây không phải khái niệm XIN và CHO, mà là việc thực thi các vấn đề luật pháp (tức một đoạn qui hoạch đã được duyệt, mà muốn được duyệt đã phải thông qua quá trình nghiên cứu, thảo luận công khai lấy ý kiến nhân dân...). Anh không thể muốn đổi là đổi, hôm nay không đồng ý, hôm sau lại đồng ý!
Chúng ta cần bảo vệ di sản vật chất và phi vật chất ở khu vực đó, từ đường phố, cảnh quan, cây xanh, các công trình kiến trúc, kể cả việc quảng cáo cũng phải nghiêm ngặt. Đối với hồ Gươm nói riêng và các điểm quan trọng trong cảnh quan Hà Nội, chúng ta phải có thái độ cư xử không giống như các khu vực mới, và mọi người đều phải có tâm bảo vệ nó. Hiện nay, cái tâm đó không sáng, rõ. Người ta lấy giá trị đất ra để cho rằng phải đầu tư thế này, thế kia mới khai thác hết tiềm năng của đất - nhận thức như vậy là không thích hợp, thậm chí phản lại di sản của chúng ta! Mà di sản đã mất thì đừng nói đến giá trị đất, vì không có những di sản đó thì không còn là Hà Nội nữa!
Hà Nội hiện nay rất kém ở chỗ không chịu triển khai nghiên cứu thiết kế đô thị những vùng nhạy cảm. TP.HCM vừa qua đã nghiên cứu toàn bộ trung tâm Sài gòn bên bờ tây thành phố, có 8 đồ án trong ngoài nước tham gia. Khi chọn đồ án rồi, mọi người vẫn tiếp tục thảo luận và phát hiện một số nhà cho phép cao tầng là sai, đề nghị điều chỉnh ngay! Tôi cho làm việc như thế là khoa học, bài bản. Sau khi TP.HCM duyệt xong, báo cáo Chính phủ rồi cứ thế mà làm, không còn cảnh XIN - CHO (kia xin thêm mấy tầng, đây xin mấy tầng nữa...).
Không phải Hội không thấy vấn đề này ngay từ đầu, chúng tôi đã biết vấn đề không ổn và muốn bàn từ lâu rồi! Sau cuộc họp này Hội sẽ có văn bản chính thức gửi Thành phố và Bộ Xây dựng, không riêng về công trình này mà từ công trình này để nhìn những công trình khác, thấy những vấn đề khác.
-
Nhóm PV (thực hiện)