(VietNamNet) - Theo nhận định của hầu hết CSGT làm nhiệm vụ, người dân đã chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm (MBH), khu trung tâm gần 100%, vùng ven 90 - 95%.
“Tìm đỏ con mắt không thấy người vi phạm”
Mặc dù chưa quen với cái "nồi cơm điện" nặng đầu, trông xấu xí, vướng víu... nhưng hôm nay (15/12), quy định bắt buộc đội MBH đối với người tham gia giao thông có hiệu lực trên khắp mọi nẻo đường đất nước.
Sáng sớm, chung cư Tân Sơn Nhì, phường 14 quận Tân Bình rộn rã đầy tiếng í ới nhắc nhau “nhớ đội MBH khi ra đường kẻo khổ thân, mất tiền”. Không như thường lệ, sáng nay khi dẫn xe máy ra đầu đường ăn sáng, anh Thành Giang chụp ngay lên đầu chiếc MBH. “Tuy vướng nhưng yên tâm”- anh Giang nói.
Phần lớn người dân TP.HCM đều chấp hạnh quy định đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. |
Ánh dương chiếu rọi trên đường phố phản chiếu ánh sáng bóng loáng của những chiếc MBH còn mới toanh.
8h sáng, tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Lê Minh Xuân (góc chợ Tân Bình) dù không có CSGT (thường ngày nơi đây có 2 chiến sĩ đứng chốt) nhưng người dân vẫn chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, hiếm có trường hợp cố tình vi phạm không đội MBH.
Thượng sĩ Nguyễn Kim Bằng làm nhiệm vụ ở giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - CMT8 (quận 3) tếu táo: "Sáng giờ tìm đỏ con mắt mà không phạt được trường hợp nào không đội MBH". Thượng sĩ Bằng cho biết thêm, nhiều nhà báo từ sáng sớm đã "chốt" ngã tư ghi hình cảnh xử phạt người vi phạm không đội MBH nhưng chờ hoài không "chộp" được cảnh nào nên đành rút lui.
Theo ông Bằng, có lẽ đây là trục đường chính, khu trung tâm thành phố nên những người tham gia giao thông từ các nơi đổ về nếu có vi phạm thì cũng đã bị xử lý ngay từ đầu. Do vậy khi vào tới trung tâm thành phố, hiếm có người “lọt sổ”.
Hơn nữa, thời gian qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các cơ quan ban ngành đã tuyên truyền khá rầm rộ việc đội MBH cùng với quy định mức phạt khá nặng (100.000 - 200.000 đồng/ lần vi phạm) nên người dân đã ý thức đội mũ khi ra đường. Chỉ một số ít trường hợp do chủ quan, hay vội mà quên đội mũ.
Theo ghi nhận của các chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ góc ngã tư Lý Chiêu Hoàng - Bình Phú (quận 6) khoảng 90 - 95% người dân tham gia giao thông đội MBH.
Hạ sĩ Phạm Trần Việt Khoa, thuộc Đội 3 Phòng CSGT đường bộ TP.HCM đứng chốt tại giao lộ 3/2 - Lý Thường Kiệt cũng cho biết tương tự hơn 95% người dân đã đội mũ khi ngồi trên xe. Cả buổi sáng chỉ có khoảng 20 trường hợp bị xử phạt do không đội mũ. Những trường hợp này khi được hỏi vì sao không đội MBH đều cho biết cứ nghĩ đi một đoạn ngắn từ nhà ra chợ nên không cần đội. Có trường hợp thật thà thú nhận: “Quên”.
Anh Nguyễn Thanh Minh, ngụ ở phường 15 quận Tân Bình vừa bị phạt do không đội mũ tỏ ý biết lỗi: "Do có việc gấp nên xách xe chạy mà quên đội mũ. Đến khi ra đường thấy mọi người đội mũ nghiêm chỉnh tự dưng thấy ngượng định quay về lấy nón nhưng rồi lại nghĩ thôi kệ đi một đoạn ngắn không sao đâu. Ai dè bị phạt mất toi 150.000 đồng!".
Cần thêm những hình ảnh đẹp
Theo quan sát của PV VietNamNet, tại các trục đường quốc lộ đi qua địa phận TP.HCM như QL1A, QL13, QL52… lực lượng CSGT tuần tra, đứng chốt tăng không nhiều so với những ngày trước đây nhưng người điều khiển xe gắn máy và người ngồi sau vẫn chấp hành tốt quy định đội MBH một cách tự nguyện.
Anh Tống Văn Tân, một CSGT đang làm nhiệm vụ trên điểm chốt QL1A quận Bình Tân cho biết hơn 97% số người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chấp hành tốt quy định. Số còn lại khi bị CSGT thổi phạt thường viện cớ nhà gần nên không đội MBH. “Tỉ lệ người ngồi trên xe mô tô, gắn máy đội MBH rất cao chứng tỏ người dân đã ý thức được tầm quan trọng của MBH trong vấn đề an toàn giao thông đường bộ”- anh Tân nói.
Bé và mẹ, mỗi người một nón. |
Ở các tuyến xe buýt ngoại thành, PV VietNamNet bắt gặp hình ảnh đẹp: một số hành khách ngồi trên xe buýt cũng thủ sẵn MBH, đề phòng có dịp dùng đến. Trên QL1A, một đôi tân hôn đèo nhau trên xe gắn máy trông rất tình tứ. Chú rể đầu đội MBH, cô dâu ngồi sau vướng víu váy áo giải thích: “Em biết không đội MBH là sai luật rồi nhưng nếu đội lên thì hư hết tóc đã bỏ công làm sáng giờ dành cho ngày trọng đại của cuộc đời em”.
Cẩn thận là trên hết mới hy vọng trăm năm bạc đầu. |
Tại các ngả đường, ngoài chiếc MBH đội thường trực trên đầu, tài xế xe ôm còn thủ sẵn MBH cho khách. Các cửa hàng dọc theo xa cảng miền Tây tấp nập người mua nón. Chủ tiệm MBH cười hớn hở như bắt được của.
Không chỉ chuẩn bị mũ cho mình, người dân cũng đã trang bị MBH cho con cái khá chu đáo. Mặc dù là thứ Bảy nhưng trẻ em tham gia giao thông cũng khá đông do phải đi nhà trẻ vì bố mẹ đi làm, đi đến sinh hoạt vui chơi tại trung tâm thiếu nhi...
Nhiều cháu bé được bố mẹ trùm lên đầu chiếc MBH to quá cỡ chẳng còn thấy mặt mũi, người bé đâu nữa. Nhiều bé do không quen đội, nặng đầu, nên khi vừa đến cổng trường đã mặt mày cau có vứt phịch mũ xuống đất.
Trên đường phố, mặc dù ít, nhưng PV VietNamNet cũng bắt gặp cảnh bố mẹ có đội MBH nhưng để cho con đầu trống trơn. Cũng có người dùng MBH để che nắng, nắm hờ MBH trên đầu, dường như sợ hư mái tóc đẹp.
- Tấn Thuấn- Trần Duy