(VietNamNet) - Lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo "đối với các khu đô thị mới, phải làm quyết liệt việc hạ ngầm các đường dây hiện đang đi nổi, trong năm 2008 hoàn thành".
>> Hà Nội: Nhiều phố lớn sắp thoát "bãi rác trên trời"
Trước đó, 5 tuyến thí điểm "ưu tiên" hạ ngầm toàn bộ các tuyến cáp và đường dây điện gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Hai Bà Trưng, Kim Mã, Nguyễn Thái Học đã khởi động, được yêu cầu hoàn tất vào năm 2009.
Không còn dây tức cũng sẽ không còn cột, không còn hộp, không còn cảnh nhếch nhác này... (Ảnh: H.H). |
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Phó Chủ tịch thường trực Phí Thái Bình, song song với việc triển khai hạ ngầm "dây rợ" tại 5 tuyến thí điểm trên, Sở GTCC cần mở rộng phạm vi nghiên cứu các tuyến nhạy cảm về mặt chính trị và các tuyến tạo diện mạo đô thị khác. Về thủ tục, nếu cần, Sở GTCC có thể phối hợp Sở KH&ĐT dự thảo văn bản của UBND TP báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù về quản lý đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Lãnh đạo TP cũng nhận định, khối lượng công việc cần thực hiện để hạ ngầm các đường dây đi nổi và treo nổi một số tuyến dây chưa có điều kiện hạ ngầm trong 2 năm 2008, 2009, phấn đấu hoàn thành năm 2010 (dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội) là rất lớn. Để thành công, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp liên quan đều phải có ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao độ.
Vì vậy, tại cuộc họp về vấn đề này do Chủ tịch UBND TP chủ trì gần đây, thành phần được mời ngoài các sở, ban, ngành còn có lãnh đạo: Công ty Điện lực Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Công ty CP viễn thông FPT, Công ty Viễn thông quân đội Vietel, Công ty CP Viễn thông Sài Gòn, Truyền hình cáp Hà Nội. Thành phố cho rằng, việc triển khai hạ ngầm và sắp xếp lại các đường dây đi nổi trên các tuyến phố, các khu đô thị, khu tái định cư trên địa bàn Thủ đô là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn của các doanh nghiệp.
Do đó, đối với việc hạ ngầm các dây điện lực, doanh nghiệp kinh doanh điện lực phải chịu kinh phí vật tư và lắp đặt đường dây đi ngầm. Nếu có khó khăn về vốn, TP có thể hỗ trợ cho vay theo phương thức doanh nghiệp kinh doanh điện lực sẽ hoàn trả khi đường dây ngầm mới đi vào hoạt động.
Hơn nữa, việc hạ ngầm "dây rợ lằng nhằng" trên cao không chỉ đơn giản là đào đất chôn xuống, cũng như việc "treo nổi" không đơn giản là sắp xếp cho gọn - mà liên quan mật thiết nhiều vấn đề khác, như: hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị, gạch lát vỉa hè... Thành phố chỉ đạo: Việc cắt tỉa hoặc thay thế cây xanh đô thị cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và khoa học, có tiêu chí, có thể tham khảo tư vấn nước ngoài và nhập khẩu loại cây thay thế. Việc nâng cấp cải tạo này có thể được lập thành dự án riêng biệt và thi công đồng bộ.
Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng cho biết: "Chấp nhận đề nghị của Sở GTCC về việc tạm dừng thí điểm hạ ngầm các đường dây đi nổi tại khu Giảng Võ do khu Giảng Võ sẽ được cải tạo đồng bộ trong một dự án riêng".
-
Hoàng Huy