Đỉnh đợt thủy triều cuối cùng trong năm tại TP HCM sẽ đạt 1,36 m vào đúng đêm Noel, theo dự báo của Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão thành phố.
>>TP.HCM: Đại triều cường tàn phá 7 quận, huyện
>>TP.HCM: Vỡ đê bao do triều cường, nước ngập hơn 1m
>>Triều cường dâng cao dị thường: Các nhà khoa học nói gì?
Triều cường gây ngập trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM. |
Theo Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão, đỉnh triều 1,36 m tuy không cao so với cơn cường lịch sử 1,49 m hồi cuối tháng 10, 11, song vẫn rất nguy hiểm. Lý do là người Sài Gòn đang háo hức đón Noel, việc phòng chống nước ngập có thể sẽ bị sao nhãng.
Ngoài ra, quy luật triều cường thường từ 12h khuya tới 4h sáng nên luôn gây khó khăn và rất bất ngờ đối với người dân, đặc biệt là những hộ dân ở gần khu vực đê bao yếu dễ vỡ.
Với kinh nghiệm từ 2 đợt triều lịch sử, Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão TP HCM khuyến cáo người dân cũng như chính quyền địa phương không nên chủ quan với đợt triều dịp Giáng sinh.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn cũng sẽ lên theo triều trong những ngày tới.
Trước đây, ngày 25/11, một đợt triều cường mạnh, dâng cao đã làm hàng chục đoạn đê bao bị vỡ, khiến nhiều khu vực của TP.HCM ngập chìm trong nước.
Đến ngày 27/11, một đợt “đại triều cường” mới tiếp tục hoành hành tại 7 quận, huyện TP.HCM. Nước ngập lút ghế ngồi, hàng trăm học sinh phải nghỉ học. Trên 490 ha đất nông nghiệp, hoa màu, thủy sản ngập úng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng ngàn người dân.
Trao đổi với báo giới, TS. Bùi Xuân Thông- Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Biển cho biết: hiện tượng triều cường gây ngập lụt ở TP.HCM cũng là sự ứ đọng của lũ và công tác quy hoạch thoát lũ ở TP.HCM chưa tốt, chưa đúng nên xảy ra tình trạng ngập úng, ngập lụt cục bộ.
Hiện đã có một số nơi quy hoạch tổng thể rồi nhưng quy hoạch này quá tản mạn, dựa trên những cơ sở số liệu không đồng bộ, chưa đánh giá được vùng đất cao hay thấp bao nhiêu, mực nước cao hay thấp bao nhiêu...
-
Đức Long (tổng hợp)