(VietNamNet) - "Trần sao âm vậy. Giờ người ta sắm xe đem xuống dưới đó nhiều, chẳng lẽ không sắm cho các cụ thêm cái MBH! Mà các cụ dưới đó chắc cũng biết chủ trương đội MBH này, các cụ cũng cần. Nhờ chủ trương bắt đội mũ, nhiều người làm tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, ThuậnThành, Bắc Ninh) chuyển sang làm, buôn bán MBH (hàng mã) và sống được"! - Anh Hà, chủ đại lí vàng mã Hà Ngàn ở trung tâm xã Song Hồ tâm sự.
MBH hàng mã "lên ngôi"!
Chuẩn bị làm lễ hết khó cho người thân, lễ cúng có thể thiếu món này món nọ, nhưng chị Thu bảo không thể thiếu chiếc xe máy về đốt cho các cụ. Chiếc Jupiter màu xanh da trời chị mua với giá 40.000đ. Nhưng chị Thu còn nhận được lời khuyên của chủ cửa hàng vàng mã rằng nên mua thêm cho cụ chiếc mũ bảo hiểm, giá chỉ vài ngàn.
Khách hàng mua xe máy (hàng mã) và không quên mua thêm MBH! |
Chị Thu kể: Nghe chị ấy (nhân viên cửa hàng Hà Ngàn ở xóm Lẻ, xã Song Hồ) giải thích là trên này bà con ta đội MBH che cái đầu bớt nguy hiểm, dưới đó các cụ cũng đi xe, cũng phải đội MBH. Hơn nữa, ở dưới thiêng lắm, chắc cũng nghe trên này có chủ trương bắt đội MBH. Với lại, sắm sửa cho các cụ chiếc xe bốn năm chục ngàn chả tiếc, chẳng nhẽ không sắm thêm được cái mũ chỉ dăm ba ngàn. Nghe thuận tai nên tôi mua thêm cái mũ giá 3.000đ.
Theo chị Loan, cửa hàng Loan Toàn, mỗi ngày chị bán được trên dưới chục chiếc, và hầu hết là bán kèm với xe máy. Chị Loan hài hước: "Dân mình cũng lạ! Đi sắm mũ cho các cụ cõi âm thì sắm cùng lúc cả xe và mũ. Nhưng người sống thì có xe cả chục năm vẫn chưa sắm mũ, mãi khi có chủ trương bắt đội mũ mới đổ xô đi mua! Có khi, "ở dưới" có cụ nào đó lúc nhận được xe và mũ cùng lúc lại hối hận vì ngày trước mình mua xe chứ không mua mũ. Phải xuống dưới đó sớm cũng vì lúc ngã xe, đập đầu xuống đường mà không có mũ cũng nên?!".
2 năm trở lại đây, từ ngày làm hàng mã thịnh hành, mũ bảo hiểm này cũng được vài nhà làm lác đác, số lượng không nhiều, những người mua xe máy về đốt cũng chả mấy người có nhu cầu đốt cả mũ nên các cửa hàng không để ý.
|
| ||||||||
Nhưng từ khi có Nghị quyết bắt toàn dân đội MBH, nhiều nhà làm hàng mã đã đưa MBH vào mặt hàng "chủ chốt". Cũng nhờ nghị quyết này mà cửa hàng anh Hà, chị Loan mỗi ngày bán được hơn trước gấp đôi mặt hàng mũ.
"Phố hàng mã" ở Đông Hồ!
Một cửa hàng vàng mã ở "phố Hàng Mã" làng Đông Hồ!
Con đường bê tông non chừng cây số chạy qua trung tâm xã Song Hồ dày đặc những đại lí hàng mã. Tìm một cửa hàng mua tranh Đông Hồ giờ khó như... mò kim đáy bể. Song, nói chẳng ngoa ngôn, đã vào con phố trung tâm của xã này, nhắm mắt cũng có thể vào trúng một cửa hàng bán hàng mã.
Anh Hà, chủ đại lí Hà Ngàn tâm sự: Dăm bảy năm nay, chẳng còn mấy người bán tranh nữa. Bán chẳng ai mua, người ta chuyển sang làm hàng mã cả. Cả xã này, giờ chỉ còn 2, 3 nhà làm tranh truyền thống thôi. Theo thị trường cả, đời sống cao lên, trần có gì thì cõi âm cũng có cái đấy, với lại, mấy ai tiếc gì cho người đã chết đâu!
Người ta mua nhiều, đốt nhiều. Cũng chả biết các cụ ở dưới có được hưởng không?! Nhưng cốt sao cho các cụ thoải mái, phấn khởi, không quở trách là mừng rồi!
Theo lời chỉ dẫn của anh Hà, chúng tôi tìm đến nhà anh Đức - chị Ngân ở thôn Đạo Tú, một trong những nhà làm MBH vàng mã nhiều nhất xã, đúng vào dịp gia đình anh đang bắt đầu chuẩn bị làm hàng phục vụ nhu cầu đốt vàng mã vào tết sắp đến.
|
|
Hiện tại, gia đình anh có 4 người làm, có thể coi như 4 công đoạn: Cắt bìa dán vào cốt (mô hình sẵn), phủ thêm giấy sơn, trang trí nhãn hiệu và dán quai. Mỗi ngày 4 người làm được trên 100 chiếc. Nhập đại lí giá 1.800đ/cái, trừ chi phí, thu nhập từ khoản này mỗi người có được chưa đến 15.000đ/ngày.
Anh Đức cho biết, với tình hình tiến triển như sau Nghị quyết 32, sang năm, gia đình anh sẽ làm và dự kiến bán trên 1 vạn chiếc MBH cho người cõi âm.
Xem ra, chủ trương bắt buộc đội MBH đã làm rộ lên những dịch vụ "ăn theo", mà trong đó, làm MBH cho người cõi âm được coi như hướng đi mới ở làng nghề thủ công nổi tiếng này.
Ở làng Đông Hồ hiện nay, các sản phẩm tranh dân gian khó tìm như mò kim đáy bể, thay vào đó là hàng mã! |
Toàn xã Song Hồ giờ chỉ còn 3 hộ làm tranh Đông Hồ. Dù những hộ này được coi là có nghề nhất, tâm huyết nhất và cũng được xã hỗ trợ về nhiều mặt như cho thuê đất mở rộng quy mô, nâng cao quy trình sản xuất nhưng thực tế, cái thời vàng son của "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"... dường như đã thành quá vãng!
-
Chí Hiếu