221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1020162
Hàng rong Hà Nội phấp phỏng nỗi lo "cơm áo"
1
Article
null
Hàng rong Hà Nội phấp phỏng nỗi lo 'cơm áo'
,

(VietNamNet) - Chủ trương "Cấm hàng rong" đã được các ban ngành của Hà Nội nêu ra. Hàng ngàn gánh hàng rong trên đường phố Thủ đô thắc thỏm chờ nói câu "Vĩnh biệt".

Một ngày rảo bước qua cả chục con phố, chiếc xe đạp cũ với 2 chiếc sọt thồ đựng hoa quả phía sau cũng đem lại cho chị Thảo - người Hòa Bình dăm ba chục ngàn tiền lãi. Số tiền đó với đã phần người dân "có hộ khẩu" ở Thủ đô thì cũng chẳng đáng là bao nhiêu nhưng với chị Thảo thì đó là sẽ là tiền học, đồng quà và tấm áo cho 3 đứa con ở quê. 

Chị tâm sự: "Cả nhà có 3 sào ruộng cằn nên thu nhập chả đáng bao nhiêu, may lắm cũng đủ gạo ăn 10 tháng trong năm, 2 tháng còn lại thì vợ chồng và con cái "treo niêu" nhìn nhau. Từ ngày tôi theo mấy chị em lên Hà Nội bán hoa quả, mỗi tháng cũng có hơn triệu bạc gửi về nhà để chồng lo cho mấy đứa nhỏ. Bây giờ hàng rong sắp bị cấm, chưa biết sẽ phải xoay xở thế nào".

Nếu bị cấm...Gánh hàng rong biết đi về đâu?
Nếu bị cấm, ta biết đi về đâu? (Ảnh P.H)

Sau gần 4 năm lăn lê khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, Mịch - quê Nga Sơn, Thanh Hóa cũng dành dụm được vài triệu đồng "làm hồi môn" trước khi về nhà chồng. Mịch kể: "Bố em là thương binh, đau ốm liên miên nên cuộc sống cả gia đình từ trước đến giờ trông cả vào mẹ. Từ ngày 3 anh em em ra Hà Nội bán sắn luộc, ngô luộc, trừ hết các khoản ăn ở đi cũng góp được triệu rưỡi gửi về để mẹ lo thuốc thang cho bố. Phần còn lại thì dành dụm để lo chuyện... tương lai".

Một xe ngô luộc, mỗi ngày cũng đem lại cho người chủ dăm chục ngìn
Một xe ngô luộc, mỗi ngày cũng đem lại cho người chủ dăm chục nghìn.
Về chuyện "cấm hàng rong", Mịch bảo: "Mấy hôm nay em cũng nghe các chị bán báo rong bàn tán nhưng chưa biết cụ thể thế nào. Mấy anh em em bàn nhau rồi, nếu bị cấm bán hàng thì phải tìm việc khác để ở lại Hà Nội làm thôi chứ không thể về quê làm ruộng được. Bởi vì ruộng vườn thì có hạn, mùa màng thường thất bát, trông vào ruộng thì chẳng biết đến bao giờ mới có tiền ra ở riêng".

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Chủ tịch UBND một phường thuộc quận Hoàng Mai cho biết: "Bài học gần đây nhất là chủ trương "Cấp giấy phép VSATTP cho hàng rong" đã từng được nêu ra nhưng đến nay gần như đã "phá sản" hoàn toàn do thiếu tính khả thi. Do vậy, theo quan điểm của tôi, việc các ban ngành của Thành phố đưa ra chủ trương cấm hàng rong bán hàng trên phố là đúng đắn". 

Tuy nhiên, vị chủ tịch phường này cho rằng, nên cân nhắc và tính toán đường đi nước bước cụ thể chứ không nên vội vàng áp dụng. Bởi lẽ, đa phần người dân Hà Nội vẫn có thói quen mua bán, ăn uống ở những gánh hàng rong. Mặt khác, không thể một sớm một chiều đẩy hàng chục ngàn người vào cảnh "thất nghiệp" và hàng ngàn gia đình vào cảnh túng quẫn.

Chị Trương Thị Hảo ở Quảng Lĩnh, Quảng Xương, Thanh Hóa kể: "Ở làng tôi, nhà nào cũng có ít nhất 1 người ra Hà Nội bán báo, làng bên cạnh còn đông hơn ấy chứ. Thu nhập của chúng tôi dù chẳng thể so sánh với người thành phố nhưng với người ở quê, vài trăm ngìn đồng một tháng đã có thể giúp 1 gia đình sống tạm ổn. Giờ mà "lãnh đạo" cấm bán hàng rong thì ít nhất sẽ có 2 làng chúng tôi rơi vào cảnh đói quanh năm mất".

Gánh nặng mưu sinh đè nặng trên vai những người phụ nữ bán hàng rong
Gánh mưu sinh đè nặng trên vai những người phụ nữ bán hàng rong.
’Chiếc
Chiếc cân điện tử đi rong này đang nuôi sống ít nhất 1 gia đình.

Anh Đức - công nhân xây dựng tâm sự: "Công nhân như chúng tôi thì lấy tiền đâu mà vào cửa hiệu để ăn, cùng lắm cũng chỉ dám "hoành tráng" ở quán cơm bụi khi có tiền thưởng thôi. 3 bữa một ngày, mấy anh em chúng tôi cứ kéo nhau ra ăn cơm, ăn bún ở mấy háng hàng rong, vừa rẻ, vừa chắc bụng. Giờ mà không có hàng rong thì chắc phải nấu cơm bỏ cặp lồng mang theo mất".

Theo khảo sát của phóng viên VietNamNet, không riêng gì người ở các vùng quê mà có không ít người dân Hà Nội cũng sống nhờ vào những gánh hàng rong. Chị Hạnh ở huyện Đông Anh nói: "Chồng thì làm công nhân, tôi thì chẳng có nghề nghiệp gì nên xoay ra bán hàng rong. Mỗi ngày gánh bún đậu mắn tôm cũng giúp gia đình tôi có thêm hơn 100 nghìn. Đó là tiền ăn, tiền điện của cả gia đình, là tiền học phí, tiền sách vở cho 2 đứa con đang tuổi cắp sách đến trường. Tôi biết, việc những gánh hàng rong chúng tôi cứ bám lấy vỉa hè để kiếm sống là gây ảnh hưởng đến văn minh đô thị nhưng vì miếng cơm manh áo nên chẳng thể làm khác được".

Nhiều khách du lịch rất thích thú với hàng rong ở Hà Nội
Nhiều khách du lịch rất thích thú với hàng rong ở Hà Nội

Chị Hạnh cho biết thêm: "Nếu thực sự lãnh đạo thành phố có chủ trương cấm hàng rong thì chúng tôi cũng phải chấp nhận thôi. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố cân nhắc và xem xét để tạo điều kiện cho những người bán hàng rong có cơ hội tìm việc hoặc kiếm thêm thu nhập từ một nghề khác. Hoặc có thể, xem xét lập một khu chợ "hàng rong" - kiểu như khu chợ đêm Đồng Xuân thì tốt biết mấy!".

  • Gia Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,