(
Du khách tìm hiểu thông tin về Đà Nẵng tại quầy thông tin du lịch trước nhà hát Trưng Vương sáng 3/1. Ảnh: HC
Sáng 3/1, Chi nhánh Saigon Tourist tại Đà Nẵng đã tổ chức đón tiếp tàu Costa Allegra (
Trong một ngày dừng chân ở TP biển này, du khách sẽ được đưa đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở Đà Nẵng, Huế, Hội An. Trong đó có hàng trăm du khách chọn tour tham quan, mua sắm tại trung tâm TP Đà Nẵng.
Ngay tại cảng Tiên Sa, sau khi tặng hoa cho du khách, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đăng Trường phát biểu: “Chúng tôi coi việc đón chuyến tàu đầu tiên đến với Đà Nẵng trong năm mới là sự kiện rất có ý nghĩa đối với ngành du lịch TP. Trong mấy tuần vừa rồi, chúng tôi cùng các đơn vị đón tàu tích cực chuẩn bị về môi trường đón, lễ tân đón, các điểm đến… để phục vụ tốt cho du khách!”.
Ông Nguyễn Đăng Trường cho biết, trong dịp này, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức ra mắt Đội tình nguyện viên sứ giả du lịch gồm các sinh viên năm cuối của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, lập quầy thông tin du lịch trước nhà hát Trưng Vương để hỗ trợ du khách các thông tin về TP và những địa điểm du lịch mà du khách muốn tham quan. Đồng thời phối hợp cùng UBND quận, Công an quân Hải Châu ngăn chặn tình trạng những người hành nghề xe thồ, xích lô, bán hàng rong… cò mồi, chèo kéo du khách.
Những tưởng với các biện pháp này, môi trường du lịch ở Đà Nẵng mà cụ thể là trong việc đón chuyến tàu xông đất trong năm mới sẽ được cải thiện đáng kể. Thế nhưng khi có mặt tại khu vực quảng trường trước nhà hát Trưng Vương, chúng tôi lại phải tiếp tục chứng kiến cảnh du khách bị quấy nhiễu đến...tơi bời.
Thậm chí, ngay trước sự chứng kiến của bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Quản lý du lịch cùng nhiều cán bộ, nhân viên Sở Du lịch Đà Nẵng và cả các cán bộ công an được cử đến làm nhiệm vụ bảo vệ du khách, một số người còn đòi hành hung, đập máy ảnh của PV khi đang ghi lại những hình ảnh du khách bị quấy nhiễu như dưới đây:
Như trên đã nói, để chuẩn bị đón chuyến tàu này, Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề nghị UBND quận và Công an quận Hải Châu cử lực lượng đến làm nhiệm vụ bảo vệ, ngăn chặn tình trạng những kẻ cò mồi, bán hàng rong chèo kéo, quấy nhiễu du khách. Thế nhưng những người được cử đến đã thực thi nhiệm vụ như thế nào? Xin mời quý độc giả xem những hình ảnh dưới đây sẽ rõ:
Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu, VietNamNet phải lên tiếng trước thực trạng môi trường du lịch ở Đà Nẵng quá tệ hại, du khách liên tục bị quấy nhiễu như vậy. Theo bà Dương Thị Thơ, cách đây 3 tháng, Sở Du lịch Đà Nẵng đã trình lên UBND TP phương án tổ chức các đội an ninh trật tự giữ gìn môi trường du lịch tại các quận huyện. Tiếp đó đã tổ chức một cuộc hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo các ban, ngành, địa phương của TP để bàn về vấn đề này.
Mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng lại có công văn lần hai gửi lên UBND TP, tiếp tục đề nghị xem xét việc lập đội an ninh trật tự du lịch ở các quận, huyện. Thế nhưng cho đến thời điểm này, mọi hồi âm từ phía lãnh đạo TP vẫn chỉ là…sự im lặng!
Cánh tài xế taxi không tham gia chèo kéo khách mà chỉ đậu xe bên kia đường... Nhưng đó chính là nơi đám cò mồi "dồn" du khách đến, rồi ăn chia phần trăm!
“Việc cử vài cán bộ công an, thanh niên xung kích đến xua đuổi những người cò mồi, chèo kéo du khách như vậy chỉ là làm ở phần ngọn và sẽ chẳng đi đến đâu, đuổi ở chỗ này họ lại chạy qua chỗ khác. Để giải quyết tận gốc vấn đề, chúng tôi đề nghị lập đội an ninh trật tự du lịch ở các quận, huyện có điểm tham quan du lịch, bố trí nguồn kinh phí (cũng chẳng bao nhiêu cả) để họ thường xuyên làm nhiệm vụ, thay vì cứ mỗi lần có du khách, chúng tôi lại phải gửi công văn đề nghị phối hợp bảo vệ. Và rồi người được cử đến chỉ…khoanh tay đứng nhìn hay huýt còi lấy lệ như vậy.
Căn bản hơn nữa, trong phương án của mình, chúng tôi đề nghị phối hợp với các quận, huyện điều tra cụ thể các đối tượng thường xuyên bu bám, chèo kéo du khách. Nếu là đối tượng hành nghề xích lô, xe thồ thì tổ chức quản lý chặt chẽ như đã làm với đội xích lô du lịch. Nếu là đối tượng chưa có công ăn việc làm và chỉ bu bám cò mồi thì có biện pháp tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Đồng thời đề ra chế tài thích hợp với những đối tượng cố tình gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch của TP.
Để làm được việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, nhất là các quận, huyện vì họ nắm rõ địa bàn và có hệ thống chân rết đến từng tổ dân phố để điều tra, quản lý, giáo dục từng đối tượng. Còn Sở Du lịch chỉ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, không có chân rết xuống các địa bàn nên không thể nắm bắt cụ thể được. Trước cảnh bu bám, chèo kéo như thế này mà chúng tôi chỉ “tay không bắt giặc” thì làm sao giải quyết nổi?” – bà Dương Thị Thơ bức xúc nói.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh (áo trắng, bìa phải) và công an bất lực nhìn đám cò mồi quấy nhiễu du khách Nhưng du khách thì không nghĩ như vậy. Những hình ảnh không đẹp trên đây đều đã được họ ghi lại. Và không biết sức "lan toả" sẽ còn đến đâu?
Bà Dương Thị Thơ cho hay, trong năm 2007, Đà Nẵng đã đón 54 chuyến tàu du lịch quốc tế với 23.800 lượt khách. Theo số liệu cập nhật chưa đầy đủ, hiện đã có 34 chuyến tàu đăng ký cập cảng Đà Nẵng với khoảng 20.000 lượt khách và hy vọng số lượng khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng trong năm 2008 sẽ đạt trên 28.000 lượt, tăng 18,4% so với năm 2007.
Tuy nhiên, với thực trạng môi trường du lịch đầy những cảnh quấy nhiễu như trên đây, liệu hy vọng đó có trở thành hiện thực?
-
Hải Châu