(VietNamNet) - Việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm trong hơn 2 năm nỗ lực đã xác lập kỷ lục về thời gian thi công. Người dân quận 2, đặc biệt là người dân Thủ Thiêm, từ đây thoát khỏi tiếng “vùng bưng”…
>> Thông xe cầu Thủ Thiêm, người đi đường bỡ ngỡ
“Vùng bưng” bừng sáng
Hai ngày nay, cứ có thời gian rảnh, bà Nguyễn Thị Cò (A43/3C Lương Định Của, phường An Khánh, quận 2) lại kê cái bàn thấp lè tè ra trước hiên nhà ngắm không chán cây cầu Thủ Thiêm vừa mới thông xe.
Năm nay đã 80 tuổi, lần đầu tiên bác Lãng có dịp đi qua cây cầu mới nối quận 2 với quận Bình Thạnh. Hơn 15 năm nay, bà Cò chưa bao giờ hình dung được sẽ có một cây cầu lớn, bề thế bắc ngang sông Sài Gòn để qua phía bờ quận 2. Bà càng bất ngờ hơn khi đường nhánh của cây cầu này lại đáp ngay xuống gần trước cửa nhà bà.
Chúng tôi gặp bác Lãng, năm nay đã ở tuổi 80 lập cập bước lên cầu, chiếc gậy nắm chặt trong tay với niềm vui mãn nguyện: “Tiện thật cậu à! Già rồi, thấy vùng đất heo hút này có cây cầu bắc sang cũng thỏa nguyện”.
Bác Nguyễn Văn Thu (70 tuổi), nguyên là một kỹ sư xây dựng nhận xét: Cầu Thủ Thiêm được thiết kế đẹp, độ dốc thoải không "gắt" như những cây cầu lớn khác trên địa bàn thành phố. Theo bác Thu, trong tương lai, cây cầu này sẽ là điểm thăm quan du lịch đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quận 2, quận 9, đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1, nhưng cầu Thủ Thiêm đã khiến bộ mặt phía bờ quận 2 khởi sắc. Giá đất ở khu vực quận 2 tăng vùn vụt từng ngày.
Chị Trần Yến Anh có nhà nằm trong khu vực giải tỏa để xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2 cho biết: Nếu Nhà nước đền bù xứng đáng và bố trí tái định cư tại chỗ cho gia đình, chị sẽ sẵn sàng di dời khỏi nhà để dự án tiếp tục triển khai đúng tiến độ.
"Phố Đông" Sài Gòn?
Nói về quá trình xây dựng cầu Thủ Thiêm, ông Nguyễn Xuân Bảng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác di dời, giải phóng mặt bằng ở hai bên bờ sông phía quận 2 và quận Bình Thạnh.
“Công trình cầu Thủ Thiêm được xây dựng trong điều kiện vừa thi công vừa giải tỏa. Mặc dù công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, phải thi công trong điều kiện sông nước, tàu thuyền qua lại nhiều nhưng đến khi hoàn thành giai đoạn 1 đã không xảy ra bất kỳ sự cố, tai nạn đáng tiếc nào” - ông Bảng cho biết.
Việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm trong hơn hai năm nỗ lực đã xác lập kỷ lục thi công cầu có quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất tại TP.HCM đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, đơn vị thi công chủ yếu là nhà thầu trong nước.
Trong bối cảnh, chính quyền thành phố “ép tiến độ”, 4 nhà thầu trong tổ hợp nhà thầu đã xin rút khỏi dự án, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (đơn vị đứng đầu tổ hợp thi công) đã phải thay thế một nhà thầu khác để hoàn thành cầu đúng kế hoạch. Do vậy, tại buổi lễ thông xe cầu Thủ Thiêm vào ngày 9/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, từ công trình cầu Thủ Thiêm, sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm cho các công trình khác.
Cùng với cầu Thủ Thiêm, trong tương lai, TP.HCM cần ít nhất là 5-6 công trình vượt sông Sài Gòn, trước mắt là hầm chui Thủ Thiêm (thuộc dự án Đại lộ Đông Tây), cầu Phú Mỹ… và nhiều con đường vành đai để mở rộng thành phố theo mô hình “thành phố mở”.
Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cùng với việc khai phá phía nam thành phố (hướng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng), xây dựng khu đô thị cảng mới tại Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), đặc biệt khi cầu Phú Mỹ dự kiến hoàn thành trong năm 2009, lần đầu tiên trong 300 năm phát triển, TP.HCM sẽ có đường vành đai có thể nối thành vòng tròn.
Chào cây cầu mới!. |
Nhiều chuyên gia về đô thị hy vọng, trong tương lai, bán đảo Thủ Thiêm nghèo nàn xưa kia sẽ trở mình thành phố Đông Sài Gòn, tương tự như phố Đông Thượng Hải - một thành phố có quan hệ kết nghĩa với TP.HCM từ năm 1999 - để trở thành trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ quan trọng.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, ngoài chức năng nối kết trực tiếp với Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai, cầu Thủ Thiêm có kết cấu hiện đại, kiểu dáng đẹp, các hạng mục công trình được thiết kế mỹ thuật nên công trình này trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố.
Từ trên cao nhìn xuống, cầu Thủ Thiêm có hình dáng như cung tên mà mũi tên đang hướng thẳng về phía đông, sẵn sàng vươn tới tầm xa.
-
Trần Duy
Cảm nhận của bạn: