- Từ 2008 - 2010, riêng trên địa bàn Hà Nội có 38 công trình, cụm công trình đồng thời được thực hiện, trong đó 25 công trình được đặt mục tiêu phải hoàn thành toàn bộ và 13 công trình khác chỉ khởi công, hoàn thành một số hạng mục.
Theo Kế hoạch tiến độ triển khai chi tiết các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 2008 - 2010 vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành, mỗi dự án thuộc 38 công trình, cụm công trình Thành phố đã lựa chọn (kể trên) đều được xác định rõ tiến độ, đồng thời đề ra các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện và đặt trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư cùng các cơ quan liên quan.
Mục tiêu 2008: 2 công trình!
Hai công trình được "ấn định" phải hoàn tất trong năm 2008 là: Thư viện Hà Nội (thuộc nguồn vốn ngân sách Thành phố trực tiếp quản lý) và Khu công nghiệp Bắc Thăng Long giai đoạn II, III (Thành phố phối hợp với các bộ, ngành và doanh nghiệp).
Xấp xỉ 40 công trình, cụm công trình cùng triển khai từ 2008 - 2010 sẽ biến Hà Nội thành "đại công trường" trước dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long? (Ảnh: H.H) |
Dự án xây dựng Thư viện Hà Nội đã triển khai từ 2005, chủ đầu tư là Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Tại quý I/2008 này, dự án vẫn đang được tiếp tục thi công, hoàn thành gói thầu xây lắp. Từ quý I - quý III/2008, dự án sẽ phải "kinh qua" các bước: đấu thầu, tổ chức thực hiện gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị và cuối cùng là hoàn thành, bàn giao công trình.
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long giai đoạn II, III cũng đã tiến hành từ 2005, do liên doanh Sumitomo Corporation (Nhật Bản) và Công ty Cơ khí Đông Anh làm chủ đầu tư. Hiện nay, lãnh đạo UBND TP được giao phụ trách là Phó Chủ tịch Phí Thái Bình, với mục tiêu quý IV/2008 sẽ hoàn thành hạ tầng cho các doanh nghiệp thuê lấp đầy khu công nghiệp.
2009, hoàn tất 5 công trình
Đó là các dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xử lý nước thải khu vực hồ Tây; đường Đội Cấn - hồ Tây (đoạn Văn Cao - hồ Tây); Vùng hoa Từ Liêm; đường Láng - Hòa Lạc (đoạn trên địa bàn Hà Nội); Cụm công nghiệp Sóc Sơn.
Cho đến lúc này, nhiệm vụ trọng tâm của dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xử lý nước thải khu vực hồ Tây là hoàn thành gói thầu số 13 (đoạn đường nội bộ khu ao cá Nhật Tân) vào quý II/2008. Cũng trong quý II/2008, dự án đường Văn Cao - hồ Tây cần hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng để hoàn tất gói thầu số 3 (xây lắp đường) vào tháng 11/2008 và gói thầu số 4 (xây lắp cầu) sau đó 1 tháng.
Được khởi công từ 2006, chủ đầu tư dự án Vùng hoa Từ Liêm là UBND huyện Từ Liêm và Công ty Đầu tư phát triển nông nghiệp HN được yêu cầu tiếp tục triển khai các dự án thành phần còn lại để hoàn tất bàn giao tổng thể dự án vào quý II/2009. Để có thể hoàn thiện mở rộng mặt cắt 140m của đoạn đường Láng - Hòa Lạc qua Thủ đô, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Vinaconex) hoàn thành công trình vào quý II/2009.
Từ quý I - quý IV/2008, Công ty Đầu tư xây dựng Hà Nội - chủ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Sóc Sơn cần triển khai thu hồi, giao đất, giải phóng mặt bằng dự án. Hạ tầng khu công nghiệp này phải được khởi công xây dựng vào quý II/2008 để có thể hoàn thành vào quý III/2009.
Càng gần Đại lễ, càng tấp nập xây, xây và... xây!
TIN LIÊN QUAN
17 công trình sẽ phải hoàn thành vào năm 2010, trong đó có 13 công trình, cụm công trình thuộc vốn ngân sách TP: một số đoạn tuyến vành đai I, II; Bảo tàng HN; các tượng đài Hòa Bình, Thánh Gióng, Bác Hồ - Bác Tôn; Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến"; Trung tâm Đào tạo vận động viên cáp cao HN giai đoạn II; Trung tâm Y tế dự phòng HN; Trường THPT Hanoi-Amsterdam; Trường Đào tạo công nhân kỹ thuật cao Việt-Hàn; Cụm trường THCN và dạy nghề Tây Mỗ; Tháp ngàn năm Thăng Long; Đền thờ Lý Thái Tổ; tôn tạo, bảo tồn, nâng cấp khu vực Đình Nam Hương và tượng đài Vua Lê.
4 công trình, cụm công trình Thành phố phối hợp các bộ, ngành và doanh nghiệp cùng thực hiện phải hoàn tất vào 2010, gồm: đường vành đai III (hoàn thành tổng thể đoạn qua địa bàn Hà Nội); Khu tổ hợp 65 tầng tại Liễu Giai-Đào Tấn; một số khách sạn cao cấp.
Kế hoạch mới này của UBND TP Hà Nội cũng đồng thời nêu rõ các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các công trình, cụm công trình kể trên phải "chịu trách nhiệm về việc thực hiện tiến độ dự án trước Chủ tịch UBND TP". Các sở, ngành, UBND quận, huyện được yêu cầu rút gọn tối đa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để đảm bảo tiến độ cho các dự án (đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách).
Một số công trình lớn, phức tạp sẽ được "nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù". Cơ chế đặc thù này cụ thể cho từng công trình ra sao sẽ do Sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.
-
Tràng An Nguyễn