221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1036827
77 ngư dân trở về sau 2 tháng cực hình
1
Article
null
14 tàu đánh cá Việt Nam bị giữ ở Indonesia:
77 ngư dân trở về sau 2 tháng cực hình
,

 - 2 tháng trời bị giam cầm, bữa ăn chỉ có cơm và muối, các ngư phủ, thân thể còn hằn thương tích, vẫn chưa hết hãi hùng khi nhìn vết sẹo bị đạn bắn vừa lành.

 

>> 14 tàu đánh cá Việt Nam bị giữ ngoài khơi

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Tàu chở ngư dân chuẩn bị cập bến. Ảnh: CV

Ngày 22/2, phóng viên VietNamNet đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), tìm hiểu câu chuyện của 77 ngư phủ Việt Nam vừa trở về sau 2 tháng bị bắt, giam cầm trên đất Indonesia. Từ bất ngờ, rồi đến kinh hoàng, khi được nghe kể lại những tháng ngày ngư dân Việt bị đày đọa trên đất lạ và đường về đầy nguy hiểm của 77 ngư phủ. 

 

Đánh cược với "Thần Chết"

 

Những cặp mắt ngây dại. Có người muốn ngất đi vì kiệt sức khi tàu vừa cập bến ở đồn biên phòng 522. Những bộ quần áo tả tơi, như cố bấu víu lấy những dáng người liêu xiêu. 77 khuôn mặt hốc hác, xanh xao. Họ như vừa bước về từ cõi chết.

 

Trung tá Đào Quang Hiển, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh BR-VT nói, các anh không bao giờ quên cảnh tượng lúc đón 77 ngư dân trở về.

 

Ngư phủ Vũ Văn Thắng (SN 1979, đi trên tàu BV3590, quê Bình Thuận, tạm cư ở ấp Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, BR-VT, bị bắt vào ngày 23/12/2007), kể:

 

Khi hay tin anh em thuyền viên được thả tự do, mọi người đều rất vui. Tất cả được đưa lên 4 chiếc tàu (tàu mang số hiệu BV 9082TS, BV 9091TS, BV 8290TS, BV 9028TS), nhưng trong đó chỉ có 2 chiếc máy còn chạy được, nên vừa phải chở 77 người, 2 tàu này còn phải kéo theo 2 chiếc còn lại. Trên tàu chẳng còn gì, lương thực, nước uống họ cung cấp rất ít, không có công cụ cứu hộ. Lúc bước lên tàu, anh em lại sợ hãi, nhưng nghĩ lại những ngày bị giam cầm còn hãi hùng hơn, và không biết đến khi nào mới có cơ hội được tự do, nên lên tàu, tự tìm đường về.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Các ngư phủ được về đất mẹ. Ảnh: CV

Bốn chiếc tàu đưa 77 ngư phủ về là của ông Nguyễn Văn Ro, ở 57/1 Trần Phú, Vũng Tàu. Trước đó, vào tháng 6/2006, 4 chiếc tàu của ông bị bắt khi đang đánh cá ở vùng biển Việt Nam giáp ranh Indonesia, sau khi bị bắt, ngư phủ trên tàu bị giam giữ và tài sản bị lấy sạch, tàu bị kéo về đảo Na Tu Na của Indonesia.

Gần 2 năm sau, ông Ro chuộc lại 4 chiếc tàu trên và được phía Indonesia đồng ý với điều kiện phải chở 77 ngư dân vừa bị bắt ra biển. Nhờ vậy, 77 người may mắn được về nhà trên chuyến tàu đầy nguy hiểm. Họ đã đánh cược với “Thần Chết” trong 6 ngày lênh đênh trên biển, tự mò đường về, trên những chiếc tàu rệu rã, thiếu lương thực, nước uống và thiết bị cứu hộ, nhưng “Thần May Mắn” đã cứu họ trong phút cuối cùng.

 

“Đúng hơn, các ngư dân đã bị đẩy ra biển. Họ (phía Indonesia) bỏ mặc bằng ấy mạng người, không phao cứu sinh, lương thực…Lẽ ra, họ phải thông qua đường ngoại giao, thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam biết…”, Trung tá Hiển tức giận.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Ngư dân khai tên và quê quán cho Bộ đội biên phòng. Ảnh: CV

Trung tá Hiển cho biết thêm, nhiều tàu đánh cá của Việt Nam ra khai thác ở vùng biển Việt Nam giáp ranh với Indonesia thường bị tàu có trang bị vũ trang ở Indonesia bắt giữ. Vì phương tiện liên lạc, hệ thống xác định tọa độ đều bị lấy sạch, nên không thể xác định ngư dân Việt Nam có vi phạm lãnh hải nước bạn không. Nhưng theo ngư dân, hầu hết họ đều đánh bắt trong vùng biển giáp ranh, chứ không vi phạm lãnh hải. 

 

Thuyền viên sẽ được trả tự do sau vài tháng hoặc vài ngày giam cầm, còn thuyền trưởng, hoặc máy trưởng và tàu bị giữ lại. Người bị đưa ra tòa xử án và kết tội, thường là 3 - 4 năm tù, còn tàu thì phát mãi.

 

2 tháng sống trong "địa ngục"

 

Anh Hồ Tấn Sĩ (SN 1993, ngư phủ trên tàu mang số hiệu BV 3590, quê ở Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa, bị bắt ngày 23/12) chưa hết kinh hoàng khi chỉ vào vết sẹo đang kéo da non trên chân. Đó là vết đạn anh bị bắn lúc tàu lạ ập đến, vây bắt và nã súng vào tàu BV 3590 (khi đó, anh Sĩ đứng sau bánh lái).

 

Sau đó, tàu lạ có vũ trang lai dắt tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam vào một hòn đảo nhỏ. Tại đây, họ bị tách ra và giam theo nhóm. Anh Vũ Văn Thắng, cùng đi trên chuyến tàu với anh Sĩ nhớ lại:

 

"Mỗi ngày, chúng tôi đều được họ cho ăn cơm, nhưng thức ăn là muối. Khi nào họ thích đánh đập, là anh em lại bị bầm mình. Và ngày nào cũng vậy, họ thường xuyên thượng chân, hạ tay vào vùng bụng, ngực mọi người. Chúng tôi không bị lao động khổ sai, nhưng bị hành hạ, đánh đập rất tàn nhẫn và thiếu ăn".

 

Trung tá Hiển xác nhận: "Khi tiếp nhận họ, ai cũng tiều tụy, chúng tôi điều động anh em đi mua đồ ăn, ngày hôm sau thì tổ chức nấu cho ngư dân ăn, mua đồ cho mọi người mặc, vì quần áo ai cũng tả tơi. Nhiều người cơ thể vẫn còn nhiều vết bầm. Ngư dân cho biết, họ thường bị đánh".

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Chưa biết bao giờ dám ra khơi lại. Ảnh: CV

Nhiều ngư dân diễn tả cảm giác của mình trong những ngày bị giam cầm ở Indonesia như sống trong địa ngục. Có ngư dân bị ám ảnh đến độ cho biết sẽ không dám trở lại nghề đánh bắt nữa. 

 

Với 77 ngư dân vừa trở về, những tháng ngày họ vừa trải qua trên đất lạ là ký ức kinh hoàng và tồi tệ nhất trong cuộc đời của họ. Nhưng họ vẫn còn may mắn hơn 20 thuyền trưởng và máy trưởng của 14 tàu đang bị giam cầm ở Indonesia, chưa biết số phận sẽ ra sao?

 

Có mặt tại Đồn Biên phòng 522, bà Nguyễn Thị Hường (ngụ ở La Gi, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) đón 3 người con đi trên tàu BTh 0534 tên: Nguyễn Văn Hoàng (SN 1970), Nguyễn Phước (SN 1971) và Hoàng Thái Minh (SN 1985); vui mừng chưa dứt khi nhìn thấy 3 đứa con vừa thoát nạn trở về, bà quay sang hỏi “còn thằng Chung đâu?”, rồi bà Hường như ngã gục khi biết anh Nguyễn Văn Chung (thuyền trưởng tàu BTh 0534, con ruột của bà Hường) vẫn đang bị giam cầm bên Indonesia.

 

Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT cho biết, cơ quan này thường xuyên cảnh báo ngư dân cần thận trọng khi khai thác hải sản ở vùng biển giáp ranh, vì việc xác định biên giới biển tại khu vực này chưa rõ ràng, nhưng vì lợi nhuận, nhiều chủ tàu bất chấp nguy hiểm nên tình trạng tàu đánh cá của Việt Nam bị bắt giữ vẫn thường xảy ra. Và số phận của ngư phủ vẫn lênh đênh theo con sóng.

 

Dư luận cho rằng, việc cần làm ngay hiện giờ thuộc về cơ quan chức năng của Việt Nam, bằng các biện pháp ngoại giao, tìm tung tích, bảo vệ ngư dân ta đang bị giữ ở nước bạn, sớm đưa họ về quê hương.

 

  • Phan Công (từ Bà Rịa - Vũng Tàu)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,