221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1037679
2008 sẽ bùng dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM!
1
Article
null
2008 sẽ bùng dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM!
,

 - Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết vẫn còn nằm ở đuôi dịch của năm 2007. Những tỉnh "im lặng" trong trận dịch 2007 sẽ có khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết vào năm 2008, trong đó có TP.HCM.

Hiện nay, trung bình mỗi tuần, TP.HCM tiếp nhận khoảng 100 ca sốt xuất huyết.

Mô tả ảnh.

Ngay từ đầu mùa khô các tỉnh đã tiến hành chống dịch sốt xuất huyết. Trong ảnh: Kiểm tra muỗi ở quận 8 - TP.HCM. (Ảnh: H.Cát)

Ngày 25/2, phóng viên VietNamNet đã trao đổi với ThS BS Lương Chấn Quang, chuyên gia phụ trách phòng chống sốt xuất huyết, Khoa Y tế công cộng - Viện Pasteur TP.HCM, và BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM về dịch sốt xuất huyết và tình hình muỗi bùng phát trên địa bàn thành phố.

Sốt xuất huyết trái mùa: Chỉ có TP.HCM!

- Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập đến tình hình sốt xuất huyết trái mùa. Phải chăng bệnh đang diễn ra trên toàn khu vực phía Nam?

ThS BS Lương Chấn Quang - Viện Pasteur TP.HCM: - Tình hình sốt xuất huyết tại các tỉnh ở khu vực phía Nam đang xuống. Nếu nói đến sốt xuất huyết trái mùa của khu vực chỉ có thể tính đến TP.HCM. Hiện nay, số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM đã chiếm hết 1/3 các ca ở phía Nam. Những điểm nóng của năm ngoái như Tiền Giang, Đồng Tháp số ca mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải đợi xem diễn tiến của dịch, vì hiện nay, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố cũng đang xuống.

- Dự báo, dịch sốt xuất huyết có bùng phát trong năm 2008?

ThS BS Lương Chấn Quang: - Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã nhận định năm nay, sốt xuất huyết không nhiều như 2007, nhưng ở những tỉnh "im lặng" của năm ngoái, năm nay có khả năng sẽ có dịch sốt xuất huyết.

Năm 2008, sốt xuất huyết týp D1 vẫn sẽ chiếm ưu thế hơn, những người chưa nhiễm sẽ bị nhiễm. Đó là nguy cơ bùng phát dịch. Riêng TP.HCM, tình hình của thành phố bây giờ có hai cách trả lời. Một, hiện đang ở đuôi của dịch năm ngoái. Hai, dịch đang lên trở lại, nghĩa là dịch đã xuống nhưng chưa tới nơi tới chốn và bây giờ nó sẽ lên.

Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh sốt sốt xuất huyết ở TP.HCM. Nếu số ca sốt xuất huyết ở tháng 3 tăng lên, đó là dấu hiệu cảnh báo một trận dịch sốt xuất huyết kinh khủng hơn nhiều (trận dịch kéo dài từ năm 2007 qua đến năm 2008).

- Như chúng ta đã biết, chương trình phòng chống sốt xuất huyết quốc gia sẽ dừng lại vào năm 2008, hướng tới của ngành y tế trong phòng chống dịch sắp tới sẽ như thế nào?

ThS. BS Lương Chấn Quang: - Hiện giờ, chủ yếu các tỉnh phải huy động nội lực. Và chúng ta chỉ còn "chống" sốt xuất huyết mà thôi. Tức là cũng phòng nhưng, chủ yếu xử lý các ổ dịch nhỏ. Thực tế của xử lý ổ dịch nhỏ là có ca sốt xuất huyết xuất hiện thì mới tiến hành các biện pháp chống dịch.

Trước đây, chúng ta áp dụng mô hình phòng chủ động, tức là nơi không có dịch thì áp dụng các biện pháp phòng để không có dịch xảy ra. Chúng ta không có khả năng thực hiện nữa, tại vì kinh phí dành cho mô hình này rất lớn. Mà ngành y tế chỉ có thể thực hiện từ 10-20% của từng tỉnh.

Còn lại chống, chống chủ động hay chống thụ động, tùy theo dịch lớn hay dịch nhỏ. Nếu mình chống sớm coi như là chống chủ động. Hiện nay, các tỉnh đã thực hiện việc chống chủ động ngay trong những tháng đầu mùa khô.

Thật ra, ngành y tế đã cảnh báo Chính phủ về việc này. Kinh nghiệm của rất nhiều nước khi thấy rằng Dự án "Chương trình quốc gia về phòng chống sốt xuất huyết" làm quá tốt, Chính phủ nhiều nước đã cắt kinh phí đi. Một hai năm sau, sốt xuất huyết đã quay lại, như Singapore hay Cuba. Nhưng, sốt xuất huyết tại Việt Nam hiện nay đã được đưa vào chương trình phòng chống dịch thường xuyên.

Giảm mật độ muỗi: Cộng đồng phải hợp tác!

Mô tả ảnh

Theo BS. Nguyễn Đắc Thọ (dấu x), nhiều ổ muỗi mới đã phát sinh (Ảnh: CTV)

- Như dư luận đã lên tiếng, muỗi đang phát sinh mạnh ở nhiều nơi tại TP.HCM. Vì sao có hiện tượng này?

BS Nguyễn Đắc Thọ: - Chúng ta phải thừa nhận rằng, các ổ muỗi cũ ở Tân Phú, quận 7, Bình Thạnh vẫn tồn tại, mật độ muỗi giảm 50% so với những năm trước. Tuy nhiên do điều kiện chung của thành phố, nhiều ổ muỗi mới đã phát sinh ở quận 8, quận 12...

Chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã thực hiện những biện pháp dự phòng, nhưng thời điểm hiện tại, nóng ẩm nhiều đã tạo điều kiện sinh lý thuận lợi cho côn trùng phát triển, đặc biệt là muỗi.

- Hai tháng đầu năm, ước tính có hơn 1.000 ca sốt xuất huyết được ghi nhận trên địa bàn thành phố, tăng gấp 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Sốt xuất huyết trái mùa đang bùng phát tại TP.HCM?

BS Nguyễn Đắc Thọ: - Một mùa dịch sốt xuất huyết thường kéo dài 6 tháng, chưa kể đuôi dịch của nó. Đỉnh điểm là vào những tháng mùa mưa. Hiện nay, chúng ta vẫn còn ở đuôi dịch của năm 2007. Số ca sốt xuất huyết trung bình mỗi tuần là 100-150, vẫn còn cao so với thời điểm năm ngoái.

Trong đợt bùng phát muỗi năm nay, ngoài việc hạn chế muỗi bùng phát do môi trường, chúng tôi đã tiến hành thực hiện luôn các biện pháp tiêu diệt và phòng chống muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Do đó, dự báo bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM sẽ giảm dần trong thời gian còn lại của những tháng mùa khô.

- Nhưng thưa bác sĩ, còn vào những tháng mùa mưa thì sao?

BS Nguyễn Đắc Thọ: - Trong hai tháng qua, sốt xuất huyết gia tăng ở những điểm cũ: Quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh...

Đây là những nơi gắn liền tình trạng môi trường kém, triều cường, nhà cửa chưa được cải thiện, nhiều khu mới đang trong tình trạng xây dựng, kể cả làm đường, và gắn liền với những biến động dân cư.

Để làm triệt để hơn, và khống chế dịch chúng tôi sẽ phải tiến hành giám sát và xử lý ngay những nơi xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, mọi người, mỗi hộ gia đình và tất cả các thành viên khác trong cộng đồng phải ý thức về vệ sinh môi trường, tuân thủ và thực hiện các hướng dẫn của chính quyền để thực hiện văn minh đô thị. Đây là công việc phải làm thường xuyên hàng ngày. Bởi, ăn uống sinh hoạt, chúng ta sẽ có rác. Gia tăng sản xuất, công trình xây dựng, chúng ta cũng sẽ có rác.

- Bác sĩ có những lời khuyên cụ thể hơn để giúp người dân tự phòng chống muỗi?

BS Nguyễn Đắc Thọ: - Phòng chống muỗi cần được xem xét trên hai phương diện: từng hộ gia đình, và cộng đồng.

Về phía hộ gia đình, khi muỗi phát sinh nhiều hơn, cắn nhiều lần hơn, chúng ta sẽ tự cảm nhận được và tự lo trước bằng những hành động cụ thể thiết thực, phòng chống muỗi trong và ngoài nhà. Đối với sự phát sinh muỗi cỏ, chúng ta phải dọn dẹp rác, khơi thông nước đọng. Nếu vườn cây rộng, chúng ta có thể vun lá để đốt, phát quang cỏ, bụi rậm.

Đối với loại muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết, chúng ta phải vệ sinh nhà cửa, dùng vợt điện bắt muỗi (loại tốt khoảng 40.000 đồng/cái). Sau đó là kiểm tra lại các vật dụng chứa nước, đậy kín để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ lăng quăng.

Còn về phía cộng đồng, rác rưởi nhiều, cây cỏ mọc tùm lum, nước đọng ao tù... chính là nguồn phát sinh muỗi. Do đó, cộng đồng phải quan tâm nhiều hơn về vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh một cách thường xuyên.

Đặc biệt, mỗi cộng đồng sẽ có nhiều công trình xây dựng, khu vực đang cải tạo, khu vực kho bãi... nên cần phải có sự phối hợp của rất nhiều thành viên để có những kế hoạch nhất định phòng chống muỗi tránh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Vị trí của mỗi người phải được thể hiện.

Bên cạnh đó, việc giám sát mật độ muỗi cần được làm thường xuyên, và phát hiện sớm nhanh. Trong đó bao gồm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Các biện pháp phòng chống muỗi như: thả abate, phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, thu gom rác... là những biện pháp không mới. Nhưng chúng ta quan tâm, làm đúng và đủ, sự nỗ lực của ngành y tế kết hợp với cộng đồng sẽ làm giảm mật độ muỗi.

- Xin cảm ơn ThS BS Lương Chấn Quang và BS Nguyễn Đắc Thọ!

  • Hương Cát
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,