- Chỉ cần xuống xe, "lót tay" là cả một xe tải chở gia súc, gia cầm có thể ung dung qua chốt kiểm dịch Pháp Vân. Và tại khu lò mổ Thịnh Liệt, chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn là có giấy chứng nhận "Đã qua kiểm dịch"...
Từ việc nhận "lót tay" để không kiểm dịch!
Đầu tháng 2/2008, phóng viên VietNamNet nhận được phản ánh của độc giả về nạn các chủ buôn bán gia súc, gia cầm "lót tay" cho nhân viên kiểm dịch tại chốt Pháp Vân để "khỏi cần kiểm dịch khi đưa gia súc, gia cầm vào Hà Nội" và tình trạng "viết khống, bán khoán" giấy kiểm dịch thú y tại khu vực lò mổ lợn Thịnh Liệt.
"Xe khách" chất đầy vịt trên nóc đã qua chốt kiểm dịch Pháp Vân bằng phương pháp "lót tay" (Ảnh Phạm Hải) |
Nhằm kiểm chứng tính xác thực của thông tin mà độc giả cung cấp, liên tục trong 3 đêm, từ 26-28/2, nhóm phóng viên VietNamNet đã có mặt tại chốt kiểm dịch động vật Pháp Vân và khu lò mổ lợn Thịnh Liệt thuộc quyền quản lý của Trạm thú y quận Hoàng Mai để khảo sát thực tế. Và với những hình ảnh ghi nhận được, nhóm phóng viên VietNamNet đã phải giật mình...
0h30 đêm 26/2, hàng chục xe tải chở trâu, bò từ Hà Tây về Hà Nội lần lượt đi qua chốt kiểm dịch động vật Pháp Vân. Mỗi khi có xe chở gia súc, nhân viên trực tại chốt nhanh chóng rời khỏi bàn làm việc và tiến lại gần chiếc xe tải. Từ trên xe, một người mở cửa nhảy xuống, nhanh chóng dúi vào tay nhân viên kiểm dịch một "thứ gì đó" rồi vội vàng lên xe... đi tiếp trong khi cả một xe tải chở đầy trâu, bò chưa hề được kiểm dịch tại chốt.
Nhân viên kiểm dịch "gà gật" khi một xe chở đầy trâu, bò qua chốt kiểm dịch Pháp Vân |
Liên tục trong 3 đêm có mặt tại chốt kiểm dịch này, nhóm phóng viên VietNamNet đã ghi nhận được gần 100 trường hợp xe tải, xe khách chở gia súc, gia cầm bằng phương pháp "dúi nhanh chóng - đi thuận lợi". Thậm chí những trường hợp, xe chở khách chất thêm hàng trăm con vịt trên nóc xe mà không hề che chắn để bảo đảm vệ sinh theo đúng quy định cũng "bình yên" qua chốt nhờ động tác "tự giác lót tay" của chủ hàng.
Trong vai một khách vẫy xe đi Lạng Sơn, phóng viên VietNamNet đã lên chiếc xe khách mang BKS 33M - 91xx để tìm hiểu rõ hơn về "quy trình lót tay" giữa người buôn bán gia cầm và nhân viên kiểm dịch. Người phụ nữ chủ của hàng trăm con vịt trên nóc xe khách thản nhiên nói: "Hàng trăm con vịt như thế mà kiểm dịch thì đến bao giờ cho xong? Chỉ cần vài chục là họ cho qua hết, tiện cho họ (nhân viên kiểm dịch) và cũng nhanh chóng cho mình, chả đi đâu mà thiệt".
Đến viết khống, bán khoán giấy chứng nhận kiểm dịch!
Lộ liễu hơn cả việc nhận "lót tay" của người buôn bán gia súc, gia cầm đưa hàng qua chốt kiểm dịch động vật Pháp Vân, tại khu vực lò mổ Thịnh Liệt, hàng nghìn con lợn được giết mổ tại đây mỗi ngày đều được cấp giấy "Chứng nhận kiểm dịch" theo cách "Bao nhiêu cân, bấy nhiêu tiền, không cần kiểm dịch".
Giấy chứng nhận kiểm dịch và biên lai thu tiền được viết sẵn trước khi "bán" cho những người buôn bán thịt lợn |
Cho dù ai cũng biết rằng, gần như 100% thịt lợn từ lò mổ Thịnh Liệt ra chợ được tiểu thương chuyên chở bằng xe máy trong tình trạng "khoả thân" nhưng trong những tờ "Chứng nhận kiểm dịch" mà phóng viên VietNamNet thu thập được, 100% đều ghi rằng: "Thịt lợn được bao gói bằng túi nilon".
Có mặt tại khu vực lò mổ này trong 2 đêm 27-28/2, điều mà nhóm phóng viên VietNamNet ghi nhận được về quy trình kiểm dịch đối với lợn và thịt lợn tại khu vực này như sau:
Khi xe chở lợn từ khắp các tỉnh về tới lò mổ Thịnh Liệt, chủ hàng hoặc lái xe sẽ phải xuất trình giấy "Chứng nhận kiểm dịch" đối với số lượng lợn chở trên xe. Tuy nhiên, do hầu hết các xe chở lợn này đều không có giấy tờ hợp lệ nên cán bộ kiểm dịch tại khu vực lò mổ thường "linh động" bằng cách... phạt. Thông thường, mỗi xe chở lợn sẽ chấp nhận nộp phạt từ 50 nghìn đồng để lợn trên xe khỏi bị kiểm dịch trước khi giết mổ.
Cả một xe tải chở lợn không có giấy vận chuyển và kiểm dịch gốc cũng chỉ bị phạt từ 50.000 đồng (Ảnh Công Thanh) |
Qua "công đoạn" này, lợn sẽ được giao lại cho các chủ lò để giết mổ ngay trong đêm với địa điểm giết mổ là sàn bê tông bẩn thỉu và nhớp nháp của mỗi lò. Mỗi con lợn sau khi được giết mổ xong nhanh chóng có người nhận và quẳng vào giữa xe máy để đưa về các chợ. Tuy nhiên, trước khi ra khỏi lò mổ, những "phản thịt" lợn còn phải trải qua công đoạn "mua"... Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển trong tỉnh".
Chỉ mất chưa đầy 2 phút, mỗi xe máy chở thịt lợn trước khi ra khỏi khu vực giết mổ sẽ có ngay 1 tờ chứng nhận kiểm dịch có dấu đỏ đàng hoàng. Giá của mỗi tờ "Chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật" này được các cán bộ thú y, kiểm dịch Hoàng Mai "ấn định" theo một mức chung là 10.000 đồng/1 giấy /100kg thịt lợn.
Lợn được giết mổ tại lò Thịnh Liệt một cách rất mất vệ sinh nhưng vẫn có thể đàng hoàng qua khâu "kiểm dịch" nếu chủ hàng chịu bỏ ra vài chục nghìn "lệ phí" |
Cả người buôn bán thịt lợn và cán bộ kiểm dịch đều "hài lòng" với những công đoạn "kiểm dịch" nêu trên bởi "người bán thịt đỡ phải chờ các công đoạn kiểm dịch đúng quy định, còn cán bộ kiểm dịch cũng chả mất sức kiểm đếm mà chỉ cần viết biên lai thu tiền là xong".
Trò chuyện với phóng viên VietNamNet, một chủ quán nước hàng ngày phải chứng kiến chuyện kiểm dịch... trên biên lai thu tiền tại khu vực lò mổ Thịnh Liệt ngán ngẩm nói: "Năm ngoái khi dịch lợn tai xanh xảy ra, ở đây họ vẫn kiểm dịch kiểu đó chứ có ngại gì đâu. Nhỡ có chuyện gì xảy ra thì chỉ người ăn thịt lợn là khổ thôi!".
-
Thanh Hải - Quang Cường - Hải Ninh