- Cả tỉnh có gần 130 km đường Quốc lộ 1A, nhưng thời điểm này chỉ có duy nhất một trạm kiển dịch hoạt động thường xuyên; các chốt còn lại hoạt động theo... thời vụ. Có chốt được dựng lên sơ sài khi dịch bệnh bùng phát, rồi nhanh chóng bị dỡ bỏ khi vừa hết dịch.
Chốt kiểm dịch động vật không một bóng người. |
Theo khảo sát của VietNamNet, vào thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có duy nhất một trạm kiển dịch đóng tại thị trấn Gia Lách huyện Nghi Xuân hoạt động thường xuyên; các chốt kiểm dịch còn lại đều hoạt động theo... thời vụ. Khi dịch bệnh bùng phát, các chốt này được dựng lên một cách sơ sài rồi nhanh chóng bị dỡ bỏ khi vừa hết dịch.
Kỳ Anh là huyện giáp ranh với tỉnh Quảng Bình nhưng cả huyện cũng chỉ có một chốt kiểm dịch đóng tại Đèo Ngang (xã Kỳ Nam), nhưng đầu tháng 3/2008 PV VietNamNet thấy trạm đã biến mất, không để lại dấu tích gì.
Hỏi thăm mấy người dân sống quanh trạm thì được biết chốt kiểm dịch này hoạt động theo thời vụ, dịch cúm gia cầm và lở mồng long móng năm ngoái, trạm được dựng lên hơn một tháng rồi bị dỡ đi.
Ông Lê Văn Lương - cán bộ trạm thú y huyện Kỳ Anh, phụ trách công tác kiểm dịch cho hay: “Kỳ Anh là một huyện rất rộng, lại giáp ranh với tỉnh Quảng Bình nên kiểm dịch rất khó khăn. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với UBND và chi cục thú y tỉnh cho thành lập một chốt kiểm dịch hoạt động thường xuyên tại hầm đường bộ Đèo Ngang để ngăn chặn các vụ vận chuyển gia súc, gia cầm từ tỉnh bạn sang nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Còn tại Trạm kiểm dịch động vật duy nhất tại Hà Tĩnh đóng tại Gia Lach, Nghi Xuân, khi PV VietNamNet đến thì phòng trực vắng tanh.
“Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi thì năm 2007 có đến hàng trăm ngàn con vịt con không rõ nguồn gốc được một đầu nậu ở huyện Bố Trạch bán cho bà con ở các xã như Kỳ Thịnh, Kỳ Phương, Kỳ Long… Đây là thời gian mà các hộ chuẩn bị mua vịt con về nuôi để phục vụ cho ngày 5/5, mặc dù biết vậy nhưng do không có chốt kiểm tra nên trạm không có cách nào ngăn chặn. Sau khi mua vịt con về, bà con nông dân lại không chịu phối hợp với thú y để tiêm phòng nên dịch bệnh rất dễ bùng phát”.
Được biết dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng xuất hiện ở Hà Tĩnh trong thời gian qua đa phần là do các mầm bệnh được chuyển từ nơi khác đến qua đường Quốc lộ 1A.
Một ao vịt thả của một hộ chăn nuôi ở Nghi Xuân. |
Từ thả rông chuyển thành đào ao nuôi vịt
Ngày trước người dân các xã ở huyện Nghi Xuân nuôi vịt bằng cách thả đồng nhưng mấy năm nay hầu hết các gia đình đã thôi chăn thả, thi nhau đào ao vây lưới để nuôi vịt. Những đàn vịt nhỏ cũng không được thả ngoài đồng. Thức ăn của vịt ngày trước là do kiếm ăn trên cánh đồng, giờ chủ yếu là thức ăn chăn nuôi.
Sống chủ yếu nhờ nghề chăn nuôi gà, vịt nên người dân nơi đây đều rất cẩn thận phòng chống dịch cúm gia cầm. Anh Hồ Văn Vị (xóm 8, Xuân Hồng) cho biết: “Vịt của gia đình tôi từ trước tới nay luôn nuôi chia làm 3 đàn, hơn 1 đàn có 400 con. Đàn vịt được tiêm phòng từ tháng 10/2007 đến giờ là hai lần rồi. Các chị ở trạm thú y huyện và thú y xã đến tiêm cho. Nếu không tiêm phòng thì không được cấp giấy chứng nhận thì trứng không bán được, mà bán vịt cũng không ai mua. Ngoài việc tiêm phòng ra thì nhà tôi mua thuốc khử trùng khoảng 30-45 ngày phun lần, ngoài ra còn có thuốc khủ trùng của trạm phát cho”.
Ông Lê Văn Khôi - Trạm trưởng thú y huyện Nghi Xuân thì cho biết: “Nghi Xuân là huyện có đàn gia cầm lớn nhất tỉnh với 120 000 con vịt và hơn 80 000 con gà; việc nuôi gia cầm của người dân ở đây đã thành nề nếp, nên việc tiêm phòng dịch cúm được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, người dân ý thức được tác hại do dịch cúm gia cầm gây ra nên đã phối hợp với trạm rất tốt. Dân ở huyện này chủ yếu nuôi vịt gốc, vịt lấy trứng nên ít phải thay đàn nên việc vận chuyển vịt từ các địa phương khác tới là không có.
Trong khi việc kiểm dịch tại nhiều chốt lớn chưa được chú trọng thực hiện, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đang gồng mình chặn dịch. Ông Khôi cho hay: “Cả huyện Nghi Xuân có 4 lò ấp trứng lộn, chúng tôi luôn tiến hành kiểm tra nắm cụ thể, có những báo cáo kịp thời lên trên khi có những vấn đề khả nghi. Ngoài việc có mạng lưới nhân viên cơ sở, chúng tôi có lập 2 chốt kiểm dịch trên đầu tuyến giao thông vào huyện và bố trí người trực 24/24 để kiểm soát gia cầm ngoài vào. Nếu phát hiện gia cầm, súc vật không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy tờ, chúng tôi buộc chuyển về chỗ cũ”.
-
Hà Vy - Quốc Hoàng