221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1042199
Đến 2020, Hà Nội có thêm 4 tuyến đường sắt đô thị
1
Article
null
Đến 2020, Hà Nội có thêm 4 tuyến đường sắt đô thị
,

 - Ngoài việc mở các tuyến đường sắt hướng tâm (Yên Viên - Lạng Sơn; Yên Viên - Bãi Cháy; Cổ Bi - Hải Phòng; Ngọc Hồi - TP.HCM; Bắc Hồng - Lào Cai; Đông Anh - Thái Nguyên) thành đường sắt đôi sau năm 2010, Hà Nội sẽ có thêm 4 tuyến đường sắt đô thị gắn kết các khu đô thị, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn...

Theo đồ án "Qui hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020" của Bộ Giao thông - Vận tải vừa được Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định, mạng lưới đường sắt khu vực Hà Nội đến 2020 được xác định chủ yếu cấu thành bởi các trục đường sắt quốc gia với chức năng vận chuyển hành khách - hàng hoá liên tỉnh và đường sắt đô thị với chức năng vận chuyển hành khách công cộng nội đô.

1

Tương lai, sẽ không còn các đường sắt ngẫu hứng và lạc hậu thế này trên địa bàn Hà Nội nữa? (Ảnh: T.A.N)

Trên cơ sở là Qui hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đi qua địa bàn Hà Nội thời gian tới sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam (Hà Nội - TP.HCM) được thực hiện theo dự án riêng. Ngoài ra, một số đường sắt vành đai sẽ được xây dựng mới: Đông Anh - Yên Thường - Phù Đổng - Cự Khối - Yên Sở - Ngọc Hồi và cầu đường sắt Ngọc Hồi (qua sông Hồng); Đông Anh - Cổ Loa - Yên Viên (tránh khu di tích Cổ Loa)... đồng thời hoàn chỉnh đường sắt vành đai theo tiêu chuẩn đường đôi khổ lồng 1435/1000mm.

Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ đóng vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn (Urban Rapid Mass Transit - URMT). Mạng lưới đường sắt đô thị được cấu thành bởi các trục chính và trục nhánh. Đối với các trục chính,  các phương thức đường sắt nhẹ (Light Rail Transit - LRT) hoặc Metro sẽ được ưu tiên. Tại các trục nhánh, cơ quan chuyên ngành sẽ  nghiên cứu áp dụng các phương thức tàu 1 ray, ôtô bánh sắt (Monorail, Rail car) hoặc tàu điện...

Để khai thác tối ưu hiệu quả, theo ý kiến đóng góp của các bộ,  ngành và UBND TP Hà Nội, các tuyến đường sắt đô thị phải gắn kết với các khu đô thị, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trung tâm công nghiệp, trường học. Đồng thời, các tuyến đường sắt đô thị cũng gắn kết với nhau, hình thành nên một mạng lưới liên thông, bao quát tất cả các khu vực đô thị quan trọng của Hà Nội.

TIN LIÊN QUAN

Mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội đến năm 2020 sẽ bao gồm 4 tuyến: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình; Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai và Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Thanh Trì - Thanh Xuân - Từ Liêm Thượng Cát - Mê Linh.

Qui hoạch xác định tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) sẽ có chiều dài 38,7km, phục vụ các khu vực ngoại thành phía đông bắc và nam Hà Nội đi qua khu vực trung tâm thành phố; tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình) dài xấp xỉ 33,7km là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Tuyến số 2 này sẽ nối với sân bay Nội Bài với khu đô thị mới Đông Anh, khu tổ hợp hành chính ở Từ Liêm, khu phố cổ, khu phố có kiến trúc kiểu Pháp và đi dọc quốc lộ 6 và tới Thượng Đình.

Tuyến số 2 sẽ vượt qua sông Hồng theo hai phương án vị trí: đi theo cầu Thăng Long và giữa cầu Thăng Long - cầu Nhật Tân. Kết nối với tuyến số 2 có tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông (dài khoảng 14km). Tuyến này bắt đầu tại khu vực phố Cát Linh (giao với tuyến số 3), đi theo hành trình Cát Linh - Hào Nam - La Thành - Thái Hà - Láng - Ngã Tư Sở - quốc lộ 6 - Thượng Đình (nối với tuyến số 2) - Hà Đông - Ba La. Sau năm 2020, tuyến 2A này có thể được kéo dài tới Xuân Mai.

Phụ trợ cho tuyến số 2 còn có thêm một tuyến xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) chiều dài xấp xỉ 33,9km, đi theo hành trình Sóc Sơn - Đông Anh - Kim Nỗ - Mê Linh - Vĩnh Yên. Trong tương lai sẽ có thể phát triển tuyến buýt nhanh này thành tuyến đường sắt đô thị.

Tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai) có chiều dài 21km, nối khu vực phía tây với trung tâm thành phố và khu vực phía nam, cắt tuyến 1 tại vị trí ga Hà Nội. Trong đó, đoạn tuyến từ Nhổn đến ga Hà Nội hiện đang được chuẩn bị xây dựng theo dự án của TP Hà Nội.

Kết hợp với tuyến số 3 sẽ có một tuyến xe buýt nhanh chiều dài 12km, nối tuyến số 3 với tuyến số 2 (ở vị trí phía nam hồ Tây) và với hành lang Láng - Hòa Lạc. Tuyến buýt nhanh này cũng được định hướng phát triển thành tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.

Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Thanh Trì - Thanh Xuân - Từ Liêm Thượng Cát - Mê Linh) sẽ có dạng vòng tròn, kết nối các tuyến 1, 2 và 3, đa dạng hóa nhu cầu giao thông và gắn kết với các dự án phát triển đô thị. Trước mắt, qui hoạch đề xuất có thể xây dựng tuyến số 4 là buýt nhanh, trong tương lai sẽ phát triển dần thành đường sắt đô thị hoàn chỉnh. Toàn tuyến số 4 có chiều dài khoảng 53,1km.

Để hỗ trợ cho các tuyến đường sắt đô thị, các cơ quan chuyên môn cho biết còn có  2 tuyến buýt ưu tiên, gồm: Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Láng Hạ - Giảng Võ (tuyến 1) và Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Hàng Bài (tuyến 2). Hai tuyến buýt ưu tiên này sẽ được xây dựng theo dự án phát triển giao thông đô thị đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Trong tương lai, khi các tuyến đường sắt đô thị đã hình thành , các tuyến xe buýt này sẽ được điều chỉnh lại lộ trình cho phù hợp.

Bộ Xây dựng khẳng định, cấu trúc, phương thức, lộ trình và tiến độ thực hiện của từng tuyến đường sắt đô thị sẽ được nghiên cứu cụ thể trong các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo và theo từng dự án riêng.

  • Hoàng Huy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,