- Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) Nguyễn Văn Cảm vừa cho biết, các mẫu bệnh phẩm cầy vằn (Owston’s palm civet) tử vong ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) là do nhiễm virus H5N1.
Theo tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ 6/2 -2/3, Vườn Quốc gia Cúc Phương phát hiện 6 con cầy vằn, 2 con cày vòi mốc, 5 con chim chào mào, 2 con voọc ngũ sắc và 1 con Culi bị ốm, chết.
Cầy vằn ở VQG Cúc Phương (ảnh sinhhocvietnam.com)
Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM và Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ đối với 4 mẫu bệnh phẩm cầy vằn đều cho dương tính với virus cúm H5N1.
Riêng 1 con cầy vằn (chết ngày 2/3), 2 con voọc ngũ sắc và 5 chim chào mào đã được Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ xét nghiệm xác định không nhiễm virus H5N1.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Cảm cho biết, nguyên nhân khiến cầy vằn lây bệnh có thể do chim hoang hoặc nguồn thức ăn có mầm bệnh virus. Thức ăn cho cầy vằn là thịt bò và gia cầm. Trước đó, vào tháng 6/2005, chính ở Vườn Quốc gia Cúc Phương và cũng ở trung tâm cứu hộ này đã có 3 con cầy vằn bị chết do nhiễm H5N1. Thế giới cũng đã ghi nhận mèo, hổ bị chết do nhiễm H5N1.
Liệu virus H5N1 ở cầy vằn có lây sang các động vật khác? Về nghi ngờ này, ông Cảm nói rằng, trên nguyên tắc, việc lây nhiễm H5N1 từ động vật có vú sang động vật càng khó, bởi ngay cơ chế lây nhiễm từ gia cầm sang động vật hay sang người đến nay các nhà khoa học cũng chưa biết rõ ràng, chính xác.
Còn tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều 11/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã yêu cầu Trung tâm Chẩn đoán Thú y TW tiếp tục điều tra lấy mẫu, giám sát dịch bệnh trên cầy vằn để có biện pháp bao vây, dập dịch.
Số cầy vằn còn sống trong trung tâm cứu hộ cầy vằn ở Vườn Quốc gia Cúc Phương đến thời điểm này chỉ còn 7 con, 6 con đã tử vong.
Cầy vằn có phạm vi phân bố hẹp. Chúng sinh sống trong các khu rừng thuộc miền Trung, miền Bắc Việt Nam, phía Đông của Lào và phía Nam Trung Quốc. Trong Sách Đỏ của Việt Nam, cầy vằn được liệt vào loài sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng và là loài bị nghiêm cấm buôn bán trong các văn bản luật bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam.
20 quốc gia tham gia hội nghị phòng chống LMLM Hội nghị lần thứ 14 Tiểu ban phòng chống Lở mồm long móng (LMLM) khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đang diễn ra tại Hà Nội, do OIE và Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) phối hợp tổ chức. Hơn 100 đại biểu đến từ 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham dự hội nghị. Hội nghị này nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh LMLM và các biện pháp phòng chống của các nước trong khu vực năm 2007 và chương trình hành động năm 2008. Đặc biệt, hội nghị sẽ rà soát các hoạt động chung được thực hiện dưới sự điều phối của Chương trình phòng chống LMLM khu vực Đông Nam Á của OIE (SEAFMD). Đây cũng là cơ hội để các đại biểu chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh. Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: “Phòng chống LMLM đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của các nước trong khu vực. Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm hướng tới một khu vực sạch bệnh LMLM, từ đó mở ra cơ hội thương mại động vật và sản phẩm động vật”. |
-
Hà Yên