- Người bán hàng không quan tâm đến vệ sinh, khách đến các quán ăn cũng chẳng "lăn tăn" gì về vấn đề an toàn thực phẩm.
Vừa qua, Bộ Y tế và TP Hà Nội đã tổ chức uống vắc-xin phòng tả miễn phí tại 2 quận. Tuy nhiên, nhiều người dân đã không hưởng ứng, thậm chí chẳng cần biết dịch tả.
Quán bún chả trên phố Lê Ngọc Hân, nào vỉ ướng, thịt nướng, bát đũa... bày trên nền vỉa hè ẩm ướt. Ảnh: Lệ Hà |
Vô tư rước mầm bệnh
Dạo quanh phố phường một vòng mới thấy một bộ phận không nhỏ người Hà Nội chưa thể từ bỏ thói quen ăn uống mất vệ sinh, nhất là những quán ăn vỉa hè.
Buổi trưa, hàng bún chả vỉa hè trên phố Trần Xuân Soạn khá đông khách. Mặt bằng xung quanh gốc cây trên vỉa hè được biến thành bếp nấu ăn.
Trên nền đất ẩm ướt cạnh cống thoát nước và một hàng bán thịt sống, chủ quán bày ra nào vỉ thịt sống, vỉ thịt dùng xong bừa bãi dưới đất. Kế đó là chậu rửa bát đũa đục ngầu và một chậu rau sống… ‘’Khuất mắt trông coi’’ thực khách vẫn hồn nhiên vào quán gọi ăn mặc sự mất vệ sinh tiềm ẩn trong từng suất ăn của mình.
Ở phía trong quán, vẫn đôi bàn tay bốc bún, gỡ thịt từ vỉ cho vào bát, bà chủ quán chốc chốc lại đứng dậy thu tiền hoặc dọn bát đũa bẩn khách vừa ăn xong vứt ra vỉa hè chờ người rửa. Nếu khách đông thì đống bát đũa đó được rửa qua loa rồi lại dùng ngay.
Hàng bún ốc gần đó cũng diễn ra cảnh mất vệ sinh khi tất cả hoạt động bán hàng, ăn uống, rửa bát chỉ diễn ra trên một góc nhỏ. Ảnh: Lệ Hà |
Cách đó không xa, hàng bún ốc được dựng lên với vài chiếc ghế, một chậu nước rửa, một gánh bún, nồi nước dùng. Khách hàng dường như chẳng để ý đến sự đơn giản đến tạm bợ của cửa hàng. Họ chỉ cần giải quyết cái dạ dày đang réo rắt, biết chính mình đang ăn những vi khuẩn mất vệ sinh vào người.
Khi được hỏi về vấn đề vệ sinh, chị Thu Hà, một thực khách tại quán đang hồn nhiên gắp rau sống ăn giật mình trả lời: "Thế Hà Nội lại có tiêu chảy cấp à?".
Bà chủ hàng nghe vậy nói chêm vào: "Các em cứ vô tư đi, đợt trước dịch tiêu chảy lớn thế mà khách hàng ăn ở quán của chị có ai bị làm sao đâu!"...
Nhân viên rửa khay nướng thịt qua loa, không miếng rửa, không nước rửa bát. Ảnh: Lệ Hà |
Trên con phố Hòa Mã, ngay sát cống thoát nước dơ bẩn từng chiếc khay nướng thịt của một cửa hàng bánh mỳ vứt thành đống. Không miếng rửa, không nước rửa, bát nhân viên của cửa hàng đi đôi bao tay bảo vệ cho chính mình rồi rửa khay một cách qua loa. Nhìn những khay đã được xếp gọn ghẽ sau khi rửa vẫn thấy mỡ và thức ăn dính lem nhem.
Từ chối uống vắc-xin phòng tả
Tại 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai của Hà Nội, Bộ Y tế đã cho uống vắc-xin tả. Thế nhưng theo Bộ này, chỉ có 70% người dân của 2 quận đi uống.
Chị Hà Linh ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: ‘’Lần trước tôi cũng đến cơ sở y tế uống vắc-xin nhưng khi cho vào mồm tôi đã không nuốt mà đi ra ngoài rồi nhổ ra’’.
Ăn uống vỉa hè dễ mắc tiêu chảy cấp, khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Ảnh: Lệ Hà |
Chị Khánh Ngọc ở đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) thì giải thích: ‘’Tôi đảm bảo mình ăn uống vệ sinh nên không đi uống vắc-xin tả đợt vừa qua. Tôi được biết uống vắc-xin chỉ là biện pháp hạn chế mắc bệnh còn vẫn phải do ăn uống vệ sinh’’.
Cũng ở khu vực quận Hoàng Mai, chị Hải Hà lấy lý do không đi uống vắc-xin tả là do quên.
Mỗi người một lý do để từ chối việc uống vắc-xin tả phòng bệnh. Dù thế nào thì đang trong thời kỳ nguy hiểm, việc tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng là hết sức cần thiết.
-
Lệ Hà