- Mua xe mới đã được gần 1 tháng, nhưng anh Nguyễn Đức Hùng, ở Hà Đông, Hà Tây vẫn để xe mới cóng, chưa làm biển số. Anh Hùng cho biết sẽ đợi đến thời điểm Hà Tây được chính thức sáp nhật với Hà Nội mới đi đăng ký để có biển số đẹp.
Với tâm trạng háo hức sắp trở thành "người Thủ đô", nhiều người dân Hà Tây đi mua xe máy mới cũng đợi luôn đến thời điểm chính thức sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội rồi mới làm đăng ký xe.
Đang thanh toán tiền ở cửa hàng xe máy trên đường Quang Trung, Hà Đông, chị Lê Thị Cúc, Hoài Đức, Hà Tây nói: “Tôi mua xe trước, rồi đến khi nào Hà Tây nhập về Hà Nội thì mới làm đăng ký. Đi xe biển 29 vẫn thích hơn biển 33 chứ”.
Anh Hùng với chiếc xe không biển dạo phố. Ảnh: Bùi Hợp
Với tâm lý thích biển số Hà Nội hơn, trước đây, nhiều người dân Hà Tây đã phải nhờ người quen ở Hà Nội làm hộ đăng ký xe mang biển 29, cho dù thủ tục phức tạp và chi phí thậm chí đắt hơn gấp đôi. Nay, khi Hà Tây "về" với Hà Nội thì việc làm đăng ký xe sẽ dễ dàng hơn, “đỡ phải nhờ người thân mà đăng ký lại được chính chủ” - chị Cúc tâm sự. Thế cho nên, chị Tâm và nhiều người khác quyết tâm chờ bằng được.
Có người quen là cán bộ làm thủ tục đăng ký xe máy, mặc dù mua xe đã được gần 1 tháng nhưng anh Hùng vẫn chưa đi đăng ký. Anh giải thích: “Biển 33 hết số đẹp rồi, tôi đang đợi khi chính thức sáp nhập thì biển số xe có thể đổi là 31, 32. Lúc đó tha hồ mà chọn”.
Anh Vũ Thanh Hải, chủ cửa hàng xe máy ở Hà Đông cho biết: “Cứ khoảng 10 người đến mua xe thì có đến 3 - 4 người muốn đợi khi sáp nhập rồi mới làm đăng ký. Những người chưa đi làm đăng ký chủ yếu là thanh niên, họ chịu chơi, sành điệu và cũng không tiếc tiền”.
Anh Hải cho biết thêm, xe có giá 15 triệu trở lên nếu làm đăng ký ở Hà Tây sẽ chỉ mất 400 ngàn đồng, nhưng khi mang ra Hà Nội đăng ký chi phí có thể lên đến 1 triệu đồng.
Là người am hiểu về xe cộ, Anh Phan Mạnh Thực, Ứng Hòa, Hà Tây phân tích: “Bây giờ đa số người dân thích xe biển Hà Nội, để không bị coi là “quê”. Hơn nữa, mua xe đăng ký biển Hà Nội, sau này muốn bán lại sẽ được giá hơn".
Ngoài ra, theo anh Thực: "Khi đi đường, xe biển 29 thường ít bị công an chú ý hơn là các xe biển tỉnh lẻ. Vậy nên, chỉ còn vài tháng nữa là Hà Tây nhập vào Hà Nội, tội gì mà không đợi”.
Chấp nhận đi xe “chui”
Hầu hết mọi người đều ý thức được rằng, đi xe chưa lắp biển ra ngoài đường rất dễ bị phạt. Không muốn gặp phiền phức với chiếc xe mới tậu nên nhiều người đã tìm cách đi xe chui, hoặc chỉ đi trong làng tránh những nơi có CSGT đứng.
Từ khi mua xe mới, anh Hùng cũng ít đi ra phố vì sợ công an phạt. Khi nào có việc cần thì mượn tạm chiếc xe của anh trai, còn anh chỉ dám đi xe quanh quẩn ở nhà, hay đi uống nước cùng bạn bè vào buổi tối. Có lần, công việc yêu cầu phải đi nhiều, lại không mượn được xe, anh Hùng đành tính bài đi đường vòng vèo trong ngõ. “Tuy hơi mất thời gian, nhưng được cái an toàn”, anh Hùng nói.
Để có biển "sành điệu" anh Thực chấp nhận đi "chui" với xe không biển số. Ảnh: Bùi Hợp
Vì nhà ở trong làng nên anh Thực vẫn thoải mái ngồi trên xe không biển đi khắp làng trên, xóm dưới. “Ở đây có bao giờ cảnh sát giao thông đứng đâu mà sợ”, anh giải thích. Lúc có việc cần ra ngoài thành phố, anh Thực thường chỉ dám đi xe cũ hoặc đi ô tô, chiếc xe mới mua cứ tạm cất ở nhà.
Chị Bùi Hoa Hồng, cán bộ phòng xử lí vi phạm Công an tỉnh Hà Tây cho biết, trường hợp đi xe không biển ra đường, nếu bị cảnh sát giao thông phát hiện sẽ bị phạt 350 ngàn đồng. Xe mới mua được gia hạn trong vòng 10 ngày phải đi làm đăng ký. Nếu quá hạn trên mà chưa làm đăng ký thì cảnh sát giao thông vẫn có quyền phạt.
Bùi Hợp