- Bộ Y tế chưa công bố dịch tiêu chảy cấp quay trở lại nhưng số bệnh nhân mắc đã tăng lên chóng mặt. Số tỉnh, thành có bệnh nhân tiêu chảy đã lên tới 10 địa phương.
Bất cứ chỗ trống nào của Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đều trở thành nơi nằm của bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ảnh: L.Hà |
Mở rộng “bản đồ” tiêu chảy cấp ra 10 tỉnh, thành
Ngày 2/4, TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện ở 10 tỉnh/thành phố, 2 tỉnh mới có bệnh nhân là Hà Nam và Vĩnh Phúc , mỗi nơi có 1 ca.
Như vậy, đến nay đã có 10 địa phương, bao gồm Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam và Vĩnh Phúc có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tính đến thời điểm này, đã có 85 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, riêng Hà Nội có nhiều bệnh nhân nhất với 44 bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, Viện đã điều trị 154 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm trong vòng 1 tháng qua, trong đó có 61 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Bệnh nhân chủ yếu là ở Hà Nội và Hà Tây.
Thời điểm này, nỗi lo nhất là tình trạng mất vệ sinh dẫn đến số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm tăng lên nhanh chóng. Hơn nữa, thời điểm giao mùa, ẩm ướt cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh này.
Theo điều tra của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, những vùng xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp đều có thói quen sử dụng phân tươi bón ruộng.
Mới đây, Bộ Y tế cũng công bố chỉ có 18% số hộ gia đình, 12% số trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, gần 37% số trạm y tế xã có và đang sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt đúng các tiêu chuẩn của Bộ. Đây là một nỗi lo trước tình hình dịch bệnh.
Cẩn thận với tiệc đông người
Càng cuối tháng, số bệnh nhân mắc tiêu chảy càng đông. Bệnh nhân nhập viện đều cho biết có sử dụng mắm tôm, thịt chó và rau sống.
Tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, hàng ngày tiếp nhận không ít ca mắc tiêu chảy có sử dụng những thực phẩm nguy cơ cao trên. Có gia đình cả 2 vợ chồng cùng nhập viện vì tiêu chảy sau khi ăn thịt chó, mắm tôm. Đó là trường hợp của gia đình chị T. ở Hoàng Mai. Chưa đầy 2 tiếng sau khi ăn thịt chó mắm tôm cả hai vợ chồng cùng thấy đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải nhập viện.
Thịt chó mắm tôm ngon thật nhưng dễ mắc tiêu chảy cấp. Ảnh: VNN |
Một trường hợp khác cũng ăn mắm tôm, thịt chó là ông Lê V.H (60 tuổi, người Thanh Hoá). Ông H. mua thịt chó với mắm tôm về ăn cùng một nhóm người. Và có tới 10 người trong tổ làm việc của ông H.cùng ăn bị tiêu chảy. Ông H. bị nặng nhất phải nhập viện.
Nỗi lo lớn nhất về sự bùng phát của các ổ dịch tả không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các vùng nông thôn, khi mà mùa hè tới, các đám giỗ, cưới…thường có từ vài chục tới vài trăm người dự. Điển hình nhất là chuyện có đám 600 người ăn ở Thanh Hoá, việc chuẩn bị thức ăn kéo dài tới 2 – 3 ngày. 40 người trong số đó bị tiêu chảy và 6 trường hợp được xác định là mắc tả. Xét nghiệm nước ở ao tại nhà chủ đám cưới đó cũng có vi khuẩn tả. Trường hợp mắc tả đầu tiên ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cũng bắt nguồn từ cỗ đám cưới.
Trước tình hình trên, một lần nữa Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cảnh báo, với thói quen ăn uống mất vệ sinh, khả năng dịch lan ra miền Trung và miền Nam rất lớn. Bộ yêu cầu các tỉnh cần giám sát chặt chẽ các cơ sở thức ăn đường phố.
-
Lệ Hà