- Sau khi "tái xuất" ở Quảng Nam, Hà Tĩnh, đến lượt đàn lợn của tỉnh Thanh Hoá bùng phát dịch "tai xanh". Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Văn Ninh hôm 3/4 đã ký ban hành Quyết định số 814/QĐ - UBND công bố dịch tại 6 huyện trong toàn tỉnh.
Dịch đang lan rộng
Một chiếc xe vận chuyển lợn chưa kiểm dịch bị bắt tại Hà Tĩnh (ảnh VNN).
Tính đến nay, Thanh Hoá đã có tổng số 4.878 con lợn bị ốm, chết. Sau khi công bố dịch tai xanh trên 6 huyện: Thiệu Hoá, Triệu Sơn, Yên Định, Quảng Xương, Thọ Xuân, Đông Sơn, UBND tỉnh này đang tiến hành các thủ tục cần thiết để công bố dịch ở hai huyện còn lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã "lệnh" cho Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y phối hợp với UBND huyện có dịch tai xanh, để theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, hướng dẫn, đôn đốc, có biện pháp hữu hiệu bao vây, dập tắt ổ dịch, ngăn ngừa, khống chế, không cho dịch lây lan ra vùng khống chế, vùng đệm và các vùng khác.
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, tính đến ngày 3/4, tỉnh này có thêm 10 xã xuất hiện dịch “tai xanh”, gồm: Cẩm Thăng, Cẩm Phúc, Cẩm Dương, Cẩm Hưng, Cẩm Thạch, Cẩm Nam, Cẩm Hà, thị trấn Cẩm Xuyên (Cẩm Xuyên) và Thạch Văn, Thạch Thắng (Thạch Hà), nâng tổng số xã có dịch tai xanh ở lợn trên toàn tỉnh lên 22 xã với trên 3.822 con mắc bệnh, đã tiêu huỷ 2.181 con.
Các địa phương có dịch đã được tỉnh cung ứng 110 tấn vôi bột và 4.985 lít hóa chất để khử trùng, tiêu độc.
Như vậy, các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch tai xanh tại các tỉnh miền Trung xem ra chưa mấy hiệu quả, khiến dịch bùng phát và lan rộng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Miền Trung phải gồng mình chống dịch
Lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng III ở miền Trung nhận định, virus gây bệnh Rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn hiện đang hoành hành ở nhiều nơi, do thời gian qua và sắp tới là thời điểm lưu lượng buôn bán, vận chuyển tăng, nhất là đối với đàn gia súc làm giống.
Cùng với thời tiết thay đổi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh ở bất cứ địa phương nào, với quy mô nào và vào bất kỳ thời điểm nào là rất lớn.
Trong khi đó, bệnh này lại không có thuốc chữa trị và là bệnh mới trên đàn lợn ở Hà Tĩnh nên người chăn nuôi chưa hiểu biết về các biện pháp phòng, chống. Việc bán tháo, bán chạy lợn bệnh dẫn tới nguy cơ dịch tai xanh còn lan rộng, đe dọa đến đàn lợn của toàn miền Trung.
Chính vì vậy, trong hai ngày 31/3 và 1/4, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo chống dịch tại Hà Tĩnh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng có Công điện khẩn yêu cầu triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh. Bộ trưởng lưu ý, các địa phương có dịch phải phân công lãnh đạo các các ngành, cấp đến tận thôn, xã để giám sát chặt diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn tại địa phương, tới từng hộ nuôi.
Đồng thời, khoanh vùng dịch, lập chốt kiểm dịch ở trục giao thông ra, vào vùng dịch và cử các lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y hoạt động 24 giờ trong ngày; lập biển báo nơi có dịch, hạn chế người ra vào vùng dịch. Điều quan trọng là các tỉnh phải cấm đưa lợn, sản phẩm của lợn chưa qua xử lý, chế biến chín ra, vào vùng dịch khi chưa công bố hết dịch.
Với các địa phương chưa có dịch, cần nhanh chóng thiết lập các trạm, chốt ở đầu mối giao thông chính để kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra, vào tỉnh.
-
Hà Yên