221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1047515
"Bán mạng" ở hầm than thổ phỉ
1
Article
null
'Bán mạng' ở hầm than thổ phỉ
,

 - Làm việc cả ngày ở độ sâu gần trăm mét dưới mặt đất và đặt cược sinh mạng của mình vào từng cân than đá, các phu làm than "thổ phỉ" ở Quảng Ninh cũng chỉ nhận được trăm ngàn đồng mỗi ngày.

Bán mạng đào than!

Khoác lên người chiếc áo sơ-mi nhem nhuốc, Đỗ Văn Đức nhanh nhảu kéo tôi chui tọt xuống miệng hầm than có độ dốc trên 60º. Dò dẫm đặt từng bước chân trên những thân gỗ chống lò trơn nhẫy, Đức thì thào nói: “Anh bước cẩn thận, trượt chân là được đi “thang máy” xuống đáy lò rồi vào bệnh viện luôn đấy”.

Mô tả ảnh.
Cái "ao" này trước đây là một miệng hầm đào than "thổ phỉ" đã bị sập vùi chết 2 phu đào than

Sau hơn chục phút lần từng bước hướng theo ánh sáng của chiếc bóng đèn 100W đặt ở đoạn “Cúp 1”, tôi xuống tới nơi tạm được coi là sáng sủa nhất của một hầm than thổ phỉ ở K67 - một địa danh đang nóng bỏng vì nạn khai thác than “thổ phỉ” ở Quảng Ninh.

Qua “Cúp 1”, rẽ tay trái bước theo một nhánh lò chừng 15m, tôi gặp Đức cùng một công nhân khác đang hì hục dùng xà beng, máy khoan chọc thẳng vào những vỉa than lấp lánh. Tiếng máy khoan rít chói tai khiến không gian trong hầm càng trở nên bức bối hơn. Chịu không nổi tiếng rít của máy khoan trong một không gian chật chội và mùi ẩm mốc đến ngạt thở, tôi vội quay ngược trở lại con đường vừa đi để mò lên mặt đất trong bộ dạng lấm lem, đen nhẻm.

Mô tả ảnh.
Cha của một nạn nhân trong vụ sập hầm than "thổ phỉ" ngày 9/3 đang ngóng chờ lực lượng cứu hộ đưa xác con từ dưới hầm lên
Trên mặt đất, trong chiếc lán lợp tôn sơ sài, một tốp phu khác vừa lên từ một miệng hầm khác gần đó đang tranh thủ ngả lưng trên những chiếc chiếu cói đen đúa, bẩn thỉu. Biết tôi vừa chui lên từ hầm 1, anh Hạo – quê ở Thái Bình vui miệng nói: “Chú cũng có máu liều đấy nhỉ"...

"Ngoài đám phu đào than thì chẳng mấy ai dám chui xuống hầm than “thổ phỉ”, kể cả chủ lò. Có nhiều người lúc đầu cũng hào hứng lắm nhưng đến khi nhìn thấy miệng hầm than sâu hun hút, tối như mực và trơn trượt là họ đánh bài chuồn luôn vì…sợ chết!” - anh Hào giải thích.

“Hồi đó làm ăn ở quê khó khăn quá nên tôi mới theo mấy ông “tuyển thợ làm than” ra đây kiếm sống. Cứ nghĩ rằng nghề này cũng chỉ nặng nhọc vất vả chút thôi, ai ngờ nhiều khi phải chứng kiến những cảnh đổ máu và mạng vì nó" - Anh Thịnh quê ở Thanh Hóa nghẹn giọng.

Anh Thịnh cho hay, mấy năm làm việc ở đây, không năm nào anh không thấy chuyện hầm sập vùi chết vài ba phu đào than - "Có những người bị vùi dưới hầm, bao nhiêu lượt người cứu hộ và máy móc vào tìm xác nhưng cả tháng vẫn không thấy, cuối cùng người ta đành bỏ xác lại dưới hầm cùng với quan tài rỗng".

Là một trong những người thoát chết trong vụ sập hầm than “thổ phỉ” rạng sáng ngày 9/3/2008, anh Minh ở Thái Bình vẫn còn chưa hết bàng hoàng: “Lúc đó là khoảng 1h sáng, tôi cùng mấy anh em thợ khác lên mặt đất để nghỉ sau khi chuyển hết hơn 2 tấn than lên mặt đất. Lúc chúng tôi lên cũng là lúc chú họ tôi là Nguyễn Văn Vũ cùng anh Khổng Văn Quý xuống hầm để tiếp tục moi than, ai ngờ đấy là lần cuối chú cháu gặp mặt nhau...".

Anh Minh kể lại, khi anh em chúng tôi trở lại xuống sâu dưới lòng đất khoảng 50m thì một người trong nhóm phát hiện ra nước đang dâng lên rất nhanh dưới chân. Biết hầm bị bục nước, mấy anh em chúng tôi chẳng ai bảo ai vội vã bám vào những thanh cột chống trơn trượt để leo ngược lên mặt đất. 

Nước ào ào dâng lên sau mỗi bước chân, đã có lúc anh nghĩ rằng mình sẽ bị nước dìm chết dưới hầm lò. Nhưng rất may, khi cách mặt đất khoảng 30m thì nước bắt đầu dâng chậm lại nên một số anh em mới kịp leo ra khỏi miệng hầm. "Nhưng tiếc thay, chú Vũ - anh Quý cũng như nhiều phu đào than "thổ phỉ" khác đã không được may mắn như tôi" - anh Minh bùi ngùi.

Dân cũng khổ vì than "thổ phỉ"

"Bao nhiêu năm nay người dân chúng tôi đã phải sống trong tâm lý nơm nớp lo sợ, không biết khi nào nhà mình sẽ bị sập vì nền đất dưới móng nhà đã bị những kẻ khai thác than "thổ phỉ" khoét rỗng tự bao giờ" - bà Phúc, một người dân ở tổ 65, khu 5 phường Cao Xanh bức xúc.

"Trước đây đám đào than còn dùng mìn để moi than nên mỗi khi mìn nổ, chúng tôi còn lờ mờ đoán được người ta khoét đến đâu rồi, có khoét dưới móng nhà mình không. Nhưng mấy năm gần đây họ chuyển sang dùng khoan điện, mọi việc cứ âm thầm diễn ra dưới lòng đất nên dù họ có moi ngay dưới đất nhà mình thì cũng chẳng biết được" - ông Lê Văn Hoà người dân khu 5 cho biết.

Mô tả ảnh.
Cho dù móng nhà xây bằng đá hộc nhưng nhiều nhà dân ở Cao Xanh bị lún nứt, phải chống tạm bằng cột gỗ  vì nạn khai thác than "thổ phỉ"

Mới năm ngoái đây, khi cả nhà ông Hoà đang yên giấc thì bỗng "rầm một cái", bật dậy thì thấy cả khoảng sân trước và một phần bếp đã sụp sâu xuống cả chục mét. Đến sáng thì thấy mấy "ông thợ" nói là đất sụp đã vùi chết 1 người đang moi than bên dưới. Mãi đến mấy hôm sau chủ hầm mới thuê được người moi xác nạn nhân lên để đưa về quê an táng và thuê người đổ đất lấp hố sụp trong đất nhà ông.

Dẫn tôi tới một nhà hàng xóm cách đó hơm 20m, ông Hoà chỉ vào một cái hố rộng khoảng 30m2 ngập nước và kể: "Đây là cái hố sập cách đây 3-4 năm đã vùi chết một lúc 2 phu đào than. Sau khi vụ sập hầm xảy ra, chính quyền phường và thành phố mới cho người đến đánh sập toàn bộ hầm để ngăn chặn việc đám cai than "thổ phỉ" tiếp tục moi lên để lấy than".

Cách nhà ông Hoà hơn 50m, căn nhà của gia đình bà Hiền dù nằm ở lưng chừng đồi và có móng nhà toàn bằng đá hộc nhưng cũng đang ở trong tình trạng tường nứt, móng vỡ, nhà sắp sập cũng chỉ vì lòng đất dưới nhà đã bị khoét rỗng để lấy than.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Bên trong một điểm khai thác than trái phép tại khu vực K67, TP. Hạ Long

Chỉ vào bức tường phía sau nhà đang phải chằng chống bằng hàng chục cọc gỗ, bà Hiền nói như khóc: "Tích cóp bao nhiêu năm mới làm được cái nhà tàm tạm, lúc xây nhà với móng toàn bằng đá hộc, có ai nghĩ rằng chỉ chưa đầy 3 năm sau nó đã sắp sập xuống thế này".

Không chỉ khổ vì nhà lún, đất sụt, người dân sống quanh khu vực K67 và Cao Xanh còn chẳng mấy khi được yên giấc trong đêm bởi mỗi khi đêm xuống, từng đoàn, từng đoàn xe tải cỡ lớn gầm rú đi trong khu dân cư để vận chuyển than. Những người dân ở 2 khu vực trên cho biết, chỉ khi nào chính quyền địa phương có chiến dịch "dẹp loạn than thổ phỉ" thì người dân mới yên ổn chút, hết "chiến dịch" thì đâu lại vào đó, người dân đêm nào cũng giật mình thon thót vì tiếng máy, tiếng còi hơi ầm ĩ.

Điệp khúc lấp - đào

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hợp - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long khẳng định: "Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP. Hạ Long là kiên quyết dẹp bỏ nạn khai thác than "thổ phỉ" để ngăn chặn nhưng thiệt hại về sinh mạng con người do những vụ sập hầm than "thổ phỉ" gây ra".

Mới đầu năm 2008, lãnh đạo thành phố Hạ Long đã quyết định cách chức 2 cán bộ lãnh đạo của phường Cao Xanh vì đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để tình trạng khai thác than "thổ phỉ" diễn ra một cách phức tạp".

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Toàn bộ những hầm khai thác than "thổ phỉ" ở K67 và Cao Xanh chỉ được chống đỡ bằng những khúc gỗ bạch đàn nên rất dễ bị sập

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND mới của phường Cao Xanh lại cho biết: "Trong năm 2007, trên địa bàn phường Cao Xanh có 23 điểm khai thác than "thổ phỉ", trong đó riêng tổ 65 đã có tới 6 điểm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2008 đến nay, chính quyền phường đã tổ chức 30 đợt kiểm tra trên địa bàn, tiến hành đánh sập 23 cửa lò, thu giữ hàng chục phương tiện vi phạm, xử phạt hơn 119 triệu đồng đối với những người tham gia khai thác than trái phép. 

Tuy nhiên, sau khi bị xử lý, nhiều chủ hầm than "thổ phỉ" đã cho xây dựng tường bao kiên cố xung quanh miệng hầm nhằm che mắt lực lượng làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra của chính quyền địa phương".

Trước những biện pháp "đánh sập miệng hầm, xử phạt" mà chính quyền địa phương áp dụng, nhiều người dân ở phường Cao Xanh và khu K67 thẳng thắn cho rằng đó chỉ là những biện pháp hành chính, mang tính chất thủ tục bởi mức phạt 300.000 đồng cho hành vi "không thực hiện các quy định khai báo tạm trú cho các lao động ngoại tỉnh của chủ các hầm khai thác than trái phép" là quá nhẹ và "chẳng thấm vào đâu" so với món lợi mà than "thổ phỉ" mang lại.

Ông Hoà chán nản: "Chính quyền xử phạt thì họ nộp, đánh sập miệng hầm họ cũng đồng ý nhưng sau khi chính quyền về rồi, họ lại kéo người đến, moi miệng hầm ra để tiếp tục đào than như chưa có chuyện gì xảy ra. Và mỗi năm vẫn có cả chục mạng người phải vùi lại dưới những hầm than "thổ phỉ" sâu hun hút!".

  • Công Thanh
    Ý kiến độc giả
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,