221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1052023
Sai phạm của Viện trưởng VKSND Cà Mau có bị chìm xuồng?
1
Article
null
Sai phạm của Viện trưởng VKSND Cà Mau có bị chìm xuồng?
,

 - Ông Trần Công Lộc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Cà Mau có nhiều tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng nhưng không kê khai trung thực theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.

Mô tả ảnh.

Phủ thờ dòng tộc do ông Trần Công Lộc xây dựng ở Ngã Năm (Sóc Trăng) được xem là lớn nhất miền Tây.

Cuối năm 2006,  ông Trần Công Lộc - Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau - về quê ở thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) xây phủ thờ cho dòng tộc trị giá trên 2 tỉ đồng giữa làng quê nghèo. Sự việc này khiến người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bất bình.

Sau khi công luận lên tiếng về chuyện Viện trưởng VKSND xây phủ thờ lớn nhất ĐBSCL, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã vào cuộc. Quá trình kiểm tra đã phát hiện ông Lộc có nhiều tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng, nhưng ông Lộc không kê khai trung thực theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.

Không chỉ vậy, ông Lộc còn cố tình sinh con thứ tư nhưng vẫn thăng chức. Càng bất bình hơn khi cơ quan chức năng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau và VKSDN tối cao cách chức ông Lộc, nhưng đến nay mọi sai phạm của ông viện trưởng có khối tài sản kếch sù này gần như bị… “chìm xuồng”.

Đất công cho… chị ruột thuê

Năm 1991, UBND tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) thu hồi 33,1ha (thực tế là 38,3ha) đất rừng của Lâm ngư trường Năm Căn để giao cho VKSND tỉnh Minh Hải sử dụng trong thời gian 10 năm. Quyết định của UBND tỉnh Minh Hải nêu rõ là sau khi hết thời hạn trên, đơn vị sử dụng phải trồng rừng đông đặc để trả lại cho chủ rừng nếu không được phép gia hạn. Tuy nhiên, đến hết thời hạn 10 năm mà VKSND tỉnh Cà Mau không đến làm việc với cơ quan có thẩm quyền để trao trả hoặc xin gia hạn mà vẫn quản lý để khai thác.

Năm 2002, Tỉnh ủy Cà Mau ban hành chỉ thị số 10-CT/TU về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất thì VKSND tỉnh Cà Mau lại “qua mặt” cả cấp trên để tiến hành hợp đồng giao cho chị ruột của ông Trần Công Lộc là bà Trần Thị Lệ khai thác trong thời gian 10 năm (đến năm 2013).

Không dừng lại ở đó, năm 2004, UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định số 01/QĐ/CTUB để thu hồi 33,1ha đất rừng này nhằm giao cho Ban Quản lý phát triển rừng phòng hộ Năm Căn nhưng đến nay VKSND tỉnh Cà Mau vẫn quản lý để cho thuê và đặt ra “yêu sách” đòi bồi hoàn gần 500 triệu đồng với lý do Viện Kiểm sát… “có công” đầu tư cải tạo từ năm 1991 đến nay (?).

Kê khai… “sót” nhiều căn nhà ở những vị trí đắc địa

Mô tả ảnh.

Căn nhà 90 đường Nguyễn Hữu Sanh, nay là đường Lý Thường Kiệt (TP Cà Mau) có giá thị trường hiện nay gần chục tỉ đồng. Căn nhà này được vợ ông Lộc ký hợp đồng cho thuê để mở tiệm mắt kính Sài Gòn với giá 20 triệu đồng/tháng trong thời gian 60 tháng (10/5/2006 đến 10/5/2011)

Theo hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau, ông Trần Công Lộc đã kê khai tài sản gồm hai căn nhà ở TP Cà Mau (Cà Mau) và TP Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ngoài ra, ông Lộc còn kê khai có một trại ươm tôm giống và hai chiếc xe máy ,nhưng qua kiểm tra xác minh của cơ quan chức năng đã “lòi”  ra nhiều tài sản có giá trị lớn liên quan đến cá nhân ông Lộc.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, căn nhà số 2 khu Trần Ngọc Hy, nay là đường 1-5, khóm 7, TP Cà Mau được cấp “sổ đỏ” vào năm 1997 với tên Trần Minh Bộ. Sau đó ông Bộ chuyển nhượng cho ông Huỳnh Đức Thuận ở TP Cà Mau và ông Thuận tiếp tục chuyển nhượng cho ông Trần Công Lộc, nhưng đến nay vẫn chưa làm thủ tục sang tên và kê khai tài sản theo quy định.

Kế tiếp là căn nhà 140H, đường Nguyễn Tất Thành, khóm 1, phường 8, TP Cà Mau cũng được ông Lộc mua lại của ông Huỳnh Đức Thuận với giá 3,3 tỉ đồng theo hợp đồng thỏa thuận vào ngày 15/5/2006 (có công chứng của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Cà Mau), nhưng ông Lộc cũng không làm thủ tục sang tên để làm thủ tục kê khai tài sản nhà ở, đất ở.

Đối với phần đất ở khóm 9, phường 6, TP Cà Mau đã được UBND TP Cà Mau cấp “sổ đỏ” cho chị ruột của ông Lộc là bà Trần Thị Lệ với diện tích 1,6ha. Năm 2005, bà Lệ nhượng lại cho Công ty TNHH Quốc Việt với giá 7,5 tỉ đồng. Mặc dù ông Lộc cho rằng đây không phải là tài sản của mình (vì không kê khai) nhưng khi chuyển nhượng cho Công ty TNHH Quốc Việt thì ông Lộc đã nhận đến… 2,5 tỉ đồng, số tiền còn lại được hai cán bộ của VKSND tỉnh Cà Mau nhận. Qua đó, cơ quan chức năng nhận định rằng ông Lộc đã nhờ chị ruột và anh rể đứng tên tài sản giùm mình để tránh việc kê khai tài sản.

Ngoài ra, chị ông Lộc còn đứng tên căn nhà 90 Lý Thường Kiệt, phường 7, TP Cà Mau nhưng năm 2006 vợ ông Lộc đã mang căn nhà này cho ông Vũ Long ở TP Cà Mau thuê để mở cửa hàng mắt kính với giá cho thuê 20 triệu đồng/tháng trong thời gian 5 năm.

Theo báo cáo kết luận của đoàn kiểm tra do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau thành lập, ông Lộc còn mua 5 nền nhà ở các dự án của Công ty Phát triển nhà Minh Hải nhằm mục đích trục lợi cá nhân chứ không phải vì thiếu nhà ở, đất ở.

Từ đó cho thấy, ông Trần Công Lộc là người đứng đầu cơ quan pháp luật, thực thi pháp luật nhưng không gương mẫu mà còn vi phạm việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc mua, bán nhà, đất có giá trị rất lớn (vượt khả năng thu nhập do ông Lộc và gia đình kê khai) cho thấy có dấu hiệu đây là tài sản bất minh mà có, gây dư luận bất bình trong xã hội và nội bộ cơ quan, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với ngành kiểm sát…

Theo cơ quan chức năng, chỉ trong một thời gian ngắn mà ông Lộc mua được 5 nền nhà của Công ty Phát triển nhà Minh Hải là nhờ có sự phê duyệt của ông Nguyễn Việt Hùng – nguyên Giám đốc Công ty – nay là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau.

Do đó, cơ quan chức năng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Hùng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn đề nghị cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng đối với ông Lộc và đề nghị VKSND tối cao cách chức Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau.

Cố tình sinh con thứ tư

Ông Trần Công Lộc có tất cả bốn người con là Trần Nhật Thảo (sinh năm 1984); Trần Nhật Tâm (1992), Trần Nhật Hoàng (1995) và Trần Nhật Trân (1998).

Ngược dòng thời gian về năm 1995, khi đó Đảng bộ tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo và vận động toàn dân thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Lúc ấy, chỉ thị 50/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 của ban chấp hành Trung ương Đảng có nêu rõ là “… lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình…”. Thế nhưng, năm 1995, ông Lộc lại cho vợ sinh con thứ ba mà vẫn được bổ nhiệm lại chức Viện trưởng VKSND tỉnh Minh Hải (cũ) vào năm 1996 và được bầu làm Bí thư Ban Cán sự Đảng của VKSND tỉnh Cà Mau vào tháng 3/1998.

Thấy sinh con thứ ba nhưng vẫn được thăng chức nên trong năm 1998, ông Lộc tiếp tục đi ngược với các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương khi cho vợ là bà Trương Hoài Thanh tiếp tục sinh con thứ tư. Mặc dù có nhiều ý kiến bất bình về sự việc trên nhưng ông Lộc vẫn không bị kiểm điểm mà trái lại, ông vẫn được tái bổ nhiệm chức Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau từ năm 2004 cho đến nay.


Bài và ảnh: Hàn Sơn Đỉnh

Ý kiến độc giả

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,