221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1052267
Dịch "tai xanh" lan rộng bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát
1
Article
null
Dịch 'tai xanh' lan rộng bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát
,

 - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Bùi Quang Anh cho biết, dịch “tai xanh” trên đàn lợn vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Đến nay, đã có gần 70.000 con lợn bị nhiễm bệnh. Vị "tư lệnh trưởng" ngành thú y thừa nhận, dịch lây lan với tốc độ nhanh đến ông cũng bất ngờ.

Mô tả ảnh.

Nhiều người chăn nuôi tiếc rẻ lợn nên cứ thấy lực lượng thú y sơ hở là đưa đi tiêu thụ (ảnh nongnghiep.vn)

Khẩn cấp lập 8 đội chống dịch

Ông Bùi Quang Anh nói rằng, dịch lây lan nhanh ở miền Trung khiến ngành thú y cũng không ngờ tới. Ngoài tính chất nguy hiểm của bệnh (do virus lây nhanh), nguyên nhân sự việc còn do yếu tố chủ quan, giấu dịch, có dịch mà không báo. Giám sát dịch ở hệ thống thú y cơ sở còn yếu, mặc dù đã có thông tin nhưng không nắm bắt được. Người dân giữ lợn bệnh để điều trị, mặc dù đã được khuyến cáo là không nên, cũng là yếu tố góp phần làm dịch lan rộng.

"Tôi nghĩ, ngày 28-29/3 phát hiện dịch tai xanh ở Thanh Hóa, 26/3 ở Hà Tĩnh nhưng dịch đã có trước đó rồi. Từ trước Tết, đoàn kiểm tra của thú y đã phát hiện lợn ốm và tình trạng người dân bán tháo. Rõ ràng là hệ thống giám sát dịch ở các địa phương này chưa có hiệu quả", ông Quang Anh nói.

Ông Quang Anh cũng bất ngờ vì số lượng thống kê lợn bệnh tăng quá nhanh của Thanh Hóa. Hôm 4/4, địa phương này báo cáo có 4.800 con mắc bệnh, vậy mà ngày 5/4 đã là 24.000 con, chiều ngày 6/4 hơn 30.000 con... Con số này địa phương đang cho kiểm tra lại.

Chính vì thế, nhận xét tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 8/4, ông Quang Anh cho biết dịch “tai xanh” trên đàn lợn vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. 

Tại Thanh Hóa, đã có 184 xã thuộc 12 huyện, thành phố có ổ dịch, với trên 56.000 con nhiễm bệnh; gần 46.000 con bị tiêu hủy. Ở Hà Tĩnh, số xã có dịch cũng tăng lên 45, thuộc 4 huyện, thành phố, trong đó mới nhất là huyện Can Lộc (1 xã) với 10.300 con lợn nhiễm bệnh, đã tiêu hủy trên 8.700 con. Tại Nghệ An, bản đồ dịch đã ghi nhận thêm huyện Yên Thành. Riêng tại Quảng Nam tiếp tục xuất hiện ổ dịch mới tại xã Đại Phong, huyện Đại Lộc. 

TIN LIÊN QUAN
Trước tốc độ lây lan của dịch, Cục Thú y đã thành lập khẩn cấp 8 đội chống dịch. Riêng cho Thanh Hóa được chi viện 4 đội.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã quá chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Xác định bước đầu của Bộ NN-PTNT cho thấy, nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát ở miền Trung là do người dân bán chạy heo bệnh mà hầu như không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Nếu tiếp tục buông lỏng các biện pháp đối phó với dịch bệnh, thì dịch có thể tấn công tới miền Bắc và cả miền Nam. 

Do vậy, ông Bùi Quang Anh khuyến cáo, hai tỉnh ở đầu vùng dịch là Ninh Bình (phía Bắc), Quảng Bình (phía Nam) phải khẩn trương thành lập các chốt ngăn chặn việc vận chuyển lợn bằng bất cứ giá nào để tránh lây lan dịch ra các tỉnh khác. 

Cứ sơ hở là người dân bán tháo lợn bệnh

Hiện lãnh đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đang có mặt ở những điểm nóng chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với dịch bệnh. Chủ trương của Bộ là thống nhất hành động tiêu hủy ngay, triệt để toàn bộ số heo bị bệnh, không giữ để chữa trị. Huy động lực lượng thực hiện nhanh, gọn việc tiêu hủy.

Song, ông Quang Anh lo lắng, việc tiêu hủy cũng khó khăn khi ngành, địa phương không có đầy đủ phương tiện để làm nhanh, gọn. Không tiêu hủy kịp thời dẫn đến tình trạng cứ sơ hở là người dân bán tháo lợn bệnh. Do vậy, vẫn có hiện tượng phát tán virus qua con người, qua vận chuyển.

Đó là chưa kể ở biên giới, tình trạng buôn lậu lợn vẫn diễn ra.

"Khu vực Thanh Hóa, Nghệ An... phát triển chăn nuôi lợn nái để lấy lợn sữa xuất sang Singapore. Vì vậy, hoạt động buôn bán ở đây rất sôi động. Với cái xe máy và cái lồng, người dân có thể mua ở Nghệ An, bán ở Móng Cái... Đi đâu cũng có thể gặp các lái buôn thu gom lợn từ những hộ chăn nuôi", người đứng đầu ngành thú y bức xúc.

Hơn nữa, lợn giống từ những vùng trước đây đã bị tai xanh, vẫn mang mầm bệnh nhưng không làm tốt công tác kiểm dịch tại gốc, tại trại giống xem có an toàn không. Trong khi đó, nhiều DN phản ứng trước yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc đánh dấu gia súc, kẹp chì lợn trên các phương tiện vận chuyển. Họ cho rằng, chở 1 con lợn lại còn mất thêm mấy nghìn tiền đánh dấu, đeo khuyên tai.

Ngoài ra, liên quan đến các biện pháp chống dịch, Viện trưởng Viện Thú y TƯ Trương Văn Dung cho biết, do văc-xin chống bệnh “tai xanh” không có hiệu quả cao nên việc điều trị đàn lợn nên tập trung vào các bệnh kế phát như liên cầu khuẩn, tiêu chảy...

“Khảo sát dịch tễ của chúng tôi cho thấy virus gây bệnh “tai xanh” không gây chết lợn mà lợn chủ yếu chết do các bệnh nhiễm khuẩn khác. Cho nên, ngay khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cần tiêm kháng sinh chữa trị các bệnh thứ phát này cho đàn lợn”, ông Dung nói.

Về kinh phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, ông Bùi Quang Anh đề nghị Bộ Tài chính cần nhanh chóng trình Chính phủ phê duyệt phương án điều chỉnh kinh phí hỗ trợ cho người dân, đảm bảo tiêu hủy triệt để đàn lợn bệnh, tránh người dân bán chạy lợn ra ngoài vùng dịch.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,