– Vụ hai người đuổi cướp bị trả thù, khiến dư luận rúng động, bất an, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần tố giác, đấu tranh tội phạm trong quần chúng. Vậy người dân nên hành động như thế nào khi gặp tình huống "giữa đường thấy chuyện bất bình"?
TIN LIÊN QUAN |
---|
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Đông Điệu, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP.HCM, chuyên phụ trách mảng tội phạm hình sự (để đảm bảo an toàn tính mạng cho 2 thanh niên đã đuổi bắt cướp và bi chém, một số tình tiết và hình ảnh trực tiếp về các nhân vật này chúng tôi xin chưa công bố - PV):
- Ông nhìn nhận như thế nào trước tình trạng, kẻ cướp ngày càng táo tợn, truy sát người truy đuổi, hoặc đánh cả chủ tài sản khi cướp không thành?
- Tình trạng này có thật, nhưng không thường xuyên và chỉ mới xuất hiện, nổi lên trong thời gian gần đây. Tâm lý tội phạm thường sợ khi bị phát hiện, còn với những trường hợp vừa qua, đa số tập trung vào các đối tượng gây án là thanh niên không được giáo dục tử tế, đua đòi ăn chơi.
- Phải chăng mức án, khung hình phạt với loại tội phạm này chưa đủ sức răn đe?
- Mức án, khung hình phạt đã được quy định trong luật và các cơ quan tố tụng, tư pháp phải dựa theo đó. Nhưng với loại tội phạm này, cần phải áp khung cao nhất của hình phạt!
- Việc thành lập lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) vừa qua, với nhiệm vụ chủ yếu là phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng cướp, giật lưu động; nhưng trên thực tế, lực lượng này mỏng, trong khi địa bàn lại rộng; vậy Công an TP.HCM còn có biện pháp nào khác để tăng cường các giải pháp nhằm kiềm chế và ngăn chặn loại tội phạm này?
- Lực lượng CSHSĐN ở các quận, huyện đều có; ngoài ra chúng tôi còn phải dựa vào thông tin của quần chúng tố giác, cung cấp. Với địa bàn rộng và dân số đông như TP.HCM thì lực lượng cảnh sát phải dựa vào nhân dân, các ban, ngành ở địa phương giúp sức, chứ tính trên đầu người và diện tích thì bao nhiêu quân số cho đủ.
- Qua vụ việc của hai thanh niên ở phường 13, quận Tân Bình bị kẻ cướp quay lại trả thù, chém trọng thương, theo ông, trong trường hợp quần chúng phát hiện và đuổi bắt tội phạm người dân nên hành xử như thế nào để đảm bảo an toàn đến tính mạng, tài sản?
- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn khuyến cáo người dân, khi đi đường không nên nghe điện thoại, hoặc không nên nghe điện thoại ở khu vực vắng vẻ, dễ bị kẻ cướp lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.
Khi phát hiện tội phạm, nếu có điều kiện, người dân nên truy đuổi kẻ gây án, nhưng đồng thời, phải báo ngay cho lực lượng cảnh sát địa phương, luôn có chiến sĩ thường trực 24/24, để phối hợp. Bằng mọi cách, phải liên hệ, báo ngay cho cảnh sát địa phương, hoặc lực lượng cảnh sát nơi gần nhất, để cảnh sát ứng chiến, bảo vệ cho người dân.
- Cảm ơn ông!
-
Phan Công (thực hiện)