- Phó Thủ tướng CP Hoàng Trung Hải sáng 10/4 đã quyết định tăng mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi phải tiêu hủy lên 25.000 đồng/kg lợn hơi. Tại cuộc họp khẩn với các bộ, ngành về phòng chống dịch tai xanh, Chính phủ cũng chỉ đạo ứng ngay 120 tỷ đồng để chặn dịch tái phát và lây lan.
Khoảng 78.000 con lợn đã bị tiêu huỷ. (Ảnh nongnghiep.vn)
Cụ thể, Chính phủ sẽ chi tạm ứng cho Thanh Hóa 70 tỷ đồng, Hà Tĩnh 25 tỷ đồng, Nghệ An 15 tỷ đồng và Quảng Nam 10 tỷ đồng để triển khai công tác phòng chống dịch tai xanh tại địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT xây dựng ngay đề án khôi phục đàn giống và đồng ý cho Bộ này nhập vắc-xin để thí nghiệm phòng bệnh tai xanh (sử dụng ngay cho các đàn lợn nái).
Dịch tai xanh (Hội chứng Rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn) đang hoành hành tại 4 tỉnh miền Trung, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam.
TIN LIÊN QUAN
Trước diễn biến phức tạp, bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sáng 10/4 đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, 4 địa phương trên và các bộ, ngành liên quan như Y tế, Tài chính, Công thương, KHCN, Tài Nguyên - Môi trường để bàn giải pháp khống chế, chặn dịch có nguy cơ lan rộng.
Phó Thủ tướng cho rằng, dịch tai xanh tại 4 tỉnh miền Trung đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và đời sống nông dân, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có biện pháp mạnh, kiên quyết và có tính đồng thuận cao để nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch. Ngoài việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, việc quan trọng là cần củng cố, tăng cường năng lực cho hệ thống thú y cơ sở.
Khi phát hiện đàn lợn nhiễm bệnh, các địa phương cần kiên quyết khoanh vùng, tiêu hủy ngay lập tức, không để tình trạng lần lữa, hy vọng chữa khỏi bệnh.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng gợi ý Bộ NN-PTNT nghiên cứu đề án xây dựng hệ thống bảo đảm kiểm tra thường xuyên việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sự yếu kém về công tác tuyên truyền; lực lượng thú y còn mỏng, hiệu quả hoạt động chưa cao; trang thiết bị thiếu thốn... là những nguyên nhân căn bản khiến dịch bùng phát nhanh như vừa qua. Đặc biệt, lãnh đạo một số địa phương có tư tưởng, quan điểm chưa thống nhất trong công tác phòng chống dịch; hoặc còn nấn ná, thiếu kiên quyết trong xử lý lợn bệnh.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến chiều 10/4, tổng số lợn bị chết, tiêu hủy do dịch tai xanh tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam đã lên tới 85.960 con, trên địa bàn 275 xã/18 huyện. Tổng số lợn bị tiêu huỷ là gần 78.000 con.
Dịch bắt đầu bùng phát ngày 28/3, tại nhiều xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, dịch đã xuất hiện tiếp ở ba tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam và Nghệ An. Đây là đợt dịch tai xanh thứ ba bùng phát và gây thiệt hại nặng nề nhất cho ngành chăn nuôi nước ta.
Kể từ tháng 3/2007, đã có ba đợt dịch bệnh tai xanh xảy ra tại 22 tỉnh, thành ở Việt Nam, làm 147.824 lợn mắc bệnh (chiếm 0,05% tổng đàn) và 83.269 lợn chết, phải tiêu hủy.
-
Hà Yên