221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1053109
Đà Nẵng không ngăn nổi nguồn heo “tai xanh” tuồn vào
1
Article
null
Đà Nẵng không ngăn nổi nguồn heo “tai xanh” tuồn vào
,

 - Chốt kiểm dịch Hoà Khương trên QL14B không thể ngăn hết những người chở heo từ vùng dịch Đại Lộc theo các đường liên thôn, liên xã để xuống Đà Nẵng.
 

Mô tả ảnh.

Chốt kiểm dịch Hoà Khương không ngăn được những người chở heo bằng xe máy từ vùng dịch Đại Lộc theo các đường liên thôn, liên xã xuống Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Mặc dù trên địa bàn Đà Nẵng chưa phát dịch heo “tai xanh” nhưng nhiều người chăn nuôi ở huyện Hoà Vang, đặc biệt là ở các xã nằm giáp giới huyện Đại Lộc (Quảng Nam, đã phát dịch) như Hoà Phong, Hoà Nhơn… đang xuất heo bán chạy dịch với giá rẻ chưa từng có. Giá heo hơi ngày thường 32.000 đồng/kg, nay chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/1kg. Theo nhiều tiểu thương thì giá heo hơi những ngày tới sẽ còn tiếp tục giảm.

 

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà Nẵng Cao Xuân Thái cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch heo "tai xanh" tại Quảng Nam, đơn vị đã tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm dịch Hoà Khương, (cửa ngõ từ Đại Lộc xuống theo tuyến QL14B), Hoà Phước (cửa ngõ từ Quảng Nam ra theo QL1A) để kiên quyết không cho vận chuyển lợn và gia cầm vào TP.

 

Tuy nhiên, theo phản ảnh của các cán bộ thú y tại chốt kiểm dịch Hoà Khương, bên cạnh tuyến QL14B còn có rất nhiều đường giao thông liên xã giữa Đại Lộc với Đà Nẵng. Giới lái buôn “lách trạm” bằng cách chở heo bằng xe máy từ Đại Lộc theo các tuyến đường này để xuống Đà Nẵng chứ không theo tuyến QL14B.

 

Đầu tuần này, chốt kiểm dịch Hoà Khương đã liên tục phát hiện hai vụ với 7 con heo bị bệnh được xẻ thịt, vận chuyển từ Đại Lộc xuống. Nhưng do ở chốt này chỉ có 3 người/ca trực nên không thể kiểm tra hết các ngõ ngách liên thôn, liên xã. Vì vậy, sau 3 tuần hoạt động, số vụ vận chuyển heo từ vùng dịch Đại Lộc vào địa bàn TP được chốt kiểm dịch này phát hiện hầu như không đáng kể so với thực tế.

 

Trong khi đó, tình hình dịch heo “tai xanh” ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo Trưởng trạm thú y Đại Lộc Phạm Thanh Thiên, tính đến hết ngày 7/4, toàn huyện đã có gần 200 con heo phải tiêu huỷ do dịch “tai xanh”, chủ yếu là ở các xã Đại Phong và Đại Tân.

 

Mới đây, hôm 8/4, tại thôn Mỹ Đông (xã Đại Phong, huyện Đại Lộc), các lực lượng chức năng tiếp tục tiêu hủy đàn heo của 2 hộ: ông Phan Tri và bà Phan Thị Bảy, gồm 3 heo nái, 1 heo thịt và 1 bầy heo con bị mắc bệnh tai xanh. Đáng nói là 2 hộ này có heo mắc bệnh đã bị tiêu hủy trước đó 5 ngày nhưng lại không tiêu huỷ cả đàn, để đến lần này mới tiêu huỷ tiếp.

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam Võ Văn Cường và lãnh đạo Thú y vùng 4 tại Đà Nẵng đều phản ảnh, khi phát hiện heo mắc bệnh lần trước tại 2 hộ này, họ không dám cho tiêu hủy cả đàn. Nguyên do là các công điện 19/CĐ-BNN-TY (1/4/2008) và 20/CĐ-BNN-TY (4/4/2008) của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc “triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh” đều ghi: “Thống nhất hành động tiêu hủy ngay, triệt để toàn bộ số lợn bị bệnh, không giữ để chữa trị”.

 

Vì vậy, lực lượng chức năng chỉ dám tiêu hủy heo bệnh, còn để lại những con khác trong đàn được xem là chưa bị bệnh. Điều đó đã khiến dịch “tai xanh” bị lưu giữ và tiếp tục phát tán trong cả đàn cũng như ra chung quanh. Hiện Sở NN-PTNT Quảng Nam đã kiến nghị Bộ NN&PTNT cần sớm điều chỉnh nội dung các công điện số 19 và 20 nói trên.

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,