221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1053579
TP.HCM: Phẩy khuẩn tả bắt đầu lây lan?
1
Article
null
TP.HCM: Phẩy khuẩn tả bắt đầu lây lan?
,

 Kết quả cấy phân ban đầu cho thấy, con gái của bệnh nhân tiêu chảy cấp đầu tiên của TP.HCM dương tính với phẩy khuẩn tả. Đồng thời, sơ bộ có khả năng, mẫu nước giếng khoan trong bể chứa tại khu nhà trọ nơi bệnh nhân cư ngụ cũng chứa phẩy khuẩn tả.

Chỉ cần một ca tiêu chảy cấp dưong tính với phẩy khuẩn tả nhập viện, ngoài cộng đồng có từ hàng ngàn đến hàng trăm bệnh nhân khác với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.  Nguồn: BV Bệnh Nhiệt đới
Ngày 11/4, cả Sở Y tế TP.HCM lẫn Viện Pasteur TP.HCM xác nhận kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy con gái của bệnh nhân tiêu chảy cấp đầu tiên của TP.HCM dương tính với phẩy khuẩn tả. Đồng thời TS.BS Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sơ bộ cho thấy, mẫu nước giếng khoan trong bể chứa tại nhà trọ nơi bệnh nhân cư ngụ cũng chứa phẩy khuẩn tả.

Sở Y tế TP.HCM cũng khẳng định, cho đến giờ phút này, thành phố chưa phát hiện thêm trường hợp mới về tiêu chảy cấp nghi ngờ hoặc dương tính với phẩy khuẩn tả.

Phẩy khuẩn tả đang lây lan?

Phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, Viện Pasteur đã tiến hành thử nghiệm 8 mẫu phân của những người liên quan với bà Nguyễn T.M., ca bệnh tiêu chảy cấp đầu tiên tại TP.HCM. Bao gồm 3 người trong gia đình bà M., 4 người trong gia đình chủ nhà trọ và của người bán thức ăn chay.  Ngoài ra, Viện Pasteur đã lấy 2 mẫu nước máy sinh hoạt, 2 mẫu nước thải và 2 mẫu nước giếng sinh hoạt tại chùa Vạn Hạnh - Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức.

BS. CK II Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - Trưởng khoa Y tế Công cộng, cho biết kết quả soi phân ngày 11/4, người con gái của bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả. Cũng trong ngày 11/4, TS. BS Lê Trường Giang, xác nhận kết quả này. BS. Giang khẳng định, TP.HCM chưa có dịch tả xảy ra, mà chỉ mới có một ca bệnh tiêu chảy cấp nhiễm từ một người ngoại lai.

"Nguồn lây từ vùng có dịch hiện nay của Việt Nam đã xâm nhập vào TP.HCM ngay tại khu vực nhà trọ. Trên những thông tin sơ bộ, người con gái của bệnh nhân cũng dương tính với phẩy khuẩn tả. Hơn thế nữa, kết quả xét nghiệm bước đầu, nước của giếng khoan trong bể chứa của khu vực nhà trọ này có vi khuẩn tả. Tuy người dân sống quanh đó cho biết là không còn sử dụng nữa, nhưng trong thời gian qua, họ có sử dụng hay không, không thể kiểm soát được," BS. Giang nói.

Như vậy, ca tiêu chảy cấp đầu tiên của TP.HCM đã bao gồm rất nhiều yếu tố đáng báo động: có người về từ vùng dịch, nước bị nhiễm khuẩn tả, ca tiêu chảy cấp đầu tiên bộc phát những triệu chứng điển hình có dương tính với phẩy khuẩn tả, và người tiếp xúc với bệnh nhân - con gái, cũng nhiễm phẩy khuẩn tả. 

Do đó, BS. Giang yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng phải tiến hành giám sát nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ. Các ca này sẽ được điều trị sớm, đủ, đúng và miễn phí, và được vận động để ở đủ thời gian trong bệnh viện nhằm đảm bảo người bệnh không còn là nguồn lây cho cộng đồng khi ra viện.

Đặc biệt, chất thải của người bệnh, của những người nghi ngờ bị mắc bệnh phải được quản lý chặt chẽ, để tránh xâm nhập vào nguồn nước và chuyển tải đi các nơi khác.

Quận 3: Giám sát ga Hòa Hưng

TP.HCM đang nằm trong vùng chứa nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập vi khuẩn tả từ các vùng dịch khác. BS. Giang kêu gọi người dân phải tự bảo vệ mình trước thời điểm có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh tiêu chảy cấp, bằng các biện pháp thường quy như: thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch, sử dụng nguồn nước đã được khử khuẩn, và diệt ruồi.

"Thành phố cũng đã tăng cường quản lý nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước ăn uống trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là những nguồn nước dành cho ăn uống, kể cả nước để rửa rau, rửa thịt, rửa cá..." BS. Giang cho biết.

Đối với huyện Cần Giờ, ngành y tế cũng phối hợp với UBND địa phương nhằm đảm bảo vừa cấp thuốc cho người dân vừa khử khuẩn cho các trạm cấp nước trên các ghe và các xà lan. Ngoài ra, Sở Y tế sẽ ra thêm văn bản đề nghị các UBND quận huyện, tiến hành một đợt tổng vệ sinh, xúc rửa các hồ chứa nước ở chung cư sau đó tiến hành khử khuẩn nước trong các bể chứa này.

Các đoàn thanh tra của Sở Y tế TP.HCM cũng như ở các quận huyện, đặc biệt tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá, nước đóng chai. Những cơ sở này không đảm bảo sẽ kiên quyết xử lý, đóng cửa sản xuất.

Trong tháng hành động vì Vệ sinh An toàn Thực phẩm (15/4 - 15/5), chiến dịch thanh tra sẽ được làm ngay bây giờ, để đáp ứng nhu cầu chống dịch. Đối tượng bị tập trung thanh tra sẽ là thức ăn đường phố, hàng rong, các bếp ăn tập thể.

Theo BS. Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TP.HCM, sở dĩ tập trung mạnh vào các đối tượng này nhằm nâng cao chất lượng và ý thức của những người bán hàng rong. Thực tế, tại những quán hàng rong này, nước không đủ để dùng. Chén bát chỉ được rửa trong những cái chậu nhỏ, do đó không đảm bảo đủ vệ sinh cho người sử dụng.

"24 Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện sẽ tăng cường giám sát nguồn rau chuyên dùng để ăn sống. Trước đây, ngành y tế chú trọng đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mà chưa quan tâm đến nguồn vi sinh," Bs. Giang nhấn mạnh.

Những mẫu rau này sẽ được lấy ngẫu nhiên tại các nơi có nhiều nguy cơ, hoặc rau đã rửa rồi hoặc ngay trên bàn ăn. Ngoài ra, nguồn rau ở các chợ đầu mối cũng sẽ bị giám sát. Ước tính, mỗi ngày các chợ đầu mối cung ứng khoảng 5000 - 6000 tấn rau củ quả cho toàn thành phố, cho các tỉnh và xuất khẩu. Trong đó, nhu cầu của thành phố là khoảng 1.500 tấn.

Theo BS. CK II Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - Trưởng khoa Y tế Công cộng, mùa dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả của những năm trước ở khu vực phía Nam thường vào cao điểm là các tháng 4 - 5 - 6. Ảnh: H.Cát
Một tâm điểm để phòng ngừa, ngoài việc khử khuẩn tại ga Bình Triệu, BS. Lê Trường Giang cho biết đã chỉ đạo cho Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 3 tăng cường giám sát khu vực ga Hòa Hưng.

Việc giám sát này sẽ tiến hành từ việc kiểm tra tình hình vệ sinh trên các đường tàu, cho đến các khu vực mua bán hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, được vận chuyển theo đoàn tàu Bắc Nam, các quán hàng rong, xe đẩy ngay trong ga hoặc khu vực lân cận.

Tiêu chảy cấp: 90 - 95% không có triệu chứng

Tiêu chảy là bệnh xảy ra hàng ngày trong một thành phố 10 triệu dân, trong suốt bao nhiêu năm qua và cho đến những năm sau này.

Tiêu chảy có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, có thể có kèm theo máu, hoặc chất nhờn. Tiêu chảy do phẩy khuẩn tả là một loại tiêu chảy không có máu, gây ra tình trạng mất nước, gây tử vong nếu không phát hiện sớm.

"Tiêu chảy cấp có thể do vi trùng, vi rút gây ra. Ví dụ như do rotavirus, hoặc do phẩy khuẩn tả. Nhưng tiêu chảy cấp do tả có một diễn tiến ồ ạt nhất, đồng thời gây lây lan nhanh trong cộng đồng. Chỉ cần một người đi tiêu nơi vùng nước, phát tán ra cộng đồng rất nhanh và liên tục," BS. Nghiệm nói.

Trong khi đó, BS. Lê Hoàng San cho biết, những ca bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả nói chung không có triệu chứng chiếm từ 90 - 95%. Số còn lại nhập viện với triệu chứng nặng chỉ chiếm 5 - 10% .

"Một ca lâm sàng nhập viện có nghĩa là ngoài cộng đồng có nhiều ca đã nhiễm với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Với một ca nặng, xác suất lây lan từ hàng chục đến hàng trăm ca," BS. San nói.

BS San lo lắng rằng mùa dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả của những năm trước ở khu vực phía Nam thường vào cao điểm là các tháng 4 - 5 - 6. Hơn thế nữa, tình hình vệ sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm của từng người dân còn có những hạn chế nhất định.

Biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả thường là đi tiêu ồ ạt, mất nước nhiều, nôn ói, phân như nước vo gạo, và gây tụt huyết áp. Khi chưa kịp đến y tế, người bệnh cần được cho uống nước biển khô (orezol), hoặc nước dừa tươi. Sau đó, gia đình cần gấp rút đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ xử trí.

Năm 2004, dịch tiêu chảy cấp đã từng xảy ra ở khu vực phía Nam với 42 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Năm dịch có nhiều ca bệnh dương tính nhất là vào 1995 với 1327 trường hợp.

Hiện nay, khác với Hà Nội và những vùng dịch nặng, TP.HCM chưa phải là vùng dịch, do đó chưa được chỉ định sử dụng vắc-xin ngừa tả. Vì vắc-xin chỉ có một thời hạn và một tỷ lệ miễn dịch mà thôi.

  • Hương Cát
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,