- “Để dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan mà không ngăn chặn được là trách nhiệm của chúng ta. Bằng mọi cách, các cấp, các ngành phải nhanh chóng khoanh vùng, khống chế dập dịch càng nhanh càng tốt…”.
>> Toàn cảnh: Tiêu chảy cấp nguy hiểm đang hoành hành
Sáng 12/4, tại buổi làm việc với Bộ Y tế với nội dung kiểm tra và chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân do phẩy khuẩn tả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy.
Đã có 1.335 người bị tiêu chảy cấp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ảnh: LH |
Trước những số liệu báo cáo về các trường hợp tiêu chảy không thống nhất, sáng 12/4, Bộ Y tế chính thức thông báo TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) là phát ngôn chính trong đợt dịch tiêu chảy cấp lần này.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã công bố số liệu mới nhất, chính xác nhất về tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Theo đó, số bệnh nhân tiêu chảy cấp hiện nay đã lên đến 1.335 người, trong đó 136 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại 18 tỉnh/TP gồm: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Bình và TP.HCM. Hai tỉnh mới xuất hiện bệnh nhân là Hưng Yên và Thái Bình.
Những địa phương như Cà Mau, Đà Nẵng và Gia Lai không nằm trong danh sách này vì đây là những tỉnh chỉ có bệnh nhân tiêu chảy bình thường không dương tính với phẩy khuẩn tả.
Hà Nội: Vi khuẩn tả xuất hiện khắp nơi
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, các nguồn bệnh của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đợt này đều xuất phát từ Hà Nội. Hiện tại Hà Nội 100% quận, huyện đã có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tại những vùng có dịch, vi khuẩn tả đã xuất hiện tại hầu hết mọi nơi: không chỉ trong bệnh nhân, người lành mang trùng, môi trường nước bề mặt, thực phẩm.
Với tình hình của dịch bệnh như hiện nay, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhận định: dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lan rộng nhưng không thành dịch lớn. Bởi hiện nay số bệnh nhân nhập viện tuy chưa ngừng nhưng không còn đông như 1 tuần trước đây. Ngày cao điểm nhất là ngày 2/4 có tới 112 ca nhưng nay chỉ còn 10-12ca/ngày.
Bên cạnh nguy cơ từ thức ăn đường phố thì hiện nay mối quan tâm nhất là chất thải từ tàu xe. Tỷ lệ người lành mang vi khuẩn tả được xác định khoảng 17%. Mỗi ngày có 15 đoàn tàu Bắc Nam vận hành, mỗi đoàn tàu chở khoảng 3.000 hành khách đi qua 22 tỉnh/thành phố.
Trong khi đó, chỉ có 100/1.000 toa tàu được trang bị hệ thống toilet tự hoại. Còn lại là hành khách cứ tự nhiên xả chất thải xuống các vùng đi qua. Đối tượng này rất khó quản lý nên các đoàn tàu, các ga hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ cần có nhân viên y tế để nếu phát hiện bệnh nhân tiêu chảy, phải khoanh vùng dập tắt ngay nguồn lây.
Tình trạng quá tải bệnh nhân tiêu chảy đã hết căng thẳng nhưng không nên chủ quan. Ảnh: VNN |
Theo Thứ trưởng, ưu tiên hàng đầu là cắt đường lây bệnh từ thực phẩm sang người. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần được kiểm tra, chấn chỉnh, sẵn sàng rút số giấy phép, đóng cửa nếu tiếp tục kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Vận động các cơ sở thức ăn đường phố không bán rau sống.
Ngoài ra phải tiến hành cắm biển báo nhiễm vi khuẩn tả tại các khu vực đã phát hiện nhiễm vi khuẩn tả để người dân biết, đặc biệt là các hồ, mương, sông. Hệ thống nuớc máy đã được kiểm soát tốt, nhưng chính nước ao hồ, nước thải, nước rửa bát là những nơi có thể chứa vi khuẩn tả.
Dập dịch bằng mọi cách
Sau khi nghe các Bộ, ngành, các địa phương báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, dịch tiêu chảy cấp hiện nay đã lan ra rộng hơn so với đợt một, nếu không nỗ lực phòng chống thì không loại trừ khả năng thành dịch lớn. Số xã/huyện có bệnh nhân nhiểm khuẩn tả nhiều hơn, thực phẩm nguy cơ nhiều loại hơn và điều kiện lây lan qua giao thông, ăn uống cũng dễ hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Để dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan mà không ngăn chặn được là trách nhiệm của chúng ta. Bằng mọi cách các cấp, các ngành phải nhanh chóng khoanh vùng, khống chế dập dịch càng nhanh càng tốt. Mặc dù hiện nay bệnh nhân có xu hướng giảm nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Bằng mọi cách không để dịch bùng phát mạnh. Tất cả các ban ngành, từ Y tế, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Thông tin tuyên truyền phải vào cuộc, nỗ lực phòng dịch”.
-
Lệ HàÝ kiến độc giả: