- Huyện Quảng Điền, dịch tai xanh lây lan với tốc độ kinh hoàng, quỹ đất để chôn heo dịch không còn. Đất trũng, nước nổi khiến heo chôn rồi lại nổi, bốc mùi hôi thối nồng nặc...
Heo chôn rồi lại… nổi!
Hố tiêu hủy - heo nổi lềnh bềnh. Ảnh: Đăng Khoa. |
Tại xã Quảng Phước, chỉ trong 2 ngày đã có đến 1200 con heo mắc bệnh tai xanh cần phải tiêu hủy khẩn cấp. Là một xã thuần nông nên chọn vị trí chôn heo là vấn đề đau đầu cho chính quyền địa phương nơi đây.
Loay hoay tìm không thấy chỗ chôn heo, chính quyền đành phải đưa heo ra đồng để tiêu hủy. Việc đào hố chôn phải thuê xe múc, chi phí đào mỗi hố hết gần 4 triệu đồng, với 2 khu vực tiêu hủy heo tai xanh, mỗi khu vực rộng chưa đầy 100 mét vuông, nhưng phải chứa 600 con heo bệnh.
Đất trũng, hố đào đến đâu nước ngập đến đấy. Đào xong hố, phải thuê tiếp máy bơm nước hút nước liên tục trong nhiều giờ để mới có thể thả heo xuống hố.
Sáng ngày 17/4, tại địa điểm tiêu hủy heo tai xanh xã Quảng Phước, đập vào mắt là khoảng cách từ mặt nước trong hố chôn heo dịch đến mặt đất không quá 1 mét. Dưới hố là những chú heo mắc dịch tai xanh bụng phình to nổi trên mặt nước.
Nước từ hố chôn heo dịch "chui" lên mặt đất. Ảnh: Ngọc Lan. |
Những dòng nước màu đỏ thẫm từ những hố chôn phun lên, tỏa một mùi hôi thối nồng nặc, sộc lên mũi người. Những nông dân tham gia vào việc tiêu hủy heo dịch không có găng tay, không khẩu trang bịt mũi vẫn “liều mình” đi chôn heo.
Anh Mai Dĩnh, người dân ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước tham gia tiêu hủy heo đã 3 ngày nay. Anh nói: “Găng tay cứ thay liên tục, rách hết, găng không đủ để thay, đành phải dùng tay không để tiêu hủy heo. Không biết có ảnh hưởng chi đến sức khỏe không nữa”.
Địa điểm chôn không an toàn, cách tiêu độc, khử trùng khi tiêu hủy heo bệnh cũng không bảo đảm. Nước nổi, vôi bột đổ xuống như muối bỏ bể. Lượng thuốc phun cũng không thấm vào đâu.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TT-Huế cho biết: Chi cục cấp thuốc tiêu độc cho các địa phương theo yêu cầu từng ngày, nhưng việc dịch lây lan quá nhanh, lượng heo chết quá nhiều nên công tác cấp thuốc có lúc vẫn chưa kịp thời.
Ẩn hoạ từ những hố chôn không an toàn!
Hố chôn sát ruộng, phải dùng máy bơm hút nước, heo dịch nằm đợi được "chôn" Ảnh: Ngọc Lan. |
Xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền), địa phương có số heo tai xanh lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, số heo dịch tai xanh đã được phát hiện hơn 4 ngày, nhưng đến nay việc tiêu huỷ vẫn chưa hoàn thành.
Việc tiêu hủy heo không đảm bảo an toàn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh khu vực hố chôn heo dịch.
Bà Nguyễn Thị Vân ở xóm Chứa bức xúc: “Heo chết mới chôn ngày qua mà ngày ni đã bốc mùi hôi thối
Heo chết dịch vẫn ngày một tăng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Bà Nguyễn Thị Quả ở thôn xóm Chứa hoang mang: “Sáng ni đi làm ruộng, heo chết có mùi thối, ruồi bay khắp nơi, tui sợ quá phải bịt mũi chạy nhanh. Cả ngày ni bà con ở đây đã lên báo với xã, huyện về địa điểm tiêu huỷ heo quá gần khu vực dân sinh sống, đe doạ đến sức khoẻ con người”.
Đứng cạnh bên, trưởng xóm Chứa góp chuyện: “Heo chết đem chôn chưa qua ngày thứ 2 đã gây ô nhiễm nghiệm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người. May ra, người lớn còn chịu đựng được, tội nghiệp cho mấy đứa con nít. Thời tiết đã thất thường, gặp virus của dịch lợn tai xanh nên sức khoẻ của tụi nhỏ chắc chắn bị đe doạ”.
Tính đến chiều ngày 18/4, trên địa bàn tỉnh TT-Huế đã có 10 xã, thị trấn có heo mắc dịch tai xanh, với tổng số 2.326 con, trong đó huyện Quảng Điền là địa phương có số heo mắc bệnh tai xanh lớn nhất với hơn 1.500 con. |
Ông Cao Xuân Phụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: “Quảng Điền là vùng thấp trũng nên quỹ đất để chôn heo dịch là rất khó tìm kiếm. Hầu hết, các địa điểm chôn heo dịch mới đào sâu 2m là đã có nước. Khó khăn là vậy, nhưng không còn cách nào khác, xã Quảng Phước đành tiêu huỷ heo ở những vùng thấp trũng".
Do quỹ đất thiếu, địa bàn thấp trũng nên các địa phương có dịch ở huyện Quảng Điền rất lúng túng trong quá trình tiêu huỷ. Thậm chí, các xã giành nhau đất để tiêu hủy heo. Điểm tiêu hủy của xã này xa dân xã mình nhưng lại gần dân …xã bên cạnh. Dù huyện, tỉnh về chỉ đạo rất sát nhưng cũng đành bó tay, và phải đưa ra những giải pháp chữa cháy: “Múc đất chố khác đắp lên hố chôn tiêu hủy thành mồ … chôn heo”.
-
Nhóm PV