221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1056137
Khẩn cấp cứu 19 thuyền viên bị nạn ở biển Hoàng Sa
1
Article
null
Khẩn cấp cứu 19 thuyền viên bị nạn ở biển Hoàng Sa
,

 - 3 tàu câu mực cùng 2 tàu hải quân đã tiếp cận được khu vực có 19 thuyền viên đang nguy cấp nhưng việc cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn.

  

Mô tả ảnh.

Ông Huỳnh Vạn Thắng đang mô tả vị trí tàu ĐNa 0467 bị nạn trên bản đồ Ảnh: HC

10 giờ ngày 19/4, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) TP Đà Nẵng cho hay, thực hiện yêu cầu của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, hiện hai tàu câu mực ĐNa 6073 (của ông Lương Văn Hà ở phường Thanh Khê Tây) và ĐNA 6456 của bà Nguyễn Thị Hà (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã tiếp cận được khu vực có 19 thuyền viên của tàu ĐNa 0467 đang gặp nạn tại toạ độ 17,040 Bắc – 111,220 Đông, trên vùng biển Hoàng Sa.

 

Ngoài ra, tàu ĐNa 90115 cũng ở lại tham gia cứu nạn tàu ĐNa 0467 thay vì trở về đất liền như dự định ban đầu. Thuyền trưởng của tàu này là ông Nguyễn Văn Dàng (trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bị vật cứng đánh vào mặt trong khi gió lớn, gây chấn thương ở vùng mắt đã được chuyển qua một tàu khác để đưa vào đất liền cứu chữa hoặc đưa lên tàu hải quân đang trên đường ra tiếp ứng.

 

4 thuyền viên người Trung Quốc bị nạn trên biển được tàu ĐNa 90115 vớt lên trước đó đã qua cơn nguy kịch sau khi tàu ĐNa 90115 nối máy với Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp cấp cứu. Hiện 4 thuyền viên này vẫn tiếp tục ở lại trên tàu ĐNa 90115.

 

Như vậy, đến thời điểm này đã có 3 tàu câu mực của ngư dân Đà Nẵng tiếp cận được với khu vực có 19 thuyền viên gặp nạn. Họ vẫn đang cố bám trên cabin tàu nửa chìm nửa nổi trên bãi san hô để chống chọi với sóng gió suốt cả ngày và đêm qua.

 

Toàn bộ vật dụng trên tàu và lượng mực khai thác được đã ném hết xuống biển, còn tất cả thuyền viên đều đã kiệt sức. Tuy nhiên việc cứu hộ, cứu nạn cho số thuyền viên này đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Thông tin báo về cho biết, khu vực tàu ĐNa 0467 bị nạn là một bãi đá ngầm thuộc đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa). Chỉ cần gió hơi mạnh là ở đây đã có sóng lớn, bọt sóng phủ kín tất cả khiến tầm nhìn rất hạn chế. Do vậy các tàu cứu nạn không thể tiến vào gần vì sợ va phải đá ngầm mà chỉ neo cách xa 300m, cho thuyền thúng đưa nước uống, lương thực vào cho người bị nạn, sau đó chở từng người ra.

 

Ông Huỳnh Vạn Thắng nhận định, trong điều kiện sóng to gió lớn, lại phải dùng phương tiện thô sơ như thuyền thúng để cứu hộ nên sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Vì vậy, cho đến 9 giờ ngày 19/4, mới có 4 trong số 19 thuyền viên của tàu ĐNa 0467 được cứu hộ. Theo dự kiến của các tàu thì phải đến chiều tối ngày 19/4 mới có thể hoàn tất được việc cứu hộ cho cả 19 thuyền viên.

 

Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng cũng cho biết, đến sáng 19/4, 2 tàu HQ 9001 và HQ 915 của Vùng 3 Hải quân đã ra tới khu vực gần nơi tàu ĐNa 0467 bị nạn. Tuy nhiên, cũng vì những lý do khách quan như trên nên tàu hải quân chỉ có thể dừng ngoài xa, chuyển lương thực, nước uống, quân y dược, áo phao… cho tàu của ngư dân đưa vào cho các thuyền viên bị nạn, sau đó nhận người do tàu ngư dân chuyển ra để tiến hành cấp cứu.

 

Ngoài ra, theo thông tin từ Vùng 3 Hải quân báo cho Ban chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng, 2 tàu hải quân vừa phát hiện một tàu của Quảng Ngãi (chưa rõ số hiệu) bị nạn ở khu vực gần đó, trên tàu có 22 thuyền viên. Hiện 2 tàu HQ 9001 và HQ 915 cũng đang triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn cho tàu này.

 

Giải thích về nguyên nhân vẫn còn nhiều tàu của ngư dân ở khu vực biển Hoàng Sa trong khi các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về diễn biến của bão số 1, ông Huỳnh Vạn Thắng cho hay, bình thường thì ngư dân có thể đưa tàu đi về hướng Đông (hướng qua Philippines) hoặc trở vào bờ để trú tránh, chờ sau khi tan bão mới quay lại ngư trường đánh bắt chính ở quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa.

 

Trên thực tế cũng đã có một số tàu của ngư dân VN tránh bão số 1 theo các hướng này. Tuy nhiên, với đa số tàu đang khai thác ở khu vực biển Hoàng Sa thì đường tránh bão như vậy quá xa, tốn quá nhiều nhiên liệu trong khi giá xăng dầu lại đang tăng vọt. Do vậy, nhiều ngư dân đã chọn phương án đưa tàu vào trú bão tại đảo Đá Bắc, vừa gần ngư trường đánh bắt chính, vừa ít tốn kém chi phí.

 

Ở khu vực đảo Đá Bắc có nhiều rặng san hô mà tàu thuyền có thể trú tránh được. Sau khi có đề nghị của các cơ quan chức năng VN với phía Trung Quốc, nhiều ngư dân đã đưa tàu thuyền vào đây trú tránh nhưng do gió quá mạnh (lên đến cấp 10 – 11, thậm chí giật trên cấp 13) nên đã khiến một số tàu va vào đá ngầm, bị vỡ và bị sóng đánh chìm.

 

“Giá xăng dầu tăng vọt đã khiến phần lớn tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ, một số khác cố gắng ra khơi khai thác thì phải tính toán từng ly từng tí để không bị lỗ sau chuyến biển. Có thể nói do giá xăng dầu quá cao đã khiến nhiều ngư dân phải chọn phương án tránh bão chẳng đặng đừng như vậy, và hậu quả là phải chịu thiệt hại còn nặng nề hơn!” – ông Huỳnh Vạn Thắng nói.

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,