- Kết quả thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2007, tổng số tiền phạt các đơn vị kinh doanh vi phạm lến đến gần 3 tỷ đồng, trong đó quận Tân Phú dẫn đầu danh sách phạt với tổng số tiền 175 triệu đồng...
Các đại biểu tham gia buổi lễ phát động "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2008 và Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo VSATTP năm 2007”.(Ảnh M.L) |
Qua giám sát đối với thực phẩm công nghiệp cho thấy tỷ lệ mẫu đạt các chỉ tiêu hoá lý vi sinh đều ở mức tương đối cao (>80%); tỷ lệ rau đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức 97%; tỷ lệ thịt đạt tiêu chuẩn vi sinh chưa cao (45,9%), đặc biệt trứng gia cầm dù đã qua xử lý đóng hộp nhưng chỉ có 36,1% đạt tiêu chuẩn vi sinh.
Riêng đối với thuỷ hải sản tươi sống không phát hiện việc sử dụng hàn the trong tẩm ướp (100% mẫu đạt), tuy nhiên vẫn còn phát hiện dư lượng urê và chloramphenicol.
Đặc biệt là chưa quản lý được việc sử dụng hoá chất bảo quản trong rau quả và trái cây ngoại nhập. Các chất bảo quản được phép sử dụng trong rau quả nhất là của Trung Quốc vào Việt Nam mới chỉ được kiểm dịch mà không qua kiểm tra chất lượng.
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vấn đề vệ sinh trong kinh doanh thực phẩm tại các chợ còn nhiều yếu kém đặc biệt là trong kinh doanh các sản phẩm thuỷ hải sản và rau, củ, quả. Các quầy, sạp chưa đảm bảo các quy định về VSATTP của Bộ Y tế, việc sắp xếp phân chia khu vực kinh doanh tại các chợ còn nhiều bất cập, còn lẫn lộn sống chín, lẫn lộn với các loại hàng hoá khác...
Riêng việc kiểm nghiệm thực phẩm cần có danh mục cảnh báo các chất độc hại có khả năng có trong thực phẩm do cơ sở chủ động cho vào hoặc sinh ra trong quá trình nuôi trồng, sản xuất cũng như bảo quản. Hệ thống kiểm nghiệm phân tích, đánh giá dư lượng các chất có trong sản phẩm thực hiện còn thiếu và yếu, chưa có khả năng phát hiện và đo đạc nhiều chất, nhất là tồn dư các chất kích thích tăng trưởng, bảo quản. Trong thời gian qua, mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm có giảm nhưng số người ngộ độc thực phẩm có từ 30 người trở lên lại tăng.
Một quầy bán thực phẩm tại TP.HCM. Ảnh minh hoạ. (Ãnh: SGGP)
Đặc biệt, mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm về VSATTP 10-15 triệu đồng không phân biệt quy mô kinh doanh là chưa hợp lí, khó áp dụng cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Theo báo cáo kết quả thanh tra VSATTP năm 2007, tổng số tiền phạt các đơn vị kinh doanh vi phạm lến đến gần 3 tỷ đồng trong đó quận Tân Phú dẫn đầu danh sách phạt với tổng số tiền 175 triệu đồng...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài đề nghị nội bộ lãnh đạo cần thực hiện nghiêm túc hơn tránh tình trạng một số lãnh đạo sở, ban, ngành chưa nhận thức đầy đủ về tình hình VSATTP hiện nay dẫn đến việc thực hiện còn đối phó, chiếu lệ. Cần phải tăng biên độ xử phạt để vừa có tác dụng răn đe, vừa phù hợp với quy mô của cơ sở kinh doanh hoặc định mức xử phạt theo giá trị của khối lượng sản phẩm vi phạm đối với sản phẩm độc hại.
“Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2008” được Bộ Y tế phát động thực hiện từ ngày 15/4 đến 15/5/2008.
-
Mai Linh