221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1057181
Xã hội hoá y tế: Gánh nặng cho người nghèo?
1
Article
null
Xã hội hoá y tế: Gánh nặng cho người nghèo?
,

 - Quá tải, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang nhưng bệnh viện công vẫn có khám dịch vụ hay phòng dịch vụ. Trong khi đó, viện phí lại đang được điều chỉnh tăng để có "sự đóng góp của dân" trong việc chi trả tiền lương cho cán bộ y tế.

Viện phí của người dân sẽ tăng thêm để đảm bảo tiền lương trả cho cán bộ y tế? Ảnh minh họa. Ảnh: H.Cát
Ngày 22/4, Ban Giám sát Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về xã hội hóa y tế. Nhiều đại biểu băn khoăn đặt vấn đề như trên. 

Ngày 24/4/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 45/HĐBT về việc thu một phần viện phí y tế. Viện phí gồm các khoản tiền khám bệnh, tiền giường nằm điều trị, điều dưỡng, tiền thuốc, tiền máu, tiền xét nghiệm, tiền phim X-quang và một số dịch vụ kỹ thuật khác, kể cả nội trú và ngoại trú.

60% tiền thu được sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bổ sung cho chỉ tiêu sự nghiệp y tế (mua thêm thuốc, hoá chất, trang bị vật tư, sửa chữa tu bổ cơ sở bù đắp cho đối tượng miễn giảm). Không khấu trừ vào ngân sách do tài chính cấp. 35% dành để khen thưởng cho cán bộ, công nhân viên có tinh thần trách nhiệm cao, thương yêu người bệnh, phục vụ kỹ thuật cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 11/2007, Bộ Y tế đã đưa ra một dự thảo chính sách viện phí mới, trong đó kèm theo cả phần tiền lương chi trả cho các cán bộ y tế.

Xã hội hóa, nhà nước và tư nhân cùng thực hiện, trong đó có sự đóng góp của người dân, nhằm vào hai mục tiêu lớn. Thứ nhất, phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao. Thứ hai, tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao ở mức độ cao.

Trong buổi làm việc, các đại biểu của đoàn giám sát HĐND TP.HCM đều khẳng định, nhờ xã hội hóa, bệnh viện công có thể giảm tải, đưa kỹ thuật cao đến cho người bệnh, nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế...

Tuy nhiên, họ đều băn khoăn đặt ra những vấn đề, trong khi nói quá tải, bệnh nhân nằm tràn lan ra hành lang, nhưng bệnh viện công vẫn có khám dịch vụ hay phòng dịch vụ. Trong khi đó, viện phí lại đang được điều chỉnh tăng để có "sự đóng góp của dân" trong việc chi trả tiền lương cho cán bộ y tế.

Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng. Tỷ lệ bệnh nhân các tỉnh chiếm từ 30-50% tại các bệnh viện. Định mức ngân sách cấp cho giường bệnh chiếm khoảng 20% định mức giường bệnh thực hiện. Hơn thế nữa, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách còn hạn chế, và việc huy động các nguồn lực trong xã hội như vay của các tổ chức tín dụng, vay của cán bộ nhân viên trong cơ quan, cũng có nhiều khó khăn.

Sở Y tế cho biết, thủ tục cho vay tín dụng của ngân hàng (phải thế chấp) và việc vay kích cầu từ quỹ phát triển thành phố cũng còn những hạn chế về thời gian và thủ tục. Trong khi, thu nhập của cán bộ viên chức tại các đơn vị tự chủ bị cào bằng, và có xu hướng giảm vì quy định trích tối thiểu 25% từ chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển (sau đó mới được trích thu nhập tăng thêm) là quá cao và không phù hợp.

Theo TS.BS Lê Trường Giang - PGĐ Sở Y tế TP.HCM, nhiều bệnh viện phải tự chủ toàn phần, nhưng chỉ được thu một phần viện phí và theo đúng giá quy định của nhà nước. Do đó, những hoạt động dịch vụ được đẩy mạnh để bù đắp thiếu hụt từ những khoản thu theo quy định, để đảm bảo hoạt động thường xuyên, tích luỹ và tăng thu nhập.

Hiện nay, theo cơ chế thị trường, dòng chảy nhân lực trong bệnh viện sẽ ngày càng nhanh, từ công ra tư, từ hệ dự phòng sang điều trị, từ vùng sâu, vùng xa lên đô thị. Đó là điều tất yếu, khi mà BS Lý Lệ Thanh, GĐ BV Nguyễn Trãi, cho biết, lương trả cho bác sĩ tại các bệnh viện tư cao gấp 5-10 lần tại các bệnh viện công.

Cũng trong buổi làm việc trên, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính ban hành quy định về phương pháp xây dựng giá khám chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh, tính đúng và đủ các yếu tố biến phí, định phí, khấu hao tài sản, trước hết là cho các bệnh viện công lập và những bệnh viện hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. 

  • H.Cát 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,