- Tiếc rẻ trước số lượng lợn bị tiêu huỷ quá lớn (trên 200.000 con), nhiều ý kiến cho rằng, lợn bị bệnh tai xanh có thể sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc, với điều kiện nấu chín kỹ, đảm bảo vệ sinh khi giết mổ, chế biến. Song, trước thực tế ở Việt Nam, việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn.
Thịt nấu chín kỹ ăn được nhưng nguy hiểm
TS. Andrew Speedy, Trưởng Đại diện Tổ chức Nông lương (FAO) tại Việt Nam, nhấn mạnh, virus PRRS (Hội chứng Rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn) gây bệnh lợn tai xanh không lây sang người. Không có lý do gì để người dân ngừng ăn thịt lợn. Tuy nhiên, vấn đề là phải ăn thức ăn chín trong mọi trường hợp.
Với việc giết mổ như trên, virus PRRS rất dễ phát tán.
Lý giải điều này, ông Andrew Speedy cho rằng, PRRS thường không trực tiếp gây tử vong ở lợn. PRRS chỉ làm giảm hệ miễn dịch và dẫn đến bội nhiễm, làm lợn mắc bệnh do vi khuẩn gây ra mà phổ biến là Streptococcus Suis, Haemophilus Parasuis và Salmonella.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cũng khẳng định, nếu ăn thịt lợn bị bệnh tai xanh nấu chín kỹ thì không sao. Virus gây bệnh tai xanh có thể dễ dàng bị tiêu diệt dưới nhiệt độ cao, song không loại trừ trong lợn chết có vi khuẩn liên cầu (Streptococcus Suis) sống ở đường hô hấp. Nguy hiểm và độc nhất là những con vi khuẩn này bởi chúng chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 100oC, phải đun ít nhất 30 phút.
Ông Đáng cảnh báo, vi khuẩn Streptococcus Suis sẽ xâm nhập vào cơ thể người nếu có sự tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Khuẩn liên cầu đi vào người qua các vết thương hở trên da hoặc niêm mạc mũi, miệng. Trên thực tế, kết thúc mùa dịch tai xanh năm 2007 xảy ra ở miền Trung, đã có gần 30 người chết vì nhiễm phải vi khuẩn này.
Khó kiểm soát
Tuy nhiên, việc giết mổ, chế biến lợn bệnh trong điều kiện thực tế của Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn. Hệ thống giết mổ, nói là tập trung, nhưng chỉ có ở một vài thành phố lớn. Hầu hết các lò giết mổ vẫn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Chưa kể, việc tự các hộ chăn nuôi làm thịt còn dễ dàng làm mầm bệnh phát tán ra bên ngoài.
Trong lúc giá cả thị trường tăng cao, khi xử lý bệnh tai xanh bằng cách tiêu hủy hết thì đúng là một sự lãng phí. Song, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh nhận định, không thể chế biến lợn bệnh thành sản phẩm cho người ăn được. "Trước đây, chúng ta đã gửi một số gia cầm bệnh cho các công ty chế biến, nhưng họ sợ thương hiệu công ty bị mang tiếng. Nếu giết mổ tại chỗ, khi đưa ra ngoài phải luộc chín con lợn; các phụ phẩm như máu, lông, chôn thì phải chôn theo quy định. Nhưng lợn đã luộc chín thì không ai ăn, vì người ta cho rằng lợn bệnh. Địa phương làm không cẩn thận còn gây lây lan dịch bệnh", ông Quang Anh cho biết.
TS. Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, cũng cho hay, nếu chăn nuôi gia đình, 1 con lợn bị bệnh tai xanh người dân có thể thịt ăn - về mặt lý thuyết là không sao. Tuy nhiên, với số lượng lớn, gia đình này ăn không xuể thì chắc chắn sẽ đem bán.
TIN LIÊN QUAN
Theo ông Thành, "có đến 90% lợn nái vẫn sống sau vụ dịch và vẫn có thể truyền mầm bệnh tới 6-9 tháng sau. Virus gây bệnh cũng có thể lưu hành trong phân, trong nước cả tháng sau đó". Do vậy, quan điểm chống dịch đúng nhất vẫn là tiêu diệt tất cả lợn bệnh.
Ăn lợn "sạch", nuôi theo "Ba tốt"
Ông Thành khuyến cáo, tốt nhất người dân không nên ăn lợn bệnh. Miếng thịt lợn ngon, sạch phải đảm bảo tươi, không bị tụ máu, không quá đỏ, sờ vào ấm, hơi dính. Nếu thịt có biểu hiện cứng, nhão, màu nhợt nhạt có thể là lợn bệnh, thịt ôi. Khi chế biến, các bà nội trợ nên đeo găng, rửa tay xà phòng.
Đối với người chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, người dân cần thực hiện “Ba tốt”: tạo môi trường tốt để chăn nuôi (làm hố khử trùng bằng vôi bột, hoá chất trước lối vào khu chăn nuôi; cách ly tuyệt đối người lạ vào chuồng nuôi; không cho lợn ăn thức ăn có nước rửa thịt hoặc thịt lợn mua từ bên ngoài); quản lý tốt kỹ thuật chăn nuôi và xử lý tốt khi có lợn bệnh.
Đối với các địa phương có nguy cơ cao dịch xảy ra, trên cơ sở thực hiện “Ba tốt”, nên bổ sung vitamine, chất điện giải vào nước uống cho lợn hàng ngày; áp dụng liều dự phòng kháng sinh cho lợn qua bổ sung vào thức ăn, nước uống hoặc tiêm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Trên thực tế, cũng có tình trạng các địa phương đang lạm dụng việc tiêu huỷ lợn bệnh, gây thiệt hại cho người dân. Ông Bùi Quang Anh nhận xét, ở một số địa phương, khi lợn chỉ cần ốm chết, chưa có kết luận bệnh gì cũng tiến hành tiêu hủy. Công văn hướng dẫn tiêu hủy lợn bệnh đã ghi rõ: chỉ tiêu hủy triệt để đối với ổ dịch ban đầu mới phát sinh, chứ không phải tất cả. Virus tai xanh ở phía Bắc là thể độc lực cao Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, kết quả kiểm tra dịch tễ mới đây đã phát hiện sự xuất hiện của type virus mới thuộc thể độc lực cao trên lợn nhiễm bệnh tai xanh ở phía Bắc. 99% mẫu loại virus được xét nghiệm tương đồng với virus thể độc lực cao đã xuất hiện ở Trung Quốc. Còn ở phía Nam, type virus đang lưu hành tại các trại lợn thuộc thể độc lực thấp và thuộc type cổ điển. Năm 1997, virus tai xanh xuất hiện ở Việt Nam thuộc thể kinh điển, thể này không gây chết lợn mà chỉ ảnh hưởng sinh sản. Tuy nhiên, virus đã phát tán ra môi trường xung quanh. Đến tháng 3/20 07, dịch xảy ra ở miền Bắc, sau đó tháng 7-8/2007 ở miền Trung. Kết quả xét nghiệm cho thấy, loại virus này đã thuộc thể độc lực cao, giống ở Trung Quốc. Về độ nguy hại, thể kinh điển chỉ làm chết 2% lợn nái, 30-40% lợn con theo mẹ, 10-20% lợn choai. Song, thể độc lực cao gây thiệt hại rất lớn. Ghi nhận tại Trung Quốc, 100% lợn con theo mẹ bị chết, lợn choai chết 30%, lợn nái 10% nếu nhiễm virus thể độc lực cao.
Với những ổ dịch phát sinh sau đó, chỉ tiêu hủy những con bị bệnh quá nặng không thể phục hồi, tách những con khác ra nuôi dưỡng.
Kết quả cũng cho thấy, do độc lực của virus thấp hơn nên lợn ở miền Nam, độ kháng với dịch tai xanh cao hơn các tỉnh miền Bắc.
-
Hà Yên