221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1058945
Nghe tin gạo sốt ảo, dân nghèo bật khóc vì lo
1
Article
null
Nghe tin gạo sốt ảo, dân nghèo bật khóc vì lo
,

  - “Nghe nói giá gạo sẽ tăng gấp 2 lần, mấy chú đừng tưởng bà con nông dân vui, thực ra người trông lúa như chúng tôi đang khóc thầm, lo cháy ruột cháy gan đây...”.Mở đầu câu chuyện với PV VietNamNet ngay bên đám ruộng vừa mới gặt xong, lão nông Nguyễn Nam, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, Quảng Nam than thở.

 

Quảng Nam: Dân hốt hoảng vì tin đồn 

n
Lúc thu hoạch về, nhưng giá gạo tăng, nông dân khóc ngay trên cánh đồng. Ảnh: Vũ Trung.


Đã hai mùa vụ thất bát đi qua khi giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu... tăng chóng mặt, rồi liên tiếp mất mùa, ngay những người nông dân làm ra hạt lúa cũng không đủ gạo để ăn mà phải chạy đi mua gạo chợ hàng ngày.

 

“Làm răng mà không lo được, cả nhà tui làm hơn 2 mẫu ruộng, liên tiếp hai vụ mùa vừa qua mất trắng, chỉ tính sơ tiền phân bón, thuốc trừ sâu đã mắc nợ gần 10 triệu bạc rồi" - lão nông Lê Văn Luận, nhà ở Bình Định, huyện Thăng Bình có thâm niên hơn 3 đời làm ruộng không giấu nổi lo lắng.

 

Xem ti vi, nghe mọi người bàn giá lúa, giá gạo tăng mà ông Luận thấy nóng ruột, bồn chồn bởi đã mấy tháng nay, cả nhà 8 miệng ăn phải chạy đong gạo chợ hàng ngày. "Hỏi giá tăng như rứa làm răng mà chịu cho thấu. Bà vợ tui sáng ni cắp rổ không ở chợ về mặt buồn xo ro, vì không mua nổi gạo để nấu cơm trưa. Người lớn còn có thể nhịn ăn, tạm qua quýt củ sắn, củ khoai. Nhưng người già, trẻ nhỏ làm sao ăn được. Kiểu ni không biết mần răng mà sống đây...” - ông Luận thở than.

 

Hốt hoảng rồi đăm chiêu, nét mặt của ông Luận cũng như hàng trăm người nông dân khác ở vùng đất cằn khô này khi được nghe những tin đồn về việc giá gạo sẽ tăng cao gấp 2 lần.

 

Bà Nguyễn Thị Lâm, nhà ở xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức cho hay: “Điều nghịch lý là làm ruộng mà nghe giá lúa, gạo tăng bà con tui không vui mà lại đâm ra lo. Nhưng điều đó lại là sự thật, bởi mất mùa, nên đa số bà con tui ở vùng đất này phải ăn đong gạo chợ. Giá gạo tăng bà con nông dân không lo mới là lạ...”.

 

Tuy vậy, với kinh nghiệm của mình, bà Lâm khẳng định: "Chắc giá gạo lại xuống, không thể tăng như rứa được. Tăng như mấy ngày qua, nông dân chết là cái chắc! Nhà nước sẽ điều chỉnh!".

Ngay chiều ngày 28/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hải đã chỉ đạo Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam xuất 30 tấn gạo đưa xuống địa phương bán cho dân nhằm góp phần bình ổn giá cả.

 

UBND tỉnh đã giao Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam liên hệ với các tỉnh, thành miền Nam mua và đang trên đường vận chuyển 1.000 tấn gạo về phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần kìm mức giá bán không quá 13.000đồng/kg.

 

Ông Nguyễn Đức Hải khẳng định, sẽ đảm bảo bình ổn giá lương thực trong vòng 24 giờ tới.

TT- Huế: Bán “lúa non”, dân vừa xót vừa lo

n
Rất nhiều người dân vẫn tất tả đi mua gạo dự trữ. Ảnh: Đăng Khoa.

 Người thành phố ăn gạo ngon với giá cao đã đành, người nông thôn ăn gạo dở cũng phải chịu chung cảnh gạo đắt thời “sốt” gạo. Ngày 28/4, tại các vùng quê trên địa bàn TT-Huế, với 10 ngàn đồng người dân chỉ mua được 3 lon gạo (tương đương với 9 lạng gạo). 2 ngày gần đây, nhiều người đã dốc hết tiền gom góp lâu nay để mua gạo tích trữ vì sợ giá sẽ tăng “phi nước đại” thì tư thương càng được thể ém hàng, bán với giá cao.

Mệ Lê Thị Nhỏ, xã Hương Chữ, Hương Trà, bần thần kể: “Nông dân thì cái chi cũng lúa, lúa vào lúa lại ra, đầu mùa gặt bán “lúa non” để chi phí gặt lúa; gặt lúa về phải bán đi để trả nợ; cuối mùa cũng chỉ còn một ít để cả nhà 7 miệng người ăn đến khi giáp hạt”.

 

Năm nay mùa đến muộn, thế là 1 tháng nay, gia đình mệ phải mua gạo để ăn. Tuần trước, giá gạo có tăng nhưng chỉ mức cầm chừng. Chỉ 2 ngày sau, nghe giá gạo tăng gần gấp đôi, mệ Nhỏ đã bật khóc vì lo. "con buôn xem tivi thấy gạo thế giới tăng, rứa là ngay hôm sau gạo bán ngoài chợ cũng tăng chóng mặt. Tui cầm 10 ngàn ra chợ chỉ mua được 3 lon gạo” - mệ Nhỏ rầu rĩ kể.

 

Gặp chúng tôi, ông Hà Xuân Út thắc mắc: “Vì răng mà gạo tăng đột ngột rứa, chỉ cách 1 ngày mà giá gạo tăng đến 30%, tuần trước một ký gạo chưa tới 9 ngàn, hai hôm nay mỗi ký gạo vọt lên 12 ngàn đồng”.

 

Hôm qua, nghe vợ đi chợ về bảo gạo tăng giá, ông bòn vét trong nhà được 300 ngàn đồng chạy ngay ra chợ mua gạo về để trữ.  Với số tiền đó, đại lý chỉ đong cho ông chưa đầy 35 kg gạo.

 

Tại những vùng trồng lúa trên địa bàn TT-Huế, vào mùa thu hoạch lúa, hễ gia đình nào thiếu tiền, có nhu cầu  thuê máy móc, thuê nhân công,… là đầu nậu thu mua thóc lập tức cung ứng ngay lập tức. Khoản “hỗ trợ” kịp thời này được thanh toán ngay sau vụ mùa kết thúc.

 

Lúa gặt xong, phơi khô đựng chưa nóng bồ thì người thu mua thóc mang xe đến “thanh toán nợ nần”, với giá lúa mua rẻ nhất có thể để tích trữ bán dần. Vụ lúa kết thúc, mỗi đầu nậu thu mua thóc tích trữ từ 12 đến 15 tấn thóc.

 

Còn người nông dân với hàng trăm thứ nợ, trả xong bằng lúa, chỉ còn lại số thóc vừa đủ cho gia đình đến khi giáp hạt. Năm nay, lúa mùa trổ muộn, thóc để dành cũng cạn dần, chạy tiền từng bữa mua gạo giá cao.

 

Để cơn “sốt ảo” giá gạo không đẩy người nông dân TT- Huế vào tình cảnh khó khăn hơn trong cơn bão giá, ngày 28/4, Chi cục Quản lý thị trường- Sở thương mại TT-Huế đã lập một đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các đại lý, cửa hàng bán gạo. Qua kiểm tra, đã phát hiện một số cửa hàng bán gạo không xuất hoá đơn, chứng từ cho khách hàng, không có bảng niêm yết giá gạo công khai. Theo đó, những cửa hàng vi phạm đã bị lập biên bản xử lý hành chính.

 

UBND tỉnh TT-Huế đã có công điện khẩn cho những ngành chức năng lập tức có nhưng biện pháp nhằng ổn định giá, ngăn chặn tư thương lợi dụng tình hình để gìm gạo, thu lợi bất chính.

 

Ngày 28/4, có tin đồn các đại lý lớn trên địa bàn đồng ý nhận lại số gạo đã bán với giá cao vào ngày 27/4, tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VietNamNet, một số người dân đã đem gạo trả lại cho đại lý, nhưng không được nơi nào nhận lại!

 

Khoảng một nửa trong số gần 200 hộ làm bánh tráng ở làng nghề Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên) đang tạm ngưng vì giá lúa gạo liên tục tăng (hiện lúa ở mức 6.500 đồng/kg, gạo 10.000 đồng/kg) nhưng giá bánh tráng không tăng theo kịp, gây lỗ vốn.

 

Theo UBND xã Hòa An, các hộ chuyên nghề tráng bánh chỉ ngưng tạm thời rồi cũng sẽ tiếp tục làm vì họ chỉ có nghề này. Điều đáng lưu ý là nhiều nông dân Phú Yên đang tạm thời không xuất bán lúa vụ đông xuân vừa thu hoạch, mặc dù giá đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.


T.Liên

  •  Nhóm PV
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;