- Nói đến nguyên nhân gây kẹt xe tại TP.HCM, "tội đồ" xe gắn máy, xe buýt thường được đưa ra "mổ xẻ". Trong khi đó, số lượng ô tô cứ tăng dần theo từng ngày.
Ô tô "rồng rắn" trên đường
Vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, trên những trục đường chính xuyên tâm thành phố như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Cách Mạng Tháng Tám, 3 tháng 2, Nguyễn Tri Phương... ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài. Từng chiếc, từng chiếc chậm rãi nhích dần chút một, xe sau sát khin khít với xe trước…
Xe ô tô đậu hàng dài tại khu vực trung tâm TP.HCM (Ảnh: Trần Duy) |
Người đi đường rất bức xúc trước cảnh ô tô xếp hàng dài dọc hai bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn đi qua Thảo Cầm Viên đến đường Nguyễn Hữu Cảnh, P. Đakao, Q.1) gây gián đoạn giao thông cho các phương tiện khác.
Nếu trong năm 2000, số lượng ô tô tại TP.HCM chỉ vào khoảng 131.000 xe thì đến cuối năm 2007, con số trên đã tăng lên gấp 3 lần. Thế nhưng, các dự án xây dựng công trình cầu đường mới rất ít. Đồng thời, tiến độ thi công thường xuyên bị chậm trễ so với kế hoạch đề ra vì thiếu vốn và gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giải tỏa công trình hạ tầng kỹ thuật… |
Tương tự, trên đường Nguyễn Văn Thủ, Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Lê Lai (Q.1), Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)... xe ô tô nối đuôi đặc kín trước cửa các nhà hàng, khách sạn, trường học.
Tại đường Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, chỉ cần hai xe ô tô đi ngược chiều giành đường nhau là ngay lập tức xảy ra ùn ứ giao thông. Nhất là vào buổi chiều, khi xe gắn máy từ đường Cách Mạng Tháng Tám chạy vào hai con đường này để thoát khỏi đám kẹt xe.
Theo thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, tính đến cuối tháng 4/2008, mỗi ngày cán bộ tiếp nhận đăng ký làm việc cật lực để hoàn tất thủ tục cho hơn 100 chủ phương tiện xe ô tô.
Tính từ 1/10/2007 đến 30/4/2008, có hơn 26.000 ô tô, xe gắn máy được đăng ký mới. So với năm 2006, số lượng đăng ký xe ô tô tại TP.HCM tăng đến 79%. Cảnh báo “bùng phát” xe ô tô của các chuyên gia trong những năm trước đã thành sự thật. Với số lượng ô tô đăng ký mới như trên, sang năm 2009, trên đường phố TP.HCM sẽ tràn ngập xe ô tô.
Hiện tượng “bùng phát” xe ô tô có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân nhà nước từng bước giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Thêm vào đó, nhiều hãng ô tô đã xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô hoặc liên doanh với các công ty lắp ráp ô tô tại VN khiến giá thành giảm đi rất nhiều so với 4 năm về trước. Một bộ phận dân thành thị “đổi đời” trở thành triệu phú sau những đợt đầu tư tiền vào bất động sản, cổ phiếu… do vậy, sở hữu một chiếc ô tô không còn là điều xa vời đối với một bộ phận cư dân TP.HCM.
Tốc độ ô tô tương đương xe đạp
Số lượng ô tô gia tăng tính theo ngày nhưng diện tích đất dành cho giao thông tại TP.HCM còn thấp và phân bố không đều.
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Theo thống kê của Sở GTCC TP.HCM, tại khu vực trung tâm (Q.1, Q.3, Q.5…), mật độ đường trung bình đạt 10,9km/km2 tại các quận nội thành còn lại đạt 4,08km/km2. Các quận mới và các huyện ngoại thành mật độ đường thấp, chỉ đạt 0,45km/km2, còn tại các quận trước đây là vùng ven như Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình... rất thiếu đường. Việc đi lại ở khu vực này rất khó khăn.
Khảo sát mới đây của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, tại một số khu vực trung tâm, tốc độ lưu thông của các phương tiện rất thấp, có nơi phải nhích từng bước một.
Theo đánh giá của Sở GTCC, vào giờ cao điểm chiều hiện nay, tốc độ đi lại trung bình của xe hai bánh chỉ còn khoảng 10km/h. Còn tốc độ hành trình trung bình của xe ô tô trên các trục giao thông chính chỉ còn khoảng 8km/h, tương đương với tốc độ của xe đạp. Thời gian đi lại từ phía Đông sang phía Tây và từ phía Bắc sang phía Nam thành phố tăng gấp đôi so với giờ thấp điểm.
Minh chứng cho đánh giá này là hình ảnh dễ nhận thấy trên các trục giao thông chính như Pasteur, Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng… dòng xe ô tô rất dài dừng chờ đi qua các giao lộ.
Dòng xe này có khi nối đuôi nhau kéo dài qua 2, 3 giao lộ. Để đi qua được 1 giao lộ trung bình phải mất từ 2-3 có khi lên đến 4 chu kỳ đèn tín hiệu giao thông. Chính điều này đã gây rối loạn và ùn tắc giao thông.
Để đối phó, Sở GTCC có ý định tăng thêm làn đường cho xe ô tô ở các tuyến đường có bề rộng từ 8-10m. Tuy nhiên, giải pháp này còn đang được cân nhắc vì nhiều ý kiến quan ngại “không công bằng” đối với người sử dụng các phương tiện giao thông khác, đặc biệt là xe gắn máy.
Hạn chế xe cá nhân
Thống kê của ngành giao thông cho thấy phần lớn các đường tại TP.HCM đều hẹp. Chỉ có khoảng 14% tuyến đường có lòng đường rộng trên 12m có thể tổ chức vận chuyển hành khách bằng xe buýt; 51% số đường có lòng đường rộng từ 7-12m, chỉ phù hợp cho xe ô tô con, xe buýt loại nhỏ lưu thông; 35% số đường còn lại có lòng đường rộng dưới 7m chỉ phù hợp cho xe hai bánh.
Trong khi đó, phương tiện cơ giới đường bộ gia tăng đột biến theo từng năm. Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, chỉ tính riêng trong năm 2007, xe ô tô đã tăng 32.000 xe (tăng 10%).
Đến cuối năm 2007, thành phố có tổng gần 3,7 triệu phương tiện, trong đó có trên 326.000 xe ô tô. Số lượng xe ô tô tại TP.HCM chiếm gần 1/3 tổng số xe ô tô trên cả nước.
Nhận thấy mối nguy từ việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có ô tô khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM càng thêm trầm trọng, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành liên quan soạn thảo gấp rút đề án chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, trong đó có nhắc đến phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân gồm xe ô tô và xe gắn máy. Thế nhưng việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng tại TP.HCM chỉ mới đáp ứng 6% nhu cầu của người dân.
Giữa tháng 4/2008, Bộ Tài chính cho biết đã ban hành một số chính sách tài chính liên quan đến việc góp phần hạn chế ùn tắc giao thông đối với hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có việc tăng lệ phí đăng ký đối với xe ô tô.
Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2010, dân số TP.HCM sẽ tăng gần 10 triệu người. Do đó, tình hình giao thông tại thành phố được dự đoán sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là nếu cứ để xe ô tô “bùng phát” như hiện nay.
-
Trần Duy