221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1063771
TP.HCM: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, khó chẩn đoán!
1
Article
null
TP.HCM: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, khó chẩn đoán!
,

 - Các chuyên gia lo ngại tại TP.HCM, đuôi dịch sốt xuất huyết cũ vẫn còn kéo dài, số ca tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2007. Bên cạnh týp virus D1 như mọi năm, D3 cũng đang có khuynh hướng tăng.

Một trong những biểu hiện của sốt xuất huyết là những nốt xuất huyết xuất hiện trên da. Ảnh: H.Cát

Sốt xuất huyết: 10-15 tuổi ngày càng nhiều

BS. Lê Bích Liên - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi Đồng 1 cho biết: Trước đây, những ca sốt xuất huyết thường tập trung ở lứa tuổi từ 5-9 tuổi. Nhưng những năm gần đây, bệnh ngày càng có khuynh hướng chuyển dịch sang các lứa tuổi lớn hơn. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO), 90% các ca sốt xuất huyết tập trung vào các trẻ dưới 15 tuổi. Nhưng hiện nay, cơ cấu bệnh bắt đầu thay đổi. Trẻ lớn từ 10-15 tuổi bị nhiều hơn và thường nặng hơn.

Dựa trên các báo cáo dịch tễ tại Việt Nam cũng cho thấy, những ca sốt xuất huyết của người lớn ngày càng tăng, từ 20% tăng lên tới 40%. Sốt xuất huyết là một bệnh liên quan đến miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay các chuyên gia vẫn chưa lý giải được nguyên nhân.

Năm 2007, theo thống kê của Phòng nghiệp vụ y - Sở Y tế TP.HCM, 12 ca tử vong do sốt xuất huyết, tăng gấp 2 so với năm 2006. Kể từ tháng 7-12/2007, mỗi tháng trên địa bàn thành phố có 2 ca tử vong. Trong đó, 2 ca tử vong trên 15 tuổi.

Trẻ lớn từ 10-15 tuổi mắc bệnh sốt xuất huyết ngày càng nhiều. Ảnh: H.Cát

Dịch nối dịch

"Điều quan trọng hơn hết là dịch sốt xuất huyết liên quan đến mùa mưa, đặc biệt là 6 tháng cuối năm. Tháng 9-10 thường là cao điểm của mùa sốt xuất huyết. Chúng tôi vẫn hy vọng sốt xuất huyết sẽ giảm vào mùa khô. Nhưng năm nay, mùa mưa đến sớm, trong khi đuôi dịch năm 2007 kéo dài cho đến tháng 2-3/2008" - BS. Liên lo ngại

Hiện nay, mỗi ngày, Khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận trung bình từ 30-40 ca sốt xuất huyết. Cùng kỳ này vào năm 2007, mỗi ngày chỉ có từ 10-20 ca.

Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, xuất phát điểm có số ca mắc sốt xuất huyết năm 2008 ở mức cao hơn năm 2007. Trong khi đó, đầu năm 2008, giai đoạn chưa vào mùa dịch, 1 ca tử vong do sốt xuất huyết đã xuất hiện tại phường 2 quận Bình Thạnh. Đây không phải là điểm nóng của dịch bệnh thường niên.

Bên cạnh đó, 4 týp virus gây bệnh sốt xuất huyết cũng đang có những biến động.

"Suốt 5 năm qua, týp virus Dengue D1, tăng dần từ năm 2001 cho đến 2007. 4 tháng đầu năm 2008, týp virus D1 vẫn chiếm ưu thế và sẽ tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, cần chú ý đến týp D3 cũng đang có khuynh hướng tăng," BS. Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TP.HCM, nói.

Mô tả ảnh.
Biểu đồ sốt  xuất huyết từ năm 2006 (đường chấm nhỏ), năm 2007 (đường liền) và 4 tháng đầu năm 2008 (đường đứt khúc đậm). Xuất phát điểm của sốt xuất huyết 2008 cao hơn 2007 do đuôi dịch 2007 vẫn còn kéo dài.

TP.HCM: Cần một mô hình chống dịch đặc biệt 

Trong khi đó, theo ThS. BS Lương Chấn Quang, chuyên gia giám sát dịch bệnh của Khoa Y tế công cộng - Viện Pasteur TP.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 4/5, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại 20 tỉnh thành phía Nam là 9188 ca. Trong đó, 5 ca tử vong rải đều ở 5 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP.HCM, Trà Vinh.

sxh4.jpg
Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Sốt xuất huyết - BV Nhi Đồng 1 ngày 12/5. Ảnh: H.Cát

Nhiều tỉnh thành phía Nam đang trở thành điểm nóng trong đợt dịch sốt xuất huyết 2008 là:  Bình Phước (72), Cà Mau (480), Long An (415), Sóc Trăng (831), Tiền Giang (819),  TP.HCM (gần 3000). Sở dĩ Bình Phước trở thành điểm nóng vì, chỉ trong một tuần 20-26/4, Bình Phước đã phát sinh thêm 33 ca sốt xuất huyết mới, bằng tổng 16 tuần của đầu năm 2008. 

"Khu vực phía Nam luôn nóng ẩm, mưa nhiều, nên lúc nào cũng có ổ muỗi. Nhiệt độ cao mới là yếu tố quan trọng khiến cho muỗi phát sinh nhiều. Quá trình từ trứng biến thành muỗi mất từ 7-15 ngày, trung bình là 10 ngày. Tuy nhiên, trời nóng sẽ khiến cho quá trình này rút ngắn xuống khoảng 5 ngày. Muỗi vừa sinh ra đã có thể đốt người và lây truyền bệnh," BS. Quang nói.

Tuy nhiên, BS. Quang cũng cảnh báo, TP.HCM là một mô hình dịch sốt xuất huyết vô cùng đặc biệt, chiếm 1/3 ca sốt xuất huyết của 20 tỉnh phía Nam. Dịch năm 2007 tại thành phố đến chậm hơn so với các tỉnh phía Nam. Trong khi các tỉnh khác bắt đầu gia tăng vào tháng 5-6/2007, thì TP.HCM vào dịch từ tháng 8, 9, 10, 11, 12 và kéo dài đuôi dịch cho đến nay.

"Chúng ta cần phải tìm một mô hình phòng chống dịch cho TP.HCM. Biện pháp chung vẫn là diệt lăng quăng và muỗi. Nhưng ở những nơi như quận 1, quận 3, hay quận 5, hồ chứa nước thường được để trên cao và đậy kín. Như vậy, lăng quăng phát sinh từ đâu? Bên cạnh đó, phun hóa chất như thế nào với các loại nhà cao tầng...," BS. Quang băn khoăn.

Trước đây, khi Dự án Phòng chống sốt xuất huyết quốc gia còn hoạt động, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi cộng tác viên giám sát mật độ lăng quăng ở 50-60 hộ với kinh phí 25.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mô hình này không thể áp dụng tại TP.HCM, nơi đông dân cư và kinh phí không thể là 25.000 đồng/tháng cho một cộng tác viên.

Bên cạnh đó, việc phun hóa chất trên địa bàn thành phố cũng gặp nhiều khó khăn. Về kỹ thuật, thành phố cần phun loại hóa chất nào, cách phun ra sao ở các loại nhà cao tầng. Mặt khác, việc phun hóa chất không hiệu quả còn do tỷ lệ nhà mở cửa để phun thuốc còn thấp, chỉ phun ngoài đường không phun trong nhà, dân cư phức tạp, gây cản trở việc phun hóa chất.

"Hơn thế nữa, nhiều nguồn sinh sản muỗi không được kiểm soát liên tục, cụ thể là các công trình xây dựng, vật phế thải quanh nhà, kênh rạch tắc nghẽn dòng chảy, đất trống quy hoạch treo tạo nên những bãi rác tự phát, thuỷ triều, trữ nước sinh hoạt tại các khu vực thiếu nước máy", BS. Phan Văn Nghiệm cho biết.

Kèm theo điều kiện thời tiết xảy ra thất thường, cùng với đuôi dịch 2007 gấp đôi và kéo dài với số ca cao hơn cùng kỳ 2007, các chuyên gia lo ngại, nguy cơ dịch sốt xuất huyết 2008 tại TP.HCM vẫn còn rất cao, nguy cơ tử vong cao, diễn biến phức tạp, khó chẩn đoán.

  • Hương Cát
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,