- Đối với hành vi đổ trộm rác thải xây dựng có thể đưa ra xử lý hình sự với các hành vi: "Cố ý làm hư hỏng tài sản"- đối với các trường hợp đổ phế thải ra vỉa hè, lòng đường làm sập cống, đổ cây, đổ rác lên thảm cỏ..., hoặc"Cản trở giao thông đường bộ" khi lái xe đổ rác ra vỉa hè, lòng đường làm cản trở giao thông.
Khi cảnh sát môi trường bị theo dõi ngược
Sáng kiến rắc vụn giấy được đánh mã số chi tiết về địa chỉ có rác thải xây dựng mặc dù được chính quyền cơ sở ra sức trợ giúp nhưng xem ra vẫn không khả thi cho lắm khi tình trạng đổ trộm phế thải vẫn cứ diễn ra, thách thức các nhà chức trách. Không những thế, những "kẻ tàng hình" chuyên đổ trộm phế thải còn quay ra theo dõi ngược cả Cảnh sát môi trường.
Ngày 18/11/2007, Phòng Cảnh sát môi trường, công an Hà Nội được thành lập và mang trách nhiệm giúp Ban giám đốc Công an TP chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác tronng lĩnh vực môi trường.
Điểm đổ rác thải xây dựng khu vực hồ Ba Mẫu (Phương Liên). |
Hoạt động chưa lâu, thì mới đây, trao đổi với PV VietNamNet, một cảnh sát môi trường cho biết, chính cán bộ của phòng lại đang bị các đối tượng đổ trộm rác thải chuyên nghiệp theo dõi ngược. Theo lời cán bộ này thì những "kẻ tàng hình" theo dõi thấy cảnh sát môi trường lên xe đi tuần thì lập tức alô cho đồng bọn dừng hoạt động. Và khi các cảnh sát môi trường hết vòng tuần tra, cho xe về đơn vị thì bọn chúng lại thông báo cho nhau biết để bắt đầu "hành nghề".
Tuần tra những điểm mà hay bị bọn đổ trộm rác thải chọn làm nơi tập kết thì bọn chúng lại quay ra chọn một địa điểm khác.
Theo cảnh sát này, để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải thì cần phải tuyên truyền sâu sát đến người dân. Trường hợp cấp giấy phép xây dựng nhà, phải yêu cầu gia chủ giải trình về số rác thải xây dựng của mình sẽ được giải quyết thế nào và tư vấn cho người dân biết các điểm được phép đổ rác thải xây dựng, cũng như cung cấp số điện thoại của các công ty chuyên làm dịch vụ đổ rác thải xây dựng.
Xử lý hình sự những "kẻ tàng hình", công an gặp khó
Từ đầu năm 2008 đến nay, Thanh tra Sở GTCC đã kiểm tra xử lý 1.294 vụ vi phạm về trật tự VSMT, phạt 404.875.000 đồng. Trong đó, kiểm tra xử lý 744 trường hợp xây dựng công trình, đổ phế thải xây dựng ra hè, đường phố, không ký hợp đồng vận chuyển phế thải xây dựng, phạt tiền 196.525.000 đồng. Lập biên bản tạm giữ 66 xe ô tô đổ trộm đất, phế thải xây dựng ra hè, đường phố, hành lang ATGT và các nơi công cộng. Đã làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH thụ lý giải quyết hơn 40 trường hợp.
Ra quân chống nạn đổ trộm phế thải. |
Điều đáng nói là trong số các phương tiện tạm giữ vì đã đổ phế thải không đúng nơi quy định năm 2008, có cả những xe của các công ty vệ sinh môi trường. Ví dụ như: ngày 16/4, chiếc xe tải ben, BKS 29X- 5062 do lái xe Nguyễn Văn Hưng, thuộc Công ty TNHH KTVS môi trường Ngọc Anh; Ngày 17/4, lái xe Nguyễn Văn Sinh, thuộc Công ty môi trường Thăng Long, lái chiếc xe tải ben BKS 30F- 0017 cũng đã bị thu giữ xe.
Cho đến nay, PC14 đã thụ lý 50 trường hợp đổ trộm rác thải xây dựng, tạm giữ 50 xe. Trong số đó có 1 trường hợp đã xử lý hình sự như đã nêu trên.Còn đối với những trường hợp còn lại, vẫn đang chờ xử lý. Sau khi 50 chiếc xe bị thu giữ vì lái xe có hành vi đổ trộm phế thải ra nơi công cộng thì tình trạng đổ trộm phế thải được nhìn nhận là đã giảm hẳn.
Trao đổi với PV VietNamNet, một cán bộ công an, PC14 cho biết, đối với hành vi đổ trộm rác thải xây dựng, có thể đưa ra xử lý hình sự với các hành vi: "Cố ý làm hư hỏng tài sản"- đối với các trường hợp đổ phế thải ra vỉa hè, lòng đường làm sập cống, đổ cây, đổ rác lên thảm cỏ...
Ngành Giao thông công chính đề nghị Sở Xây dựng khi cấp phép xây dựng công trình cần yêu cầu chủ đầu tư ký hợp đồng với các đơn vị thu dọn phế thải để đổ rác đúng địa điểm quy định của thành phố |
Ngoài ra còn có thể xử lý hình sự vì hành vi "Cản trở giao thông đường bộ", khi lái xe đổ rác ra vỉa hè, lòng đường làm cản trở giao thông.
Tuy nhiên, đối với việc xử lý hình sự hành vi "Cản trở giao thông đường bộ" cũng khó, vì những "kẻ tàng hình" thường chọn những điểm vắng người qua lại để đổ rác thải, nhằm tránh bị phát hiện. Bên cạnh đó, sau khi bị lực lượng chức năng phát giác thì những "kẻ tàng hình" thường dọn dẹp ngay hiện trường, tránh để lại hậu quả.
Mặc dù vậy, trong số những trường hợp đổ trộm phế thải được chuyển sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội (PC14), đã có một trường hợp đã bị truy tố hình sự - đó là trường hợp lái xe Lê Văn Lực (SN 1980, trú tại Đội 3, xã Tam Đa, Sơn Dương, Tuyên Quang).
Bị bắt sau một hồi cố gắng chạy trốn hòng thoát khỏi lực lượng thanh tra thuộc Thanh tra Sở GTCC, với nhiều lời lẽ chống đối, lăng mạ, cũng như xô xát đối với cán bộ thanh tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành bắt giữ quả tang đối với Lê Văn Lực về hành vi: Chống người thi hành công vụ.
Tại Cơ quan điều tra, Lực đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Xét thấy hành vi đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định của Lê Văn Lực đã vi phạm Nghị định 146/2007/NĐCP của Chính phủ, Cơ quan CSĐT đã có công văn đề nghị Sở Giao thông công chính thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính. Sở Giao thông công chính sau đó đã phạt lực 2,5 triệu đồng.
Vụ án chống người thi hành công vụ này dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 22/5 tới, đây có thể coi là vụ án điểm để những "kẻ tàng hình" ý thức hơn về việc làm trái pháp luật của mình.
- Tuyết Nhung