221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1065787
Trẻ có thể bình thường khi vào sốc sốt xuất huyết
1
Article
null
Trẻ có thể bình thường khi vào sốc sốt xuất huyết
,
- Nhiều trẻ dù đang vào sốc độ III, độ IV, nhưng vẻ mặt vẫn khá bình thường, không như những đứa trẻ bị nhiễm trùng khác. Đặc biệt, trẻ lớn, dư cân có khả năng “chịu đựng” rất cao.

Trẻ dư cân thường có thể chịu đựng được
Trẻ dư cân thường có thể chịu đựng được bệnh sốt xuất huyết.. Ảnh: H.Cát

Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây ra và truyền cho người qua muỗi vằn Aedes aegypti.

Diễn tiến tình hình bệnh sốt xuất huyết trong những năm gần đây rất phức tạp, biểu hiện đa dạng, trẻ có thể diễn tiến nặng vào sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu và đăc biệt là rối loạn tri giác nặng dẫn đến tử vong.

Tỉ lệ trẻ dư cân, nhũ nhi mắc bệnh ngày càng nhiều, rất khó khăn cho các bác sĩ điều trị về chọn lựa cân nặng thích hợp để truyền dịch, cũng như việc theo dõi diễn tiến bệnh ở trẻ nhũ nhi.

“Tỉnh táo” vào sốc

Theo BS. Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu – BV Nhi Đồng 1, nhiều trẻ dù đang vào sốc độ III, độ IV, nhưng vẻ mặt vẫn khá bình thường, không như những đứa trẻ bị nhiễm trùng khác, đặc biệt là ở trẻ lớn, dư cân có khả năng “chịu đựng” rất cao.

Trong khi ở trẻ nhũ nhi biểu hiện sốt xuất huyết thường kèm triệu chứng ho, sổ mũi hay tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, làm phụ huynh dễ chủ quan với bệnh cảm mạo hay rối loạn tiêu hoá thông thường. Do đó, nhiều bậc phụ huynh thường chủ quan.

sxh.jpg
Một ca điều trị sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: H.Cát)
Tuần trước, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1, vừa nhận 1 trường hợp em H. H. S. 11 tuổi, ngụ tại quận 8, nhập viện trong tình trạng sốc sâu, nặng.

Người nhà cho biết, em sốt cao 4 ngày liên tục. Đến ngày thứ 5, em bớt sốt, kêu đau bụng, ói 1 lần, em vẫn nằm chơi và xem tivi bình thường. Đến trưa em đau bụng nhiều, ói thêm 2 lần ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh ngắt, kêu mệt, được người nhà đưa đến nhập viện Nhi Đồng 1.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bứt rứt môi tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tay chân lạnh, tím. Em được chẩn đoán sốt xuất huyết độ IV ngày 5. Em bi sốc kéo dài, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều gây suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa.

Các bác sĩ đã phải truyền dịch chống sốc, truyền thuốc vận mạch, hỗ trợ hô hấp, truyền máu, huyết tương đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc, chọc hút dịch màng phổi, màng bụng…

Chỉ sợ đến quá trễ

Trong tuần qua, từ ngày 12 – 17/5, Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận đến 4 trường hợp sốt xuất huyết đều là độ IV, trong đó có hai trường hợp ngụ ở TP.HCM với biểu hiện khi vào cấp cứu tay chân tím lạnh, mạch không bắt được và huyết áp không đo được.

Đây là các trường hợp sốc sâu, dễ đưa đến biến chứng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, toan chuyển hóa,... Rất may là các cháu đã được cứu sống.

Vì thế các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu gợi ý bệnh sốt xuất huyết nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Đó là khi trẻ sốt cao trên 2 ngày và có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau:

• Bứt rứt, quấy khóc, trăn trở hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng

• Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen

• Đau bụng, ói

• Tay chân lạnh

• Lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống

“Hiện nay, bệnh viện đã được trang bị nhiều phương tiên hiện đại, điều trị hiệu quả sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng. Chỉ sợ các bậc cha mẹ đưa trẻ đến quá trễ,” BS. Minh Tiến nói.

Chính xác từ lượng dịch truyền...

Lần đầu tiên, Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 áp dụng phương pháp lọc máu liên tục để cứu sống trẻ bị sốc tổn thương đa cơ quan do sốt xuất huyết. Ảnh: Minh Tiến

Lần đầu tiên, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 áp dụng phương pháp lọc máu liên tục để cứu sống trẻ bị sốc tổn thương đa cơ quan do sốt xuất huyết. Ảnh: Minh Tiến
Theo BS. Tiến, trên lâm sàng, khoảng 1/3 số bệnh nhân sốt xuất huyết có khuynh hướng vào sốc giảm thể tích, do thất thoát huyết tương kèm rối loạn đông máu.

Phần lớn các trường hợp sốc sốt xuất huyết đều cải thiện sau khi điều trị theo phác đồ của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO). Tuy nhiên, khoảng 5 -10% trường hợp sốc vẫn không cải thiện sau nhiều giờ điều trị, với biểu hiện sốc kéo dài, tổn thương nhiều cơ quan như suy hô hấp, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa,...

Các trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng hiện nay được đo và theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương để đánh giá thể tích tuần hoàn xem thiếu, đủ hay dư dịch, giúp các bác sĩ điều trị điều chỉnh tốc độ dịch truyền chống sốc thích hợp.

Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được đo và theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, giúp đánh giá “trực tiếp” huyết áp động mạch một cách chính xác, qua đó bác sĩ điều trị có thể điều chỉnh lượng dịch truyền hay thuốc vận mạch nhanh chóng, kịp thời.

Đến lọc máu liên tục

Đối với các trường hợp sốc sốt xuất huyết suy hô hấp do tổn thương phổi được áp dụng biện pháp hỗ trợ thở không xâm lấn - thở áp lực dương liên tục CPAP (Continuous Positive Airway Pressure). CPAP thành công với tỷ lệ tới 80-90% và hiện nay đã áp dụng rộng rãi cho các tỉnh phía Nam.

Những trường hợp tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều, gây chèn ép khó thở, không đáp ứng với thở CPAP, bác sĩ phải chọc hút dịch giải áp. Chỉ định này rất chặt chẽ, đặc biệt ứng dụng đo áp lực bàng quang để đánh giá áp lực ổ bụng một cách khách quan, chính xác và kỹ thuật thực hiện phải hết sức thành thạo để tránh biến chứng chảy máu gây tràn máu màng phổi và màng bụng.

“Còn các trường hợp sốc sốt xuất huyết biến chứng tổn thương suy đa cơ quan, lần đầu tiên, BV Nhi Đồng 1 đã áp dụng biện pháp lọc máu liên tục. Bước đầu, phương pháp này cho kết quả đáng khích lệ, cứu sống nhiều trường hợp tưởng chừng không thể cứu được,” BS. Tiến cho biết.

  • Hương Cát  
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,