- Tại cuộc họp báo chiều 28/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản đã đưa ra kết luận, để xảy ra tình trạng buôn lậu than nhức nhối ở Quảng Ninh thời gian qua, Cục Hải quan đã phạm những lỗi: làm thủ tục xuất khẩu than không đúng quy định, than không chứng minh được nguồn gốc; Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Quảng Ninh không kiểm soát nổi nạn buôn lậu, gây thất thoát...
"Vàng đen" vẫn chảy ồ ạt qua biên, nhưng theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, than lậu gây thất thoát bao nhiêu thì cơ quan này "không có điều kiện làm rõ, vì đây là vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra theo chương trình định trước tại Cục Hải quan Quảng Ninh".
Phóng viên VietNamNet đã có một hành trình dài ngày để lần tìm đường đi bí mật của than lậu và giải mã "chân dung" của những than thổ phỉ!
Bài 1: "Yết hầu" Vạn Gia và cuộc đào thoát bí ẩn
Từ Mũi Ngọc, vượt qua một khu vực biển rộng, nhưng khá nông, mới ra tới Vạn Gia (Móng Cái, Quảng Ninh). Nơi đây đột nhiên nổi tiếng khi cuộc chiến chống than lậu ở Quảng Ninh bắt đầu.
"Yết hầu" Vạn Gia
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Vạn Gia trong buổi làm việc với VietNamNet ngày 16/5/2008 phủ nhận việc có 180 tàu than được đánh tháo.
Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Vạn Gia, ông Nguyễn Tiến Hùng tỏ ra ngỡ ngàng khi chúng tôi đề cập đến cuộc đào thoát ngoạn mục của khoảng 180 tàu chở than rạng sáng ngày 20/3/2008, tại khu vực cửa khẩu Vạn Gia.
Liên tục khẳng định "không có chuyện đó", ông Hùng cũng đồng quan điểm với ông Hoàng Tú Hoàn (Chánh Văn phòng Cục Hải quan Quảng Ninh), bà Lê Thị Hồng (Trưởng phòng nghiệp vụ), ông Nguyễn Cảnh Thắng (Đội phó đội kiểm soát số 2 Cục Hải quan Quảng Ninh) phủ nhận việc có gần 200 con tàu chở than "đồng loạt" ra khơi đêm và rạng sáng ngày 20/3 tại khu vực cửa khẩu này.
Báo Lao Động dẫn chứng, rạng sáng 20/3 tại khu vực cửa khẩu Vạn Gia có khoảng 180 tàu than lậu đã được "đánh tháo". Cụ thể "lúc 01h10 phút ngày 20/3, hàng trăm con tàu chở than lậu đồng loạt nổ máy rồi bất ngờ tăng tốc lao về phía cửa khẩu. Vậy mà lực lượng Biên phòng và Hải quan đang làm nhiệm vụ ở đây vẫn "nằm im". Khi kiểm đếm lại thì đã có khoảng 180 con tàu mang theo khoảng 140.000 tấn than chạy thoát".
Cũng vẫn báo này cho hay "Tại cuộc họp UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 25/3, chủ tịch UBND tỉnh - ông Vũ Nguyên Nhiệm chỉ "nghiêm khắc phê bình Hải quan và Biên phòng Quảng Ninh vì buông lỏng quản lý than xuất khẩu qua cảng Vạn Gia và yêu cầu hai ngành sớm chấn chỉnh khắc phục, xử lý những cán bộ chiến sĩ vi phạm".
Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có một câu trả lời thoả đáng từ phía các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Ninh về sự thật của cuộc "đào thoát" ngoạn mục này.
Trong khi đó, tiếp xúc với chúng tôi, đại diện phía Cục Hải quan Quảng Ninh lẫn Chi cục Hải quan cửa khẩu Vạn Gia vẫn liên tục phủ nhận thông tin về việc có 180 tàu trong đêm 19 - rạng sáng 20/3 đồng loạt ra khơi và mở hết tốc lực hướng về bờ biển Trung Quốc mang theo 140.000 tấn than.
Hai cán bộ đại diện Cục Hải quan Quảng Ninh: bà Lê Thị Hồng và ông Nguyễn Cảnh Thắng cho hay tại Vạn Gia không thể cùng lúc có hàng trăm con tàu cùng "tháo chạy" như vậy vì luồng nước quá hẹp, trong buổi làm việc với VietNamNet ngày 9/5/2008.
Theo giải thích từ phía bà Hồng (Cục Hải quan Quảng Ninh), tại khu vực cảng biển Vạn Gia không thể đủ sức chứa cùng lúc hàng trăm con tàu như vậy (?). Hơn nữa, luồng nước ở đây chỉ rộng chừng 30m, không thể đủ cho hàng trăm con tàu cùng lúc chen nhau ra khơi (?).
Khi cuộc "đào thoát" này còn chìm trong những câu hỏi chưa được trả lời, thì từ 25-28/3/2008, Tỉnh uỷ Quảng Ninh mở rộng chiến dịch truy quét than lậu, than không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong vòng 3 ngày, Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Ninh thu gom được 104 tàu trên địa bàn đưa về neo đậu tập trung tại vịnh Hạ Long, triển khai điều tra, truy tìm nguồn gốc than của các tàu nói trên.
Đến thời điểm này, đã có 14 cá nhân trong 6 vụ án bị khởi tố, trong đó có 3 trường hợp bỏ trốn. Ngày 25/5, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng đã ký quyết định thành lập Ban Chuyên án và Ban chỉ đạo chống thân lậu trên địa bàn tỉnh.
Liệu cú đòn mạnh tay có chấm dứt được tình trạng khai thác, buôn bán than lậu, than không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh này?
Than lậu có tự mọc chân?
Trong số 104 tàu bị tạm giữ từ ngày 28/3, đến nay con số chỉ còn lại 98 tàu. Giải thích về số lượng tàu "hụt" này, thượng tá Nguyễn Trịnh Đông (Chánh văn phòng Công an Quảng Ninh) cho hay, đó là số tàu có giấy tờ, đủ thủ tục nên đã được giải phóng ngay sau khi tạm giữ.
Thượng tá Nguyễn Trịnh Đông, người phát ngôn của Công an tỉnh Quảng Ninh cho hay con số 10 triệu tấn than xuất lậu năm 2007 mà phía tỉnh Quảng Ninh đưa ra là ước tính dựa trên con số 1.300 tỷ tiền hoàn thuế GTGT do Cục Thuế Quảng Ninh cung cấp.
10 triệu tấn than xuất lậu, tương đương 4.500 tỷ đồng tiền thuế bị thất thoát trong năm 2007, là con số mà tỉnh Quảng Ninh đưa ra ngay sau khi đợt cao điểm thực hiện xử lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn kết thúc.
Phía Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) tỏ ra sửng sốt khi ông Đoàn Văn Kiển (Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV) cho rằng "không thể có số lượng than lậu nhiều đến thế". Phía Hải quan Quảng Ninh cũng tỏ ra bất ngờ khi ông Nguyễn Cảnh Thắng cho rằng "khả năng có số lượng xuất lậu nhưng con số 10 triệu tấn thì không có cơ sở, không rõ nguồn số liệu này từ đâu".
Tuy nhiên, thông tin từ phía người phát ngôn của Công an tỉnh Quảng Ninh, thượng tá Đông cho hay: "Căn cứ nói xuất hàng triệu tấn than qua đường tiểu ngạch ấy là căn cứ vào thông báo ngành thuế. Năm 2007 thì theo ngành thuế báo cáo đã hoàn thuế GTGT 1.300 tỷ, tương đương với 10 triệu tấn than. Đó là căn cứ để người ta đặt ra vấn đề, tất nhiên là qua nhiều thông tin khác nữa".
Tạm tin con số 10 triệu tấn than xuất lậu là có thật, thì vấn đề là than lậu đã đi qua đường nào để qua bên kia biên giới?
Hiện công an Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra về việc "bẻ ghi" của các tàu chở than nội địa trước khi qua biên. Cụ thể, là ngoài 4 hộ tiêu dùng lớn (điện, ximăng, giấy, phân bón), thì các hộ khác (gạch ốp lát, làm than tổ ong, sấy nông sản, thực phẩm từ Nam ra Bắc...) có hay không việc sử dụng không hết nguồn than mua nên "bẻ ghi" bán lại. Thứ 2, có hiện tượng các doanh nghiệp trên địa bàn bán than đi trong nước, rồi "bẻ ghi" qua biên giới hay không?
Theo giải thích từ phía Hải quan Quảng Ninh, việc kiểm soát than lậu trên địa bàn có một hệ thống khá phức tạp, vòng trong vòng ngoài, từ công an địa phương, chính quyền cơ sở (trên bờ) cho tới lực lượng CSGT đường thuỷ, các đội chống buôn lậu của Hải quan, Biên phòng, cảnh sát biển.... tưởng một con kiến cũng không qua lọt được. Vậy, than muốn "bẻ ghi" qua biên thì đi theo đường nào?
Tàu cập cảng, lên than tại khu vực cảng 10/10 (Cẩm Phả, Quảng Ninh)
Giới làm than, cai than, vận chuyển than có máu mặt ở Quảng Ninh không ngại ngần khẳng định: Qua Vạn Gia. Chỉ có 2 đường đưa than đi: Hoặc qua Vạn Gia, hoặc vòng ra ngoài đi bằng tàu vận tải biển cỡ lớn.
Công an tỉnh Quảng Ninh cũng xác nhận: "Con đường than xuất tiểu ngạch qua TQ thì cơ bản là đi qua cửa khẩu Vạn Gia, thế nhưng có những con tàu lớn thì phải đi đường bên ngoài. Phương tiện lớn hơn một chút đi ra vòng ngoài thì chúng ta đang còn khó khăn trong vấn đề quản lý và kiểm tra, còn đi qua cửa khẩu Vạn Gia thì Biên phòng, Hải quan, Cảng vụ người ta nắm được cả".
Giới kinh doanh vận tải biển ở Quảng Ninh không lạ gì một phép tính nhẩm: Nếu vận tải than bằng tàu biển cỡ lớn, chi phí cho con người, dầu máy, tiền thuê tàu, tất tần tật các loại chi phí thì chỉ có nước... chở cho có việc làm, và phải thuê được tàu neo không có hàng. Cách còn lại là vận tải bằng tàu sông cấp 1, mỗi chuyến mới có lãi vài chục triệu đồng.
Cụ thể, theo quy định vận tải biển, chỉ có tàu sông cấp 1 (cỡ trên dưới 1.000 tấn) mới đủ khả năng đi ven bờ. Than đổ xuống giả dụ có giá chừng 300.000 đồng/tấn, vận chuyển trót lọt qua Long Thành, Bạch Long (Quảng Tây - Trung Quốc) bán được với giá 450.000-550.000 đồng/tấn, mỗi chuyến chở 1.000 tấn, trừ chi phí từ A đến Z thì chỉ còn lãi chừng 22-25 triệu đồng.
Và với tàu sông cấp 1 dùng vận chuyển ven bờ như vậy, chỉ có duy nhất một cái cửa biển "yết hầu" buộc phải đi qua: Vạn Gia, bởi ra biển thì không thể chịu được sóng.
Rốt cuộc, thì mọi ẩn số cũng đang dần vỡ lỡ khi công an Quảng Ninh ra quyết định khởi tố bà Vũ Thị Túc (trú tại Yên Hưng, Quảng Ninh, em gái ông Vũ Trọng Tiệp, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) vì hành vi "bảo kê" cho buôn lậu than.
Cụ thể, theo nội dung đơn "kiến nghị làm rõ" và thông tin do ông Quách Bá Toàn (Giám đốc Công ty CP thương mại và dịch vụ vận tải Toàn Phát, đóng tại TX Cẩm Phả, Quảng Ninh) cung cấp, thì bà Túc đã có hành vi buôn bán hoá đơn GTGT từ một công ty ở Hà Nội, qua một người quen tên Trung, sau đó "bảo kê" luôn cho các chuyến tàu chở than qua "ngõ" Vạn Gia, với giá từ 20-40 triệu đồng/tàu.
Chưa hết, trong số 98 tàu chở than bị tạm giữ trong đợt cao điểm vừa qua, có 15 tàu chở than dù được bà Túc "bảo kê", nhưng sau khi bị tạm giữ thì mới phát hiện là hoá đơn xuất bán than là từ... Hà Nội.
Chánh văn phòng Công an tỉnh Quảng Ninh, thượng tá Nguyễn Trịnh Đông cũng xác nhận với báo VietNamNet: "Trong số 104 tàu bị tạm giữ ban đầu, có 2 tàu chở than liên quan đến Biên phòng Quảng Ninh, hiện đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh Biên phòng và phía Viện Kiểm sát Quân sự giải quyết".
Được biết, 2 con tàu này (số hiệu QN 5618 và NĐ 1239) do ông Phạm Tiệp (Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Ninh) ký lệnh cho hoạt động, khi bị tạm giữ đang chở 1.889 tấn than cám, hoá đơn ghi "Mua than để chuyển ra đảo Vĩnh Thực (Móng Cái - Quảng Ninh - NV) bán cho nhân dân sử dụng" (?).
"Yết hầu" Vạn Gia, hoàn toàn có thể, đã được nới rộng bằng những phương cách như vậy?
-
Trường Minh - Quang Cường
Kỳ 2: Có hay không "thổ phỉ" ở giữa lòng ngành than?
Ý kiến độc giả