221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1070026
UBND tỉnh Quảng Ninh đứng đâu trong vấn nạn than lậu?
1
Article
null
"Vàng đen" vẫn chảy qua biên-Kỳ 4:
UBND tỉnh Quảng Ninh đứng đâu trong vấn nạn than lậu?
,

 - Có những dấu hiệu bất thường trong việc tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản cho những doanh nghiệp với số lượng quá lớn

Hậu quả của cấp phép ồ ạt?

Số liệu từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho thấy, năm 2008, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao cho 9 đơn vị trực thuộc được phép xuất khẩu 3 triệu tấn than qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc (văn bản số 294 ngày 15/1/2008), và các đơn vị này đều thuê các phương tiện từ tỉnh ngoài để vận chuyển.

Tàu chở than bị tạm giữ do nghi chở than lậu neo đậu tại vịnh Hạ Long đã hơn 1 tháng nay.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh này cũng "mạnh dạn" cấp giấy phép cho các doanh nghiệp ngoài ngành than được phép chế biến, kinh doanh than (theo luật doanh nghiệp) với con số trên 100 doanh nghiệp có những chức năng này. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này.

Chưa hết, công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã lên danh sách 9 doanh nghiệp bên ngoài thuộc tỉnh quản lý được Bộ Công thương và UBND tỉnh xét cấp cho phép được tiêu thụ than đi Trung Quốc.

Một "rừng" doanh nghiệp ra đời gắn với hòn than, cộng với khu vực biển rộng, đường biển dài đã khiến công an Quảng Ninh không ngại ngần khi khẳng định "công tác kiểm soát tuyến biển để ngăn chặn tình hình phương tiẹn vận chuyển than trái phép đi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn và bất cập".

Chưa kể, có những dấu hiệu "bảo kê" như đã có đơn tố cáo mà chúng tôi đã đề cập trong bài đầu tiên của loạt bài này.

Tàu vào cập cảng "ăn" than tại khu vực cảng 10/10, địa bàn thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) ngày 15/5/2008.

Ngoài ra, theo kiến nghị của công an Quảng Ninh, sau khi Bộ Công thương ra các thông tư 04, 05, từ ngày 22/10/2007 - theo đó, than không phải là mặt hàng cấm, chỉ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên việc quản lý xuất khẩu than tiểu ngạch không nằm trong hạng mục mặt hàng phải quản lý chặt chẽ, đã khiến cho việc quản lý than đã khó lại càng khó.

Một trong nhiều giải pháp Công an Quảng Ninh đề xuất là "quản lý xuất khẩu than tiểu ngạch phải theo hạn ngạch", và "khu vực ngoài ranh giới mỏ nên giao cho địa phương quản lý, khai thác, tiêu thụ than".

Người phát ngôn của Công an tỉnh Quảng Ninh, thượng tá Nguyễn Trịnh Đông giải thích với VietNamNet rằng, việc đề xuất "khu vực ngoài ranh giới mỏ nên giao cho địa phương quản lý, khai thác, tiêu thụ than" chỉ nhằm mục đích "để sau này ngoài ranh giới mỏ thì chính quyền chịu trách nhiệm, trong ranh giới mỏ thì mỏ chịu trách nhiệm, không đổ lẫn , đổ lộn cho ai cả".

Trước câu hỏi "Nếu Chính phủ đồng ý giao bớt các mỏ than không nằm trong ranh giới mỏ của ngành than cho tỉnh Quảng Ninh chủ động trong việc cấp phép và quản lý thì ông có nghĩ rằng điều đó tạo ra một phong trào đào bới rầm rộ ở QN để kiếm tìm than?", ông Đông cho rằng:

"Câu hỏi này nằm ngoài phạm vi chức năng trả lời của chúng tôi, nhưng nằm trong dự báo của cơ quan an ninh, cơ quan CA về tình hình phát triển KTXH. Theo tôi, mọi hoạt động khai khoáng, hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước muốn thực hiện phải có đủ những điều kiện nhất định, dù là trong hay ngoài ngành than. Tức là phải có 1 quy định rõ ràng, cụ thể. Việc Chính phủ có giao cho tỉnh hay không thì phải cân nhắc xem xét, trên cơ sở đó phải trao đổi thống nhất với TKV.

Giả sử ngành than không đảm nhận phần nào đó mà giao lại cho địa phương thì cơ quan, doanh nghiệp tham gia khai thác phải tuân thủ tất cả những quy định về khai thác mỏ, chứ không thể tạo ra một phong trào người người làm than, nhà nhà làm than".

Tuy nhiên, với những thông tin chúng tôi thu thập được, thì nếu việc phân chia này xảy ra, rất có thể lại phá vỡ một thế độc quyền này để hình thành một thế độc quyền khác.

Những ưu ái khó hiểu của Quảng Ninh?

Báo Nhân Dân trong bài viết "Kiên quyết lập lại trật tự bền vững trong khai thác, tiêu thụ than ở Quảng Ninh" khẳng định: "UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhiều lần bút phê vào các công văn cho phép tận thu tài nguyên còn lẫn trong đất đá, mở đường cho các đơn vị tư nhân tận thu và xuất khẩu than".

Thêm một hình ảnh những người làm ra than thổ phỉ. Họ kiếm đâu ra giấy tờ từ những nguồn than như thế này, nếu hút được than lên?

Cụ thể, tại công văn số 1131 (đề ngày 24/3/2008) gửi Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "UBND tỉnh đã có Thông báo số 36/TB-UBND ngày 16/3/2006 về việc không cấp phép cho bất cứ tổ chức và cá nhân nào được tổ chức hoạt động khai thác và tận thu than. Việc cấp giấy phép chế biến than thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (khoản a mục 1 điều 56 Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005)".

Tuy nhiên, chỉ sau đó bốn ngày (đến ngày 28/3/2008, ngày cao điểm truy bắt các tàu nghi ngờ chở than lậu trên địa bàn - NV), UBND tỉnh Quảng Ninh lại cấp giấy phép chế biến khoáng sản số 907/GP-UBND cho Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO (INDEVCO - tiền thân là Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp Quảng Ninh). Theo giấy phép này, INDEVCO được phép gia công, chế biến than mỏ tận thu với số lượng lên đến 15 triệu tấn trong 10 năm.

Lần ngược trở lại quy trình cấp phép này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những dấu hiệu khó hiểu trong quá trình cấp phép.

Từ ngày 17/5/ 2004, tại quyết định số 1558/QĐ-UB, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty cổ phần phát triển công nghiệp (tiền thân của INDEVCO) bốc xúc, vận chuyển đất đá trong phạm vi 98.848m2 tại đồi 908 (còn gọi là đồi Cháy) thuộc phường Cẩm Tây (thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) nhằm mục đích xử lý cháy ngầm.

Công ty này có quyền sử dụng đất đá và các nguyên phế liệu khác để phục vụ cho dự án san lấp mặt bằng. Ngoài ra, công ty này cũng được tận thu tài nguyên (than) trong đất đá bốc xúc tại đồi này (nếu có).

Giữa tháng 5/2008, khi có mặt tại đỉnh Đồi Cháy, đã thấy công tác bốc xúc hoàn thành. Trên đỉnh đồi Cháy, cây bắt đầu được trồng để tái tạo màu xanh.

Đỉnh đồi 908, còn gọi là đồi Cháy, nơi INDEVCO báo cáo đã tận thu được hơn 7 triệu tấn than sau khi xử lý cháy ngầm ở khu vực này. Ảnh chụp tháng 5/2008.

Sau 2 năm bốc xúc, "xử lý cháy ngầm", tận thu tài nguyên, đến ngày 29/2/2008, INDEVCO chính thức gửi công văn 210/INDEVCO cho Cục thuế tỉnh Quảng Ninh xin xác nhận đã nộp ngân sách thuế tài nguyên và thuế môi trường than tận thu từ đồi 908 với số lượng than tận thu lên tới hơn.... 7,5 triệu tấn (?), với mức phí môi trường áp dụng cho than bùn là 2.000 đồng/ tấn.

Những người am hiểu về than ở Quảng Ninh đều bất ngờ trước năng lực tận thu "siêu đẳng" này? Bởi, để có thể chứa được lượng than nói trên, INDEVCO cần tới một bãi chứa than khổng lồ. Ngoài ra, đứng từ đỉnh đồi 908 đã được dọn quang đãng hôm nay nhìn sang mỏ than của TKV phía bên, đang thấy rõ họ phải mở rộng bờ moong để tạo độ sâu khai thác. Theo tính toán độ xiết của vỉa than, thì từ đồi 908 phải đào sâu chừng vài chục thước nữa may ra mới đụng tới được vỉa than của TKV?

Chấp nhận con số khai báo nạp thuế là hơn 7,5 triệu tấn than tận thu của INDEVCO, Hải quan Quảng Ninh "tuân lệnh" cho INDEVCO xuất than mà không cần giấy phép khai thác khoáng sản. Khi phát hiện ra sự "dễ dãi" này không đúng mẫu giấy phép theo quy định, ngày 26/3/2008, Cục Hải quan Quảng Ninh tiếp tục gửi công văn "hỏi" UBND tỉnh Quảng Ninh.

Chỉ 2 ngày sau, (đến ngày 28/3/2008), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Quang Hưng đã ký vào giấy phép chế biến khoáng sản cấp cho INDEVCO được gia công chế biến than mỏ tận thu từ 2 nguồn: tại đồi 908 theo số liệu được Cục thuế Hải quan xác nhận ngày 14/3/2008 (hơn 7,5 triệu tấn) và từ nguồn bã xít có than và các loại than phụ phẩm bãi thải của TKV, các nguồn than hợp pháp khác với sản lượng chế biến tới 15 triệu tấn trong vòng 10 năm.

Một hình ảnh khác về "thổ phỉ" than. Bao giờ họ thu gom đủ số lượng than cho một con tàu ra khơi? Và họ chứng minh nguồn gốc than hợp pháp mà họ thu gom được bằng cách nào?


Không chỉ vậy, Bộ Công thương từ 14/12/2007 đã đồng ý cho INDEVCO có quyền xuất khẩu than cục chất lượng thấp (trị số toả nhiệt toàn phần khô Q<7.000 cal/g) tận thu từ nguồn thứ 2 nêu trên. Cụ thể, tại hợp đồng nguyên tắc số 30/HĐ-TVN-CNQN đề ngày 11/5/2005 ký giữa INDEVCO và TKV, tập đoàn INDEVCO có mua bã xít có than và các loại than phụ phẩm bãi thải từ các đơn vị thành viên của TKV.

Theo những thông tin tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, số lượng bã xít thải có than theo hợp đồng INDEVCO ký với TKV là hơn 7 triệu tấn. Theo phân tích của những người hiểu về than, trọng lượng xít thải hàm lượng than chỉ chiếm từ 10% - 12%. Như vậy, với con số hơn 7 triệu tấn bã xít thải theo hợp đồng, INDEVCO giỏi tận thu cũng chỉ có thể cho ra chừng... 800.000 tấn than!

Những câu hỏi chưa có trả lời

Như vậy, từ 2 nguồn than tận thu nêu trên cộng lại, cũng không thể có nổi con số 15 triệu tấn than tận thu mà INDEVCO đăng ký. Không hiểu, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu thấu đáo đến đâu trước khi mạnh tay ký một giấy phép tận thu cấp cho một công ty với số lượng lớn như vậy?

Bã xít thải tại khai trường mỏ Cao Sơn, nơi INDEVCO có hợp đồng thu mua. Theo tính toán, hàm lượng than có trong bã xít chỉ 10-12%.

Trong khi đó, đại diện một công ty cũng tham gia khai thác, chế biến than tận thu trên địa bàn Cẩm Phả cũng không khỏi ngạc nhiên khi cho hay: "Chúng tôi muốn nạp thuế tài nguyên than tận thu cũng không được. Ngành Thuế không cho nạp vì tỉnh đã cấm từ năm 2006".

Trong một đơn kiến nghị đóng dấu đỏ của một công ty than ở Quảng Ninh gửi tới VietNamNet, Giám đốc doanh nghiệp này bộc lộ nghi ngờ: "trong chiến dịch truy quét than lậu của tỉnh, khi tất cả các doanh nghiệp tư nhân và các hộ dân đều ngừng hoạt động thì INDEVCO vẫn mua khoảng 7 vạn tấn than không có nguồn gốc tại khu vực cảng Khe Dây, 5 vạn tấn tại khu vực cảng 10/10 với giá rẻ. Cùng lúc đó, INDEVCO cũng gấp rút tẩu tán số lượng than lớn này" (?).

Chúng tôi chưa bình luận về những thông tin trong đơn kiến nghị nêu trên, bởi đang trong quá trình xác minh. Tuy nhiên, những thông số rõ ràng về số lượng than đã được tỉnh Quảng Ninh cấp phép cho INDEVCO có dấu hiệu rất bất thường khi xem xét nguồn gốc than theo các hợp đồng, giấy phép có được.

Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ - TKV cũng phải thuê mặt bằng tại cảng Khe Dây của INDEVCO để làm kho than và chế biến? Ảnh chụp tháng 5/2008.

Theo tài liệu VietNamNet có được trong quá trình điều tra sự việc, chỉ tính riêng từ ngày 28/3/2008 đến ngày 16/5/2008, chỉ có 4 công ty có thể xuất khẩu than qua cửa khẩu Vạn Gia. Trong số đó, chỉ riêng Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO đã xuất khẩu (gồm than cám tận thu, than cám xít tận thu, than cám xít và than cục tận thu) với khối lượng lên tới hơn 300 ngàn tấn.

Trong khi đó, tổng khối lượng than xuất khẩu của công ty này cả năm 2007 qua 2 cửa khẩu Vạn Gia và Cái Lân chỉ là hơn 1,1 triệu tấn.

Tiếc rằng, mặc dù đã rất nỗ lực để có thể tìm kiếm câu trả lời chính thức từ UBND tỉnh Quảng Ninh trước những vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, sau khi phóng viên trình bày cả giấy giới thiệu lẫn thẻ nhà báo, ông Lê Quý Hiệp (Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh) vẫn kiên quyết từ chối với lý do "Cần có công văn đóng dấu đỏ thì chúng tôi mới làm việc" (?)

Một người trong giới kinh doanh than bình luận: "Chỉ cần sau đợt này, chỉ còn TKV và INDEVCO may ra còn có quota xuất khẩu. Tất cả các doanh nghiệp còn lại chắc thành than thổ phỉ hết?!".

  • Trường Minh - Quang Cường

(Còn tiếp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;