221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1075970
Mùa mưa, ĐBSCL lại đối mặt với sốt xuất huyết
1
Article
null
Mùa mưa, ĐBSCL lại đối mặt với sốt xuất huyết
,

 - Từ đầu năm đến nay, tại Cà Mau đã có gần 700 ca nhiễm và nghi nhiễm sốt xuất huyết (SXH), tăng 170% so cùng kỳ năm trước. Các tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An, Bến Tre… cũng đang vào dịch. Thế nhưng ở nhiều nơi, ý thức phòng bệnh chưa được cải thiện...

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa đậm ở ĐBSCL cũng là mùa chính quyền và người dân phải đối đầu với muỗi và dịch SXH bùng phát. Năm nay, ở thời điểm tháng 6, nhiều tỉnh đã vào vụ dịch SXH như Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An, Bến Tre… tuy mới bắt đầu nhưng nguy cơ càng đẩy lên cao khi ý thức phòng bệnh của người dân lẫn chính quyền ở nhiều nơi vẫn chưa được cải thiện. 

Nhiều nơi vào mùa dịch SXH

Mô tả ảnh.

Thói quen dự trữ nước của người dân là cơ hội để muỗi sinh sôi.

Tại Cà Mau, từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã ghi nhận gần 700 ca nhiễm và nghi nhiễm SXH, tăng trên 170% so với cùng kỳ năm trước. Hiện dịch bệnh đang lan nhanh tại huyện Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi… với số lượng khoảng 70-80 ca nhập viện/tuần. 

Riêng tại Bạc Liêu, Bác sĩ Nguyễn Minh Tùng – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bạc Liêu – nói: số bệnh nhân nhiễm SXH đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, trung bình có từ 7-10 ca nhập viện trong tuần.

Còn ở Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện 1.375 ca nhiễm và nghi nhiễm SXH và đã có một bệnh nhi tử vong do SXH. Dịch SXH đang bùng phát nhiều nhất ở các huyện như Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Long Phú và TP Sóc Trăng. Mỗi tuần có trên 100 bệnh nhân SXH nhập viện, trong đó Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận bệnh nhân SXH điều trị nội trú khoảng 15 ca/ngày, phần lớn là trẻ em.

Tại một địa phương có dịch SXH bùng phát mạnh vào năm ngoái như tỉnh Đồng Tháp, năm nay đầu mùa mưa là cán bộ y tế dự phòng bắt đầu lo lắng. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 338 trường hợp bệnh sốt xuất huyết. Tuy có tăng vào đầu mùa mưa, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì bệnh giảm, do có sự chủ động đề phòng từ đầu năm của ngành Y tế.

Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, số lượng bệnh nhi mắc SXH vào bệnh viện đã bắt đầu tăng trong một vài tuần gần đây, tuy nhiên so với năm trước thì không đáng kể, mỗi tuần có trên 10 ca xác định là SXH nhập viện. Do vậy, đến nay 40 giường bệnh của khoa SXH ở đây hiện nay có thể san sẻ cho nhiều bệnh nhi mắc các bệnh khác nằm điều trị. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nói, tình hình sắp tới có khả năng bệnh SXH sẽ tăng cao do mưa nhiều, môi trường ô nhiễm phát sinh muỗi, sự chủ quan của người dân… 

 Dân vẫn chủ quan... 

Mô tả ảnh.

Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi tại nơi có ca bệnh SXH ở huyện Thốt Nốt (Cần Thơ).

Nhằm ngăn chặn dịch SXH bùng phát, nhiều tỉnh, TP đã đưa hẳn phòng chống SXH vào một trong những tiêu chí xét thi đua của địa phương. Các chiến dịch diệt loăng quăng, phòng chống SXH dựa vào cộng đồng cũng được ngành y tế các nơi tổ chức rầm rộ với khẩu hiệu “không có loăng quăng, không có bệnh SXH” treo khắp nơi. Nhưng theo thống kê có tới 90% người dân ĐBSCL có biết về bệnh SXH nhưng không thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng như vệ sinh môi trường, loại bỏ vật dụng chứa nước có loăng quăng, nuôi thả cá diệt loăng quăng....

Theo Bộ Y tế, dịch SXH gia tăng, ngoài nguyên nhân về thời tiết, còn có nguyên nhân quan trọng xuất phát từ sự thờ ơ với dịch SXH của chính quyền địa phương phường, xã, ấp, nhiều nơi các hội, đoàn thể vẫn đứng ngoài cuộc hoặc chỉ làm qua quýt công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, muỗi... Hậu quả là sau chiến dịch, loăng quăng và muỗi vẫn sinh sôi và bệnh vẫn gia tăng.

Chị Lê Thị Thu Ba, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, có con đang điều trị SXH tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ bộc bạch: “Mới đầu thấy nó sốt, mình nghĩ cũng bình thường như trước, rồi cho uống thuốc ban nóng thường thôi, thấy bớt rồi thôi, tui cũng lu bu đồng áng không theo dõi, ai ngờ đâu mấy ngày sau nó bệnh nặng...". Chị Ba nói ở quê chị muỗi nhiều lắm, nhiều lúc tụi nhỏ chơi không ai coi chừng, muỗi cắn đầy mình. Còn có mấy cái lu chứa nước mưa đầy loăng quăng, nghe nói sẽ nở thành muỗi nhưng để uống nên không đổ đi được. Chị và cả nhà không ngờ chính những việc nhỏ nhặt đó đã khiến con, cháu mình bị SXH

Năm nay, rút kinh nghiệm phòng dịch từ đợt cao điểm SXH năm 2007, nhiều địa phương đã ra quân phòng dịch sớm ngay từ đầu năm, kiên trì theo đuổi việc thuyết phục người dân diệt loăng quăng, muỗi bằng biện pháp dân gian. Kinh nghiệm của Cần Thơ trong phòng chống SXH là khá hiệu quả, năm nào cũng khống chế không để SXH bùng phát thành dịch lớn, đặc biệt thời điểm này SXH tại Cần Thơ vẫn không tăng. 
 

Mô tả ảnh.
Bác sĩ đang khám cho một ca SXH điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Cần Thơ, tuần vừa qua có 11 ca nhập viện, tính từ đầu năm đến nay là 146 ca (trong khi đó cùng kỳ năm trước 462 ca). Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc TTYTDP nói: "Kinh nghiệm của chúng tôi là phải làm thường xuyên, liên tục phòng chống dịch trong các đợt diệt loăng quăng, muỗi dựa vào cộng đồng tại từng địa phương, ấp, khu vực. Xắn tay cùng làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” này, mà hiện nay ý thức phòng bệnh SXH của người dân và chính quyền cơ sở chuyển biến tích cực; bên cạnh đó chúng tôi kiên quyết xử lý dứt điểm từng ổ dịch nhỏ phát sinh.

Rút kinh nghiệm năm trước, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc TTYTDP Đồng Tháp cho biết, năm nay dịch SXH đã hạ nhiệt do trung tâm chủ động làm sớm hơn công tác phòng dịch. Nhiều nơi, người dân quyết liệt không chịu đổ dụng cụ chứa nước mưa có loăng quăng (vì là nguồn nước sinh hoạt đang sử dụng) hay không chịu thả cá vào vì sợ làm dơ nước... cán bộ y tế phải kiên trì thuyết phục.

Đến nay, chúng tôi vẫn duy trì việc phun hóa chất tại các điểm phát hiện có ca SXH và đã tổ chức được 2 đợt phun hóa chất trên diện rộng tại các khu vực trọng điểm xảy ra nhiều ca bệnh. Cụ thể phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở nội ô thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc, các thị trấn, khu dân cư các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, và các huyện phía Nam sông Tiền, nơi bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Dự kiến, sẽ sử dụng 512 lít hóa chất diệt muỗi cho các chiến dịch này.

Theo dự báo, bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng sắp tới, nhất là tháng 7, 8 vì mùa mưa tại ĐBSCL mới chỉ bắt đầu. Nó sẽ đáng lo ngại hơn khi người dân, chính quyền địa phương, ngành y tế lơ là trong công tác phòng bệnh.

  • Bài, ảnh: Tiểu My
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,