- Sau khi ăn cỗ tại gia đình ông Nguyễn Đức Lưu ở thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong về nhiều người đã có biểu hiện tiêu chảy cấp.
Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp. Ảnh: VNN |
Ngày 23/6, ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm (Sở Y tế Bắc Ninh) cho biết, nguyên nhân khiến những người dân này bị mắc tiêu chảy cấp và tả bắt đầu từ một bữa cỗ. Hiện những bệnh nhân bị tiêu chảy cấp và dương tính với phẩy khuẩn tả vẫn chưa được xuất viện.
Cũng theo lời ông Luyến ngày 14/6, khoảng 300 người đã đến ăn cỗ tại nhà ông Nguyễn Đức Lưu. Sau khi thưởng thức cỗ tại đây về nhiều người có biểu hiện tiêu chảy cấp. Cả xã Dũng Liệt có 79 người tiêu chảy cấp, hơn 20 người dương tính với phẩy khuẩn tả, nhiều người phải nhập viện trong tình trạng mất nước, tiêu chảy nhiều lần.
Theo kết quả xét nghiệm nước hồ thôn Chân Lạc của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Ninh, nước hồ có phẩy khuẩn tả. Ngay lập tức người dân được thông báo về việc nước hồ nhiễm phẩy khuẩn tả, không được sử dụng trong sinh hoạt. Đồng thời ngành y tế địa phương đã xử lý diệt vi khuẩn tả trong hồ này.
Rất may kết quả xét nghiệm nguồn nước sinh hoạt tại các gia đình bệnh nhân bị tiêu chảy cấp và nhiễm phẩy khuẩn tả không thấy có phẩy khuẩn tả. Song song với việc tuyên truyền người dân các biện pháp đề phòng bệnh tiêu chảy cấp, 2.800 người dân đã được cấp thuốc kháng sinh uống dự phòng.
Được biết, từ ngày 5/6 đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 17 xã phường có bệnh nhân tiêu chảy cấp với 8 xã có bệnh nhân dương tính phẩy khuẩn tả. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 49 bệnh nhân tiêu chảy và 27 bệnh nhân tả tại huyện Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong và Thuận Thành. Tổng số ca mắc tả tại Bắc Ninh từ vụ dịch đầu tiên là 91 người.
Vào đầu mùa hè, các chuyên gia y tế đã cảnh báo nếu người dân không ăn uống vệ sinh thì khả năng dịch tiêu chảy quay lại là khó tránh khỏi. Nguồn nước cũng là đường lây được các chuyên gia quan tâm.
TS Nguyễn Văn Bình, Cục phó Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), cho biết: Ngay khi dịch tiêu chảy được khống chế, Bộ Y tế vẫn đưa ra lời cảnh báo về việc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn rải rác xuất hiện ở các địa phương chứ không chấm dứt hẳn. Do đó, việc đề phòng là rất cần thiết. Biện pháp tốt nhất phòng tiêu chảy là ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống…
-
Lệ Hà