- Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc công an tỉnh Nam Định khám phá vụ làm giả hồ sơ trẻ sơ sinh cho người nước ngoài nhận làm con nuôi, qua đó phát hiện từ năm 2006 đến nay, các Trung tâm trợ giúp nhân đạo huyện Ý Yên và Trung tâm bảo trợ xã hội Trực Ninh đã đưa hơn 300 trẻ em sang nước ngoài làm con nuôi. PV VietNamNet đã về Nam Định tìm hiểu sự việc.
Tiếp xúc với VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Đạt - Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết, dù là cơ quan cấp phép cho Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện ra đời, tuy nhiên, UBND huyện lại "không chú ý" đến việc cho trẻ ra nước ngoài làm con nuôi từ trung tâm này. Trả lời phỏng vấn chiều ngày 13/7, ông Nguyễn Mạnh Đạt cho hay:
Chủ tịch huyện: "Không thấy nghi vấn!?"
Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh (TT) ra đời dựa trên nghị định 25CP. Theo đó, cơ bản đáp ứng được một số vấn đề: Đầu tiên phải có đơn; có đề án hoạt động; có quy chế; có cơ sở nuôi dưỡng và được cấp có thẩm quyền (UBND huyện Trực Ninh) phê duyệt.
- Cụ thể TT này đi vào hoạt động thời điểm nào, cơ cấu tổ chức ra sao?
Từ năm 2005, tính đến nay đã gần 4 năm. Ban đầu gồm có 3 thành viên, gồm các ông Vũ Đình Khản (giám đốc TT); ông Trương Văn Phúc (phó giám đốc) và bà Hòa (phó giám đốc). Kinh phí hoạt động là do 3 người này tự nguyện bỏ ra và huy động thêm ở các tổ chức khác. Kinh phí chủ yếu từ nguồn vốn của 3 thành viên sáng lập đóng góp và của các tổ chức, cá nhân khác, khoảng trên 2 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Đạt: "Tôi cũng không thấy nghi vấn. Nếu thấy “gợn”, tôi đã đề xuất lên cấp có thẩm quyền rồi, như bên Công an tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh".
- Theo con số ban đầu, từ năm 2006 đến nay, có khoảng 300 trẻ em từ 5 tuổi trở xuống bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh khó khăn ở 2 huyện Ý Yên và Trực Ninh được đưa sang nước ngoài làm con nuôi. Ông có biết về chuyện này?
Theo con số tôi nắm chưa hoàn toàn chính xác, tính đến nay, đã có 241 trẻ bị bỏ rơi được TT Bảo trợ xã hội Trực Ninh tiếp nhận. Trong số đó, có khoảng 215-216 cháu được đưa đi làm con nuôi ở nước ngoài.
- Hiện nay trong TT còn bao nhiêu trẻ và số người chăm sóc chúng?
Còn tổng cộng 18 cháu, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Ngoài 3 cán bộ thì còn khoảng 5-6 người được ký hợp đồng để trông, chăm nuôi trẻ. Việc ký hợp đồng này do giám đốc trung tâm tự quyết định. Ngoài ra, hiện TT vẫn có khoảng 5 bà bầu nữa...
- Dù đây là TT được thành lập bởi 3 thành viên tự nguyện, nhưng cơ quan cấp phép vẫn là UBND huyện Trực Ninh. Nếu như trong trường hợp có sai phạm ở TT (hiện cơ quan điều tra công an Nam Định chưa có kết luận cuối cùng về TT này, đang trong quá trình điều tra - PV) thì trách nhiệm của UBND huyện tới đâu?
Chúng tôi chỉ quản lý xem việc nuôi dưỡng trẻ có tốt hay không, còn việc cho đi làm con nuôi ở nước ngoài là thuộc về Sở Tư pháp, cũng như việc cho xuất nhập cảnh là do Công an tỉnh.
- Một trung tâm bảo trợ xã hội cấp huyện mà trong mấy năm đã đưa hàng trăm trẻ em sang nước ngoài làm con nuôi, đó là một dấu hiệu bất thường. UBND huyện đã bao giờ tiến hành thanh tra TT này?
Hàng năm, lực lượng thanh tra của chúng tôi thanh tra theo chuyên đề và thanh tra theo đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thanh tra theo chuyên đề thì các anh tính: 4 năm, tổng nguồn thu của TT này mới có trên 2 tỷ, cũng không nhiều nhặn gì. Còn thanh tra theo đơn thư, thì từ ngày TT thành lập đến nay, chưa thấy có đơn thư gì.
Bản thân họ cũng phải báo cáo 6 tháng/lần với các phòng lao động và tài chính của UBND huyện về các vấn đề nuôi dưỡng, tài chính. Các báo cáo này cũng bình thường, chưa bộc lộ sai phạm nào cả! Ngay cả bên công an có về huyện làm việc mấy hôm nay, cũng mới dừng ở việc xem xét. Chưa có bất cứ người nào bị khởi tố bị can như ở bên huyện Ý Yên.
- Khi TT này thành lập thì ông đã là chủ tịch huyện. Xin hỏi, thấy việc đưa đến hàng trăm trẻ ra nước ngoài liên tục trong gần 4 năm như thế, bản thân ông có thấy nghi vấn không?
Tôi cũng không thấy nghi vấn. Nếu thấy “gợn”, tôi đã đề xuất lên cấp có thẩm quyền rồi, như bên Công an tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh.
Sự bất bình thường ở TT bảo trợ xã hội
Những ngày này, cánh phóng viên rất khó tìm ông Vũ Đình Khản, Giám đốc TT Bảo trợ xã hội Trực Ninh, nơi đã đưa hàng trăm trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi.
Ngay sau khi có cuộc phỏng vấn đối với ông Nguyễn Mạnh Đạt - Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, chúng tôi đã đề nghị ông Đạt liên hệ trước với ông Vũ Đình Khản - Giám đốc TT Bảo trợ xã hội để "tiện" xuống làm việc.
Qua điện thoại của chủ tịch huyện, ông giám Khản “buộc” phải đồng ý tiếp phóng viên. Được ông Đạt hướng dẫn về đướng sá, chúng tôi đi tiếp hơn 10km từ trung tâm huyện Trực Ninh về xã Việt Hùng, nơi có Trung tâm Bảo trợ xã hội Trực Ninh.
Vừa dừng trước cánh cổng sắt khóa im ỉm, đã thoáng thấy bóng một người phụ nữ chạy vào trong, mồm kêu: “Chúng nó đến đấy!”. Xưng là phóng viên xuống làm việc, cần gặp ông giám đốc, tuy nhiên không một ai trả lời. Mãi sau, có tiếng vọng ra: “Giám đốc đi vắng!”.
Cổng TT Bảo trợ xã hội Trực Ninh đóng im ỉm và người ở bên trong thì rất cảnh giác
Bóng một vài người phụ nữ đang nhặt rau, giặt quần áo bỗng chốc biến mất khi thấy người lạ ngoài cổng sắt. Thậm chí, họ còn cẩn thận khép chặt luôn cả cửa phòng. Một vài con chó dữ tợn chợt xồ ra, sủa ầm ĩ.
Chúng tôi liên lạc trở lại với Chủ tịch huyện Nguyễn Mạnh Đạt, ông cho biết: “Lúc nãy tôi gọi thì ông Khản nói đang đi họp bên huyện Xuân Trường sẽ về luôn. Giờ tôi vừa gọi lại thì thấy… máy di động tắt”.
Ông Đạt cho luôn chúng tôi số điện thoại của ông Khản để tiện liên lạc. Tuy nhiên, suốt từ đó cho đến chiều tối 13/7, số máy này luôn ngoài vùng phủ sóng. Sau một hồi chờ đợi ở cổng TT Bảo trợ xã hội Trực Ninh mà không có kết quả, chúng tôi tìm vào thẳng nhà ông Khản, cách đó chừng 500m.
Người nhà ông Khản đón những vị khách lạ bằng ánh mắt e dè. Vợ ông nhát gừng: “Ông ấy không có nhà, đi ăn cỗ rồi!”. Thấy chúng tôi quanh quẩn chưa chịu đi, bà nói thêm: “Tối ông ý không về đâu, mai”.
Đành sang nhà ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch xã Việt Hùng, và thông tin duy nhất nhận được đó là TT Bảo trợ xã hội Trực Ninh hiện thuê lại đất của hợp tác xã nông nghiệp nằm sát bên cạnh, còn tất tật công tác chứng sinh, khai sinh hay chứng thực bản sao các giấy tờ liên quan đến trung tâm này ông Kiên đều lắc đầu: "Tôi không rõ!”.
Trước đó, ngày 12/7, báo Tuổi trẻ TP.HCM dẫn lời ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định về vấn đề này. Ông Vinh cho biết, thời gian gần đây phát hiện những dấu hiệu bất thường, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định yêu cầu sở thẩm tra và báo cáo. Kết quả kiểm tra cho thấy Trung tâm trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên được thành lập theo quyết định ngày 1/3/2006 của chủ tịch UBND huyện Ý Yên.
Kinh phí hoạt động trung tâm do ba tổ chức nước ngoài có văn phòng con nuôi nước ngoài là Tổ chức Destimes (Pháp), Tổ chức Thầy thuốc thế giới (Pháp), Tổ chức Moniri (Ý) cam kết tài trợ (trung tâm báo cáo miệng, không có văn bản lưu). Cơ sở vật chất gồm có năm gian nhà cấp 4 và một số trang thiết bị sơ sài, không đủ điều kiện để chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tính đến ngày 21/6/2008, họ đã bàn giao 100 trẻ cho các tổ chức con nuôi nước ngoài, hiện còn lại 11 trẻ bị bỏ rơi từ 2-5 tháng tuổi chưa kịp làm thủ tục...
Cũng báo trên nói rằng, ông Nguyễn Đình Nguyên - Trưởng phòng chăm sóc, bảo vệ trẻ em Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho biết, cơ quan điều tra đang làm rõ mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của các trung tâm này. Tại thời điểm kiểm tra, TT Bảo trợ xã hội Trực Ninh có năm bà bầu đang ăn ở tại trung tâm này chờ sinh nở. Ông Nguyên cũng cho biết đang đề xuất đưa 11 trẻ từ 2- 5 tháng tuổi còn lại ở huyện Ý Yên về cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các cháu. Ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của trung tâm này.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
-
Đỗ Minh