- Hàng chục tài xế của VinaTaxi và Saigon Tourist đã ngưng chạy để tạo áp lực yêu cầu lãnh đạo hai công ty này tăng cước phí taxi.
Tài xế lỗ 150.000đ/ngày?
Sáng 23/7, hàng chục tài xế Công ty liên doanh taxi VN (VinaTaxi) đã kéo về trụ sở công ty tại KCN Tân Bình đề nghị hỗ trợ phí xăng dầu và yêu cầu công ty tăng ngay mức cước phí taxi kịp thời sau khi giá xăng tăng thêm 4.500đ/lít.
Giá xăng dầu tăng cao, tài xế taxi "kêu trời" - Ảnh: Kim Toàn |
Từ 21/7 đến sáng 23/7, nhiều tài xế quá khích của hãng này hoạt động tại địa bàn phường An Phú (Q.2), khu vực Q.1 đã “vận động” bằng cách không cho đồng nghiệp của mình bắt khách nhằm tạo ra “sức ép” đối với ban giám đốc VinaTaxi.
Tiếp xúc với PV VietNamNet, nhóm tài xế VinaTaxi đang tập trung tại khu vực KCN Tân Bình cho biết, bình quân mỗi ngày, các tài xế phải đổ khoảng 30 lít xăng. Tính theo đơn giá cũ (14.500đ/lít), khoản chi cho xăng chiếm gần 450.000đ/ngày. Riêng tiền thuê xe phải đóng cho công ty là 416.000đ/ngày. Nay giá xăng đã tăng lên 19.000đ/lít, đồng nghĩa với việc các bác tài phải chi thêm khoảng 130.000-150.000đ cho tiền nhiên liệu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thế nhưng, hiện lãnh đạo hãng VinaTaxi vẫn chưa có bất cứ chính sách nào hỗ trợ khó khăn cho tài xế cũng như chưa điều chỉnh cước phí khiến thu nhập của tài xế giảm xuống đáng kể. "Trước khi xăng tăng, bình quân mỗi ca, chúng tôi kiếm được khoảng 200.000đ sau khi trừ phí hàng ngày phải đóng cho công ty và tiền xăng. Thế nhưng, nay tiền xăng tăng lên, thu nhập của chúng tôi giảm xuống đến 2/3 so với trước" - anh Nguyễn Văn Thiệu nói.
Theo anh Thiệu và một số tài xế khác của VinaTaxi, trước những đề nghị của tài xế, lãnh đạo của công ty này đã thông báo trên hệ thống liên lạc qua bộ đàm cho biết sẽ xem xét phương án tăng cước taxi thêm 1.500đ/km nhưng đồng thời cũng tăng tiền thuê xe thêm khoảng 15.000đ/ngày. Hiện nhiều tài xế của hãng này cho biết, họ đang chờ đợi phương án giải quyết hợp lý từ phía công ty. Nếu không được đáp ứng, cuộc sống quá khó khăn, thu nhập quá thấp so với sức lao động bỏ ra, rất có thể họ sẽ chọn phương án ngừng việc.
Tương tự, hàng chục tài xế taxi của Công ty Cổ phần vận chuyển Saigon Tourist (SATRACO) cho biết giá xăng tăng cũng đã đẩy cuộc sống của họ vào tình thế khó khăn.
Một số tài xế đã chọn phương án trả lại xe cho công ty vì càng chạy càng lỗ. Số khác kiên trì đề nghị phía công ty hỗ trợ thêm chi phí xăng dầu.
Tăng giá trước, bất lợi nhưng vẫn phải làm!
Cuối giờ chiều 23/7, hãng taxi Tân Hoàng Minh (120 An Dương - Hà Nội) đã chính thức niêm yết mức giá mới trên hơn 50 đầu xe của mình. Theo đó, mức cước “cạnh tranh” nhất được áp dụng cho hành khách đi không quá… 400m: giá 3.000 đồng (xe 4 chỗ) và 3.500 đồng với xe 7 chỗ. Với hành trình dưới 20km, khách hàng phải trả thêm 1.900 đồng/km so với trước đây. Cụ thể, với xe 4 chỗ, 20km đầu có mức giá là 8.200 đồng/km (trước đây là 6.300 đồng), xe 7 chỗ tăng từ 6.600 đồng lên 8.500 đồng/km cho 20 km đầu tiên.
Cùng ngày, hãng taxi Vạn Xuân cũng đã chính thức tăng giá với cùng cách tính cước cũ, nhưng cao hơn 2.000 đồng/km: 20km đầu giá 9.500 đồng/km, từ km 21 đến km 40 có giá 7.500 đồng/km, chi phí cầu phà (nếu có) thì do khách hàng trả. Tỏ ra sốt ruột không kém các hãng taxi tư nhân, tuy vậy, đến sáng ngày 23/7, hai hãng taxi nhà nước là Hà Nội taxi và CP taxi vẫn áp dụng giá cước cũ. Đại diện của Hà Nội taxi cho biết: "Anh em lái xe cũng tỏ ra rất lo lắng vì giá xăng tăng 4.500 đồng/lít, mà theo quy định thì lái xe trả 100% phí xăng xe. Điều này càng khủng khiếp hơn khi gặp phải trường hợp xe đến nơi nhưng khách bỏ xe khiến anh em “về không”. Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ cho mỗi lít xăng 5.600 đồng (cao hơn mức tăng giá xăng 1.100 đồng/lít) khiến anh em cũng đã yên tâm hơn". Ngày 23/7, trao đổi với VietNamNet, đại diện Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long cho biết, việc giá xăng tăng với mức cao nhất từ trước đến nay đã thực sự là một thách thức lớn cho doanh nghiệp khi số tiền bù lỗ mỗi ngày tính bằng tiền tỉ. Song, một trong những tuyến vận tải “xương sống” của doanh nghiệp là tuyến Hải Phòng – TP.HCM (820.000 đồng/chiều) và Hà Nội – TP.HCM (800.000 đồng/chiều) đã vừa tăng giá cước cách nay chưa tròn 1 tháng. Vì thế, tăng giá 2 lần trong một tháng là điều… “kỵ”! Tuy nhiên, Công ty Hoàng Long sẽ làm việc với các đối tác, khách hàng để có điều chỉnh thích hợp, nhất là tăng cường các dịch vụ cho tốt, trước khi tiếp tục điều chỉnh giá mới. Công ty này sẽ có thông báo chính thức tới đối tác trước khi áp dụng khung giá mới.
Theo tính toán của hãng này, từ khi xăng tăng giá, mỗi ngày một lái xe phải bỏ thêm khoảng 100.000đ mua xăng vì chi phí xăng do lái xe chịu 100%. Khoản này đã chiếm 2/5 số tiền mà công ty giao khoán cho lái xe(từ 250.000 đồng/ngày/xe 4 chỗ và 280.000 đồng/ngày/xe 7 chỗ), nên để đảm bảo đời sống cho lái xe, hãng chỉ còn cách tăng giá sớm, dù biết tăng giá sớm sẽ bất lợi trong cuộc cạnh tranh giá cước với các hãng khác.
Nhiều hãng taxi ở Hà Nội đã tăng giá cước sau khi giá xăng tăng
Từ sáng sớm 23/7, hãng taxi Mai Linh cũng đã áp mức cách tính cước mới. Với xe 4 chỗ, 30 km đầu tiên có giá 11.500 đồng/km, từ km thứ 31 có giá 8.500 đồng/km. Với xe 7 chỗ, 30 km đầu tiên giá cước là 12.500 đồng/km, từ km thứ 31 giá cước là 9.000 đồng/km.
Theo vị đại diện của Hà Nội taxi, dù vậy, khi các hãng tư nhân tăng giá mà hãng mình không tăng thì nhiều lái xe cảm giác… bị thiệt. Nên việc tăng giá cước sẽ được xem xét sao cho đảm bảo quyền lợi của lái xe, nhưng vẫn giữ được khách.
"Không thể chạy nổi với mức phí cũ!"
Trước những bức xúc của tài xế, ông Đinh Quang Hiền, Tổng Giám đốc SATRACO cho biết ngay từ 22/7, công ty đã chính thức hỗ trợ 50.000đ tiền xăng/ngày cho mỗi đầu xe.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc VinaTaxi xác nhận, một nhóm tài xế của hãng đã tập trung tại trụ sở công ty để yêu cầu công ty tăng cước phí. “Tài xế phản ánh không thể nào chạy với mức phí cũ và để tình trạng bù lỗ nhiên liệu kéo dài mãi được. Cao lắm họ chỉ có thể chịu đựng trong một, hai ngày nữa thôi” - ông Vinh nói.
Các hãng taxi sẽ đồng loạt tăng cước phí trong nay mai. Ảnh: Trần Duy. |
Ông Vinh cho biết, giữa ban giám đốc công ty và những tài xế ngưng chạy đã có buổi làm việc thẳng thắn và đạt được một số thống nhất. Theo đó, bắt đầu từ tối 24/7, giá cước của hãng VinaTaxi sẽ tăng thêm 1.500đ/km.
Cụ thể, đối với loại xe 4 chỗ, giá cước từ 9.500đ tăng 11.000đ; đối với xe 7 chỗ giá cước từ 10.000đ tăng lên 11.500đ. Công ty cũng đã hỗ trợ trọn gói cho tài xế 100.000đ/người để chia sẻ phần nào khó khăn vì giá xăng tăng trong những ngày qua.
Ông Vinh khẳng định từ nay đến cuối tháng 7/2008, chưa đề cập đến việc tăng mức khoán đối với các tài xế của hãng. “Để cho qua đợt khó khăn này đã, sau đó giữa công ty, công đoàn và các tổ trưởng của đội ngũ lái xe sẽ thương lượng với nhau” - ông Vinh cho biết.
"Việc tăng giá cước như thế có đột xuất không?”. Ông Vinh nói vì giá xăng tăng đột xuất nên không thể không điều chỉnh tăng giá cước. “Về nguyên tắc, chúng tôi cần báo cho Sở Tài chính và Bộ GTVT vì sao tăng giá cước, tăng như thế có hợp lý không. Và thường thì phải tham khảo ý kiến trong hiệp hội (hiệp hội taxi - NV) nhưng chờ hiệp hội thì không biết đến chừng nào... Nếu không tăng giá thì chúng tôi chỉ có nước dẹp xe”.
“Đối với công ty, việc tăng hay giảm giá xăng, công ty không bị ảnh hưởng gì. Nhưng tài xế thì phải gánh thêm” - ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc VinaTaxi trả lời phỏng vấn PV VietNamNet. “Theo ước tính của tôi, mỗi một ngày, tài xế phải gánh thêm khoảng 120.000đ tiền xăng để bù vào mức xăng tăng 4.500đ/lít” - ông Vinh nói. Bao giờ hãng sẽ tăng giá cước? Đơn vị kiểm định đã trả lời chính thức họ sẽ kiểm định đồng hồ taxi cho công ty. Công việc này sẽ kéo dài suốt hai ngày liền do vậy đến tối 24/7, VinaTaxi sẽ tăng giá cước. Về mặt kinh tế, tăng giá cước có lợi cho tài xế và công ty, còn đối với hành khách thì sao? Theo tôi nghĩ, hành khách không có lợi gì hết. Hành khách bắt đầu phải tính đến chuyện không cần thiết thì không cần đi taxi thôi. Tôi biết chắc rằng các hãng taxi khác về nguyên tắc cũng sẽ tăng giá cước từ 15-17%.
|
-
T. Duy - C. Hiếu - K. Toàn - H. Dịu