- Cán bộ các sở lục tục dọn đồ vào phòng làm việc mới, biển hướng dẫn, biển phòng làm việc được khẩn trương dựng lên để kịp đón tiếp người dân tới làm việc… Dù mưa lớn nhưng không khí ngày hợp nhất Hà Nội khá gấp gáp.
Thực hiện: Thanh Hà - Quang Phúc - Thanh Bình
Hà Tây cũ: Tiếp dân ngay ngày đầu chuyển trụ sở
7h30 sáng, trụ sở Sở Tư pháp Hà Tây cũ vắng hoe, nhiều căn phòng vẫn cửa khoá, then cài. Gần 8h, một vài cán bộ của Sở tới cơ quan thu dọn nốt tài liệu, đồ đạc để chuyển sang địa điểm làm việc mới nằm trong khuôn viên UBND tỉnh Hà Tây cũ.
Trong khi đó, tại trụ sở làm việc mới của Sở GTVT Hà Nội, hàng chục cán bộ, nhân viên đã có mặt từ rất sớm để chuyển máy tính, giấy tờ, treo biển phòng làm việc, gắn những tấm bảng hướng dẫn thủ tục hành chính lên tường để người dân biết và thực hiện.
Đón nhóm PV VietNamNet ngay trước cửa “Bộ phận một cửa”, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GTVT vui vẻ nói: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về việc bảo đảm công việc trong thời gian chuyển tới trụ sở mới, lãnh đạo Sở đã khẩn trương liên hệ với lãnh đạo tỉnh Hà Tây để thu xếp, chuyển một phần lớn tài liệu, máy móc từ trụ sở cũ về nơi làm việc mới từ hơn một tuần nay".
Một cán bộ Sở Tư pháp Hà Nội đang cố gắng gỡ chiếc biển cũ.
Tuy nhiên, ông Giáp cho biết, do một số phòng ban nghiệp vụ nằm trong khuôn viên UBND tỉnh Hà Tây còn phải dọn dẹp, thu xếp nên hiện các cán bộ của Sở đang tạm thời làm việc tại Hội trường UBND tỉnh Hà Tây.
Ngay trong sáng 1/8, Sở mới được cán bộ của tỉnh Hà Tây cũ bàn giao một số phòng để sắp xếp bố trí “bộ phận một cửa”. Mặc dù vậy, Sở vẫn cố gắng để có đủ cán bộ để đón tiếp người dân đến liên hệ công tác ngay trong ngày đầu tiên chuyển tới trụ sở làm việc mới.
Nằm liền kề trụ sở mới của Sở GTVT Hà Nội là dãy nhà 4 tầng, trụ sở mới của Sở Tư pháp Hà Nội. Theo các cán bộ làm việc tại đây, do chưa có đủ phòng làm việc nên trong ngày 1/8 mới chỉ có một số bộ phận chuyển tới làm việc.
Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GTVT: “Do đặc thù công việc nên từ khi còn làm việc tại trụ sở cũ, không ít cán bộ của Sở mỗi ngày phải đi hàng chục km từ nhà riêng tới cơ quan. Thế nên việc bây giờ mỗi ngày phải đi xa thêm dăm bảy km nữa cũng không có gì là khó khăn đối với cán bộ, nhân viên sở chúng tôi”.
Điều đáng mừng là dù mới chỉ có một số phòng chức năng chuyển tới trụ sở mới nhưng ngay trong sáng 1/8 đã có những người dân tìm tới để nộp hồ sơ, liên hệ công tác.
Chị Lan - người đến nộp hồ sơ xin nhận con nuôi cho biết: “Dù đường đi có xa hơn so với trụ sở cũ của Sở Tư pháp Hà Nội nhưng thái độ đón tiếp nhân dân của các cán bộ đang làm việc tại trụ sở mới đã khiến người dân chúng tôi cảm thấy rất thoải mái”.
Trò chuyện với phóng viên VietNamNet, anh Tuấn - một cán bộ của Sở GTVT Hà Nội chia sẻ: “Ban đầu, ai cũng nghĩ việc đường sá xa xôi sẽ gây khó khăn cho nhiều cán bộ phải tới làm việc tại trụ sở mới ở TP. Hà Đông. Nhưng khi tới nơi làm việc mới, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái bởi phòng làm việc khá rộng rãi, quanh khu vực làm việc có nhiều cây xanh thoáng đãng”.
Biển mới đã được treo lên. |
Còn gì vui hơn khi trở thành người Hà Nội. Nhưng điều chúng tôi mong là chính quyền sẽ cải tiến tác phong làm việc, thủ tục hành chính thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân thay đổi giấy tờ cho phù hợp với yêu cầu mới”. Bà Hoàng Thị Thuận, đường Quang Trung, Hà Tây cũ. |
Hoà Bình: "Về Hà Nội sẽ được quan tâm hơn!"
Trong khi đó, ngày đầu tiên "trở thành người Thủ đô" theo đúng kế hoạch đã định 1/8, nhưng tại 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình vẫn không có gì thay đổi. Vẫn chưa có bất kỳ một văn bản chính thức cụ thể nào từ phía UBND TP. Hà Nội nên mọi hoạt động của chính quyền và người dân 4 xã vẫn diễn ra bình thường.
7h sáng, sau cơn mưa tầm tã, tại quán ăn sáng xóm Gò Chói, xã Tiến Xuân, người ngồi ăn sáng chỉ lác đác có vài người, nhưng mỗi người đều có những cảm xúc khác nhau về ngày đầu tiên trở thành người Hà Nội.
Chị Quách Thị Tuyết, chủ quán ăn cho biết: “Hôm nay sáp nhập Hà Nội rồi, dù sao chúng tôi cũng rất vui vì đương nhiên đã trở thành người thủ đô, chắc chắn sẽ được quan tâm phát triển hơn…”.
Trong khi đó, anh Quách Văn Phong, lại cho rằng: “Thành người Hà Nội tuy có vui thật, nhưng cũng lo lắm khi mà đồng ruộng của dân đang bị thu hẹp lại, nhường đất để phát triển công nghiệp".
Tại ngã tư Gò Chói, xã Tiến Xuân, trong câu chuyện của những người bán hàng quán đều xoay quanh chuyện hôm nay trở thành người Hà Nội.
Chị Tuyết vui mừng vì trở thành người Thủ đô
Chị Hân (một người bán thịt) cho biết: “Thực ra, mình ở đâu cũng thế, vẫn phải làm ăn. Nhưng trở thành người Hà Nội rồi nên rất phấn khởi”. Một chị khác chêm vào: “Được tiếng là người thành phố cũng mừng chứ!”.
Hôm nay (1/8), cũng là ngày trường tiểu học, trung học cơ sở của xã Tiến Xuân tập trung học sinh và giáo viên chuẩn bị cho năm học mới.
Chúng tôi bắt chuyện với một nhóm học sinh đang đứng chờ nhau. Em Ánh (học sinh lớp 9, trường THCS Tiến Xuân) nói: “Bây giờ trở thành người Hà Nội, em cũng thấy vui. Nhưng thực ra làng quê vẫn là làng quê thôi”.
Học sinh tiểu học trường Tiến Xuân A trong ngày đầu tiên là học sinh Thủ đô
Tại trường tiểu học Xuân Tiến, giáo viên sau những ngày nghỉ hè chuẩn bị cho năm học mới cũng vui mừng vì hôm nay trường, xã đã thuộc về thủ đô, tuy nhiên cũng có những lo lắng. Thầy giáo Thắng cho biết: “Cũng chưa biết trường do huyện nào, cấp nào chỉ đạo nên còn băn khoăn. Chắc chắn sẽ có những thay đổi về tâm lý.”
Trên cánh đồng thôn Bình Sơn, chị nông dân Đinh Thị Vui, đang cặm cụi sáo cỏ, cuốc bờ. Khi nghe chúng tôi hỏi về cảm xúc ngày đầu tiên sáp nhập Hà Nội, chị Vui đăm chiêu: “Không biết rồi đây chúng tôi phải làm gì khi hết ruộng. Chỉ mong sau khi về thủ đô chúng tôi sẽ được nhà nước quan tâm hơn, để người dân chúng tôi có nhiều công ăn việc làm”.
Người dân xã Tiến Xuân trong ngày đầu làm công dân Thủ đô |
Khác với người lớn, em Hoàng Công Đức, 10 tuổi, học lớp 4, trường THCS Tiến Xuân đang chăn trâu trên cánh đồng thôn Bình Sơn hồn nhiên nói: “Em nghe bố mẹ bảo từ hôm nay nhà em là Hà Nội nên em rất vui, vì từ trước đến nay em cứ mong bố mẹ cho đi Hà Nội chơi mãi, nhưng bây giờ em đã là người Hà Nội rồi…”.
Có đặt báo Hoà Bình nữa không?
Trong khi đó, dù đã có thông tin trở thành người Hà Nội trong ngày 1/8, nhưng trên thực tế, chính quyền 4 xã huyện Lương Sơn vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào công nhận sáp nhập về Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân: Hôm nay là 1/8 nhưng vẫn chưa nhận được công văn chính thức nào. |
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã vẫn sử dụng con dấu cũ. Mọi việc vẫn diễn ra bình thường, nhưng thú thật nếu bây giờ chẳng may có xảy ra chuyện gì mà cấp xã không giải quyết được phải trình lên cấp trên không biết chúng tôi phải báo cáo đi đâu.
Chúng tôi chỉ hy vọng trong tháng 8 này, sẽ có thông báo chính thức xã sẽ thuộc về huyện nào của Hà Nội để dễ bề giải quyết công việc hàng ngày….”.
Làm việc với ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, ông nói: “Đến thời điểm này, là đại diện của chính quyền nhưng chúng tôi chưa hề nhận được thông báo, văn bản cụ thể để tiến hành các công việc mới. Hiện tại, tiến trình sáp nhập Thủ đô đối với 4 xã chúng tôi là rất chậm, tất cả các thành viên trong xã tôi gồm 19 nhân viên biên chế hiện đang rất chờ mong một quyết định chính thức của các cơ quan cấp trên”.
Ông Hà cho biết thêm, mới hôm trước, cơ quan huyện có đặt vấn đề với các xã là còn đặt báo Hoà Bình nữa hay không, nhưng ông Hà chưa biết trả lời như thế nào...
Chưa thấy dấu mới về
Trao đổi với PV VietNamNet lúc 10h30 sáng 1/8, Chánh văn phòng UBND huyện Mê Linh Vũ Văn Hảo cho hay, hiện con dấu mới chưa được thành phố chuyển về: “Từ sáng đến giờ chưa ra được văn bản nào, đại diện các xã cũng đang đợi ở đây để nhận dấu, chắc phải buổi trưa họ mới về đến đây”.
Không có con dấu trong tay, UBND huyện Mê Linh cứ “lửng lơ” khi con dấu cũ thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã nộp lại lúc 5 giờ chiều 31/7. “Chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ trên” - vẫn ông Hảo cho biết thêm - lo nhất là khâu về chính sách dịch vụ, vì cái này có thể không giống nhau giữa hai địa phương Vĩnh Phúc- Hà Nội.
Nhiều địa phương thuộc Hà Nội mới đang chờ đợi con dấu sau khi chính thức về Thủ đô - Ảnh: Lê Anh Dũng
Sáng đầu tiên trở thành... Phó chủ tịch UBND một huyện thuộc Thủ đô, ông Đỗ Minh Tuấn bảo: “Chưa thấy gì khác cả!”. Ông Tuấn cho hay, đang đi họp ở xã về giải phóng mặt bằng, mọi công việc ở ủy ban vẫn đang diễn ra bình thường bởi cũng phải dăm ngày nữa mới làm lễ bàn giao chính thức hồ sơ sổ sách, danh sách nhân sự.
Khá thú vị khi cuối buổi sáng 1/8, chúng tôi gọi điện cho tổng đài 1080 của tỉnh Vĩnh Phúc để xin số điện thoại một số phòng ban trong huyện Mê Linh và được đáp ứng bình thường, như thể Mê Linh vẫn còn ở tỉnh này.
Hiện toàn huyện có gần 19 nghìn máy điện thoại với số đầu 0211, trung bình cứ mười người dân có 1 máy điện thoại để bàn. Số điện thoại này sắp tới sẽ phải chuyển về đầu số 04 của Hà Nội.
-
Nhóm phóng viên XH