221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1093972
Ngập nước và kẹt xe: Tuy hai mà một!
1
Article
null
Ngập nước và kẹt xe: Tuy hai mà một!
,
- Kẹt xe và ngập nước từ lâu đã trở thành căn bệnh “nan y” của TP.HCM. Để “chữa bệnh”, chính quyền thành phố cho phép “đào xới” đường sá để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đô thị. Chưa biết lợi ích mang lại ra sao nhưng kẹt xe và ngập nước thì có phần gia tăng.

Ngập... không hồi kết

Theo nhận định mới nhất của Ban An toàn giao thông TP.HCM, tình hình ùn tắc giao thông tại thành phố có khuynh hướng trầm trọng hơn so với năm 2007. Điều này được chứng minh khi số vụ ùn tắc giao thông lớn gia tăng so với cùng kỳ (22 vụ, tăng 10 vụ so với năm 2007). Ngoài ra, ngập nước sau những trận mưa lớn cũng đến hồi báo động.
 
Đến tận năm 2012, TP.HCM mới mong giảm ngập. Ảnh: Trần Duy

Một trong những nguyên nhân mà Ban An toàn giao thông thành phố đưa ra là các công trình trọng điểm có rào chắn chiếm dụng lòng đường để thi công vẫn tiếp tục “bành trướng”.

Tổng cộng, có trên 200 “lô cốt” nằm “chình ình” trên 77 tuyến đường của thành phố. Đây là những công trình thuộc 4 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng kinh phí thuộc loại “bom tấn” (gần 800 triệu USD) gồm: Dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án Cải tạo môi trường nước thành phố; Dự án Hàng Bàng và Dự án Nâng cấp đô thị thành phố. Đáng nói hơn, những dự án kể trên đều được chính quyền thành phố kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng chống ngập cho thành phố.

Ngoài việc chậm tiến độ, các nhà thầu triển khai xây dựng hàng trăm công trình trên hàng chục tuyến đường, kéo dài gần 100km, “vô tình” làm cho diện tích mặt đường bị thu hẹp, tình hình ngập nước tại thành phố càng tồi tệ hơn.

Sau cơn mưa như trút nước chiều 1/8, gần trăm tuyến đường tại TP.HCM từ khu vực trung tâm như Q.1, Q.3, Q.10, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình... đến các quận, huyện ngoại thành như Cần Giờ, Bình Chánh, Thủ Đức... biến thành những con sông trong lòng đô thị.
 
Có nơi như ở Q.5, Q.7, quận Thủ Đức... nước ngập ngang cửa kính ôtô con; tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) nước dâng cao gần lút đầu người. Những tuyến đường hiếm khi xảy ra ngập như: Ngô Thời Nhiệm, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn (Q.3), Lê Lợi, Phạm Hồng Thái, Pasteur (Q.1) mênh mông nước. Nguyên nhân do nhiều dự án thi công đã bịt cống thoát nước. 

Nước ngập tràn qua vỉa hè, xe cộ chết máy kéo thành hàng. Giao thông tắc nghẽn do ngập nước, các phương tiện nằm la liệt; tiếng máy xe rùng rùng, tiếng còi xin nhường đường lẫn lấn đường kêu inh ỏi. 

Nhiều chuyên gia đô thị không mấy ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng này và cho rằng đó chỉ là “giọt nước làm tràn ly”.

Chính ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó trưởng Ban thường trực an toàn giao thông TP.HCM, khi chỉ ra những nguyên nhân làm ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng thừa nhận: thành phố chưa giải quyết được triệt để tình trạng ngập nước trên nhiều tuyến đường trong mùa mưa. 

Nhiều lần trả lời chất vấn hàng triệu cử tri thành phố, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, ít nhất phải đến năm 2010- 2012, TP.HCM mới có thể giảm ngập.  

Còn đào đường, còn ngập

Sở GTVT TP.HCM vừa công bố thêm 81 tuyến đường sẽ đào xới và dựng thêm “lô cốt”  từ nay đến cuối năm 2008, đưa tổng số tuyến đường bị “băm nát” lên 158 tuyến. Trong đó, có không ít các công trình, hạng mục thuộc các dự án ODA nhằm mục tiêu giảm ngập nước như Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ.

Tình trạng đào đường, ngập nước và kẹt xe tại TP.HCM có liên quan mật thiết với nhau. Ảnh: Trần Duy

Điểm trùng hợp là trong số 158 tuyến đường sẽ rào chắn, có không ít tuyến đường vừa là “điểm đen” về ùn tắc giao thông, vừa là điểm ngập nặng.  Do vậy, một cán bộ phòng chuyên môn thuộc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, từ đây đến cuối năm “diễn biến ùn tắc giao thông sẽ ngày càng phức tạp”. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyến đường của thành phố, nhất là vào giờ cao điểm và sau những trận mưa lớn là không thể tránh khỏi.
 
Để giải quyết tình trạng các cửa xả, tuyến cống trên địa bàn thi công Dự án đại lộ Đông Tây và Cải thiện môi trường nước thành phố, Dự án Vệ sinh môi trường thành phố bị đơn vị thi công đóng cọc hoặc để bao cát, bùn đất thu hẹp diện tích, gây ách tắc dòng chảy và ngập nước phía thượng lưu, Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo các ban quản lý dự án phải tổng rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp chặn dòng chảy gây ngập trên địa bàn thi công dự án.

Một kế hoạch dài hạn giữa Thanh tra GTVT, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 và Công ty thoát nước đô thị cũng đang được xúc tiến. Theo đó, các đơn vị này sẽ kiểm tra, xử phạt và đình chỉ thi công tại các vị trí ngăn chặn, thu hẹp lòng cống, cửa xả, kênh rạch hoặc dẫn dòng không đạt yêu cầu trên địa bàn thi công hai dự án nói trên.

Thanh tra GTVT cũng được lệnh tăng cường kiểm tra, xử phạt, đình chỉ thi công ngay đối với trường hợp rào chắn không an toàn, hoặc rào chắn ngã đổ gây tai nạn giao thông hoặc ùn tắc giao thông.

Dư luận cho rằng những giải pháp kể trên cũng chỉ là “đánh bùn sang ao”. Đơn giản là vì còn đào đường, dựng lô cốt thì vẫn còn ùn tắc và ngập nước. 
  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,