- Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, trong tuần này, Hiệp hội Taxi, Sở và các doanh nghiệp sẽ ngồi lại với nhau để tính toán và thống nhất mức giá cước taxi. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chỉ được tăng từ 10-15% giá cước so với trước thời điểm xăng tăng giá thay vì trên 20% như nhiều doanh nghiệp đang niêm yết.
Theo sở này, việc chủ động về giá là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vừa qua có một số doanh nghiệp taxi đã tăng giá quá cao gây nên tình trạng "hỗn loạn" về giá cước taxi khiến người tiêu dùng và cả nhiều doanh nghiệp hoang mang.
"Góp phần kiểm soát, bình ổn giá cước vận tải (taxi) theo chỉ đạo của Thủ tướng, và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết về mức tăng giá trong khung từ 10-15%. Vì thế, trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp đã liên tục điều chỉnh giá cước theo hướng hạ để vào khung" - Phó Giám đốc Sở GTVT HN Nguyễn Hoàng Linh cho hay.
Giám đốc điều hành Taxi Sao Sài Gòn Nguyễn Quốc Khánh thông tin, từ 8h sáng 5/8, hãng đã hoàn thành cài đặt đồng hồ theo cách tính mới với mức giá 11.200đ (7 chỗ) và 10.900đ (4 chỗ) cho 2km đầu. Trước đó, trong ngày 1/8, hãng cũng đã hạ từ 12.300đ xuống11.500đ (7 chỗ) và từ 11.500đ xuống 11.000đ (xe 4 chỗ).
Theo tính toán của Sở GTVT HN, khung giá hợp lí nhất cho các doanh nghiệp taxi điều chỉnh là tăng không quá 15% so với trước ngày xăng tăng giá! (Ảnh minh họa: Chí Hiếu) |
Theo ông Khánh, mức này cao hơn 13-15% so với trước thời điểm tăng, không vượt quá cam kết với Sở, song không phủ nhận là Công ty sẽ "gặp khó" với giá cước này, nhất là trong mùa vắng khách như thời điểm này.
Trưởng phòng Hành chính Taxi Vạn Xuân, ông Nguyễn Nam thì cho rằng, so với khung giá phải điều chỉnh mà Sở GTVT HN đưa ra, giá hiện tại của Vạn Xuân là đảm bảo. Tuy nhiên, công ty sẵn sàng hạ giá cước để "xoa dịu căng thẳng. Song, cũng còn phải chờ tỉ lệ giảm của các hãng khác trong buổi làm việc với Hiệp hội tới đây vì... "buôn có chợ, bán có phường"!
Tính toán của Công ty Vạn Xuân, nếu Sở GTVT HN thực hiện đúng lời hứa về bố trí điểm đỗ, giá cước ưu tiên thì tỉ lệ giảm giá sẽ được tính toán trên cơ sở bù trừ vào các chi phí này. "Ví dụ, Vạn Xuân có 300 xe, riêng tiền điểm đỗ 80.000đ/xe/tháng thì đã ngốn gần 300 triệu/năm. Tiết kiệm được khoản này, chi phí đầu vào cũng giảm đi đáng kể", ông Nam nói.
Đại diện Taxi Mai Linh cho biết, từ 4/8, hệ thống taxi trên cả nước đã hạ thêm 1.000đ- 1.500đ/km, từ 17% xuống còn đúng tỉ lệ khung 15% mà Sở GTVT HN cho phép.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, trong cuộc họp sắp tới, Hiệp hội sẽ tính toán kĩ với từng hãng, phải căn cứ vào từng chủng loại, chất lượng các xe và tính toán kĩ chi phí đầu vào sản xuất... Trên cơ sở đó, các hãng sẽ đưa ra mức giá cước và niêm yết mức giá công khai với Sở GTVT HN, với Hiệp hội để vừa thực hiện đúng chủ trương bình ổn giá của Thủ tướng, nhưng cũng hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trước đó, tại hội nghị thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong hoạt động vận tải taxi tại Hà Nội hôm 31/7 vừa qua, Phó Giám đốc Taxi Mai Linh đã phát biểu, với mức cước đang áp dụng tại thời điểm đó (tăng 17% so với trước lúc tăng giá xăng), cũng chỉ đủ bù lương cho lái xe chứ doanh nghiệp hoàn toàn không có lãi.
Nhiều doanh nghiệp như Taxi Hà Nội, Taxi CP cũng "sống mái" với tuyên bố không thể giảm cước vì cho rằng, tính toán của Sở GTVT HN là không khớp với thực tiễn chi phí hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, và tăng cước là bất khả kháng. Nhưng, đến hôm nay, hầu hết các doanh nghiệp taxi này đều đã hạ giá cước.
-
Chí Hiếu