221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1102118
Họp chống sốt xuất huyết, chỉ có 6/20 lãnh đạo tỉnh dự
1
Article
null
Họp chống sốt xuất huyết, chỉ có 6/20 lãnh đạo tỉnh dự
,
 - Chỉ có 6/20 lãnh đạo địa phương có mặt tại hội nghị phòng chống sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức tại Sóc Trăng vào sáng 28/8. Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết vẫn đang tăng cao với gần 40.000 ca nhiễm sốt xuất huyết.
 
Sáng ngày 28/8, tại TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), Bộ Y tế tổ chức hội nghị đánh giá công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH).
 
Tại hội nghị, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là hội nghị quan trọng dành cho 20 tỉnh phía Nam nhưng chỉ có 6 lãnh đạo UBND tỉnh tham dự; 14 tỉnh, thành còn lại chỉ có mặt lãnh đạo Sở Y tế nên Bộ Y tế sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ việc này. 

Bệnh SXH bùng phát làm khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng thường xuyên quá tải, trẻ em phải nằm 2-3 người/giường
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, nếu như 6 tháng đầu năm 2008, cả nước có 20.979 ca SXH (24 trường hợp tử vong) thì đến nay cả nước đã có gần 40.000 ca nhiễm SXH với 40 người tử vong. Hiện dịch SXH đang phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam, trong đó dẫn đầu là TP.HCM (6.939 ca), Cà Mau (4.734 ca), Sóc Trăng (3.485 ca), Tiền Giang (3.269 ca), Đồng Nai (2.417 ca)…
 
Đối với tỉnh Cà Mau, nếu như những năm trước không xảy ra dịch SXH thì năm nay lại bùng phát dữ dội với số bệnh nhân tử vong cao nhất cả nước (7 người). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Cà Mau đã chính thức công bố dịch ở huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Năm Căn và TP Cà Mau.
 
Ông Trịnh Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng Cà Mau là tỉnh còn khó khăn về giao thông đường bộ nên công tác phòng chống SXH luôn gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm, sau khi nhận định nguy cơ dịch SXH có thể bùng phát, nhất là vùng ngọt hóa nên ngành y tế tỉnh Cà Mau đã đưa về huyện Trần Văn Thời 2 thuyền y tế để kịp thời khám và điều trị cho những trường hợp nghi nhiễm và nhiễm SXH nhưng dịch SXH vẫn xuất hiện ở tất cả các xã của huyện Trần Văn Thời.  
 
Thuyền y tế tham gia dập dịch SXH ở Cà Mau.

Đến ngày 28/8, toàn tỉnh Cà Mau có 55/97 xã, phường, thị trấn chưa công bố hết dịch SXH. Theo ông Thành, nguyên nhân bệnh SXH bùng phát dữ dội ở Cà Mau là do ý thức của người dân còn hạn chế, chính quyền một số nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng chống SXH trong khi ngành y tế thiếu kiểm tra, đôn đốc.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho rằng không riêng gì Cà Mau mà tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng có nhiều bệnh nhân nhiễm SXH. Những năm trước các tỉnh này không xuất hiện dịch SXH nên tính miễn dịch tự nhiên của người dân còn yếu. Do đó, khi dịch SXH xuất hiện, không chỉ người dân mà ngành y tế các địa phương này vẫn còn lúng túng trong công tác dập dịch và điều trị bệnh. 
Bệnh viện Trần Văn Thời (Cà Mau) quá tải vì XH hoành hành nên phải kê giường bệnh ra ngoài hành lang
 
Theo ông Lê Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây dịch SXH không chỉ tấn công trẻ em mà có rất nhiều người lớn nhiễm SXH và bệnh nhân bị sốc độ 3, độ 4 chiếm tỉ lệ cao. Tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khơme tỉ lệ bệnh nhân SXH luôn tăng cao do ý thức của người dân còn hạn chế trong khi kinh phí phòng chống SXH của các địa phương quá ít. Ông Lê Văn Cần cho rằng hiện nay chương trình quốc gia phòng chống SXH đã bị cắt nên đề nghị Bộ Y tế đưa công tác phòng chống SXH vào chương trình mục tiêu quốc gia trở lại để các tỉnh, thành có thêm kinh phí phòng chống và dập dịch SXH hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có số ca SXH cao phải đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên y tế ở cơ sở để sớm phát hiện, xử lý kịp thời những ổ dịch nhỏ. Theo ông Huấn, chính mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH là lực lượng cốt yếu, đóng vai trò quyết định thành công của việc triển khai các hoạt động phòng chống SXH tại các xã, phường. Ngoài ra, ông Huấn còn yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành cần phải kịp thời chỉ đạo ngành y tế kết hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và các ban, ngành đoàn thể của địa phương cùng tham gia phòng chống dịch SXH. 
  • Hàn Sơn Đỉnh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,