- Đúng như dự đoán, 18 container sắt thép phế liệu nhập khẩu đợt 2 của Công ty Thành Lợi cũng không được thông quan vì bị nghi chứa "rác bẩn".
Thêm 18 container sắt thép phế liệu nhập khẩu của Công ty Thành Lợi bị nghi chứa "rác bẩn". Ảnh: TH
Chiều 29/8, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng khu vực 2 tiếp tục tiến hành kiểm hoá lô sắt thép phế liệu thứ hai (vận đơn số 111347287 - theo tờ khai 1354/NK/KD/KV2) của Công ty Cổ phần thép Thành Lợi nhập khẩu vào cảng Đà Nẵng.
Lô hàng này gồm 18 container với 374 tấn, nằm trong lô hàng 1.000 tấn mà Công ty Thành Lợi đã ký hợp đồng mua của Công ty Global Real Estate & Service srl (Ý).
Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng khu vực 2 cho biết, khi mở niêm phong, cán bộ kiểm hoá phát hiện trong số sắt thép phế liệu này cũng lẫn nhiều tạp chất, bốc mùi hôi thối, có khả năng gây ô nhiễm môi trường như 18 container đã nhập khẩu trước đó.
Do nhận thấy lô hàng có dấu hiệu không đủ điều kiện thông quan nên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng đã lập biên bản tạm giữ tại chỗ, đồng thời gửi công văn đề nghị các cơ quan chức năng địa phương như
Riêng với 18 container sắt thép phế liệu chứa “rác bẩn” nhập khẩu đợt 1, ngày 27/8, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có công văn 5170 yêu cầu Công ty Thành Lợi chuyển toàn bộ lô hàng hàng đến Công ty Thép Đà Nẵng - Ý để phân loại tạp chất cần tiêu hủy và giao Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện việc tiêu hủy. Sở TN-MT Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan sẽ giám sát việc phân loại, tiêu hủy lô hàng này.
Tuy nhiên qua xác minh hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng thì Công ty Thành Lợi và Công ty Đà Nẵng – Ý là "anh em sinh đôi" cùng ngày 27/4/2005. Ông Huỳnh Văn Tân chính là thành viên sáng lập, cổ đông lớn nhất của 2 công ty này. Trong đó, ông đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Công ty Đà Nẵng - Ý, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Thành Lợi.
Mặc khác, tại văn bản 5170, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng không đề cập việc số lượng sắt thép còn lại sau khi tiến hành thiêu huỷ sẽ giao cho doanh nghiệp tái chế hay sung vào công quỹ như luật định?
Tuy nhiên, tại công văn 2709 (ngày 27/8) gửi các cơ quan báo chí trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên UBND TP. Đà Nẵng cho rằng: “Việc tiêu hủy đối với lô hàng nhưng thực chất là việc loại bỏ các thành phần nguy hại cho môi trường có trong lô hàng. Theo Điều 171 của Bộ Luật Dân sự thì quyền sở hữu của tài sản bị chấm dứt khi tài sản đó bị tiêu hủy. Trong trường hợp này phần bị tiêu hủy chính là các tạp chất và chất nguy hại đã bị loại bỏ”.
Với viện dẫn này, có thể thấy UBND TP Đà Nẵng xác định chỉ chấm dứt quyền sở hữu tài sản của Công ty Thành Lợi đối với số “rác bẩn” sau khi phân loại (chiếm 5% trong 434 tấn), còn lại trên 410 tấn sắt thép vẫn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Nhưng điều gây tranh cãi trong dư luận là không hiểu UBND TP. Đà Nẵng căn cứ điều luật nào mà lại xác định “rác bẩn” chứa chất độc hại là “tài sản” để tiến hành tịch thu như vậy?
Cũng trong ngày 29/8, lô sắt thép phế liệu chứa “rác bẩn” này đã được chuyển từ cảng Đà Nẵng về Công ty Đà Nẵng – Ý để tiến hành phân loại, thiêu huỷ tạp chất. Tuy nhiên, việc làm này được cho là rất nóng vội, bởi đến thời điểm này chính quyền TP vẫn chưa thành lập hội đồng định giá tài sản, hội đồng tiêu huỷ hàng vi phạm... như luật định.
Với cách xử lý như trên của UBND TP. Đà Nẵng, dư luận ngờ rằng dù các cơ quan chức năng có phát hiện trong 18 container của đợt 2 có chứa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường chăng nữa thì Công ty Thành Lợi vẫn sẽ “bình an vô sự”. Bởi đã có tiền lệ, chỉ có “rác bẩn” được xem là tài sản bị tịch thu, thiêu huỷ mà thôi!
-
Hải Châu