- Rời phố thị, chúng tôi tìm về những vùng quê khuất lấp giữa những ngày đầu thu để tận mắt chứng kiến những gương mặt trẻ thơ đã phải chống chọi với mưu sinh cơm áo. Năm học đã bắt đầu nhưng ở vùng đất miền Trung nghèo khó này, ngày được bước chân vào cổng trường với nhiều em vẫn còn xa ngái.
Nghèo ngăn chân em đến lớp
Hàng trăm chiếc đò lụp xụp, nằm hai bên bờ sông Bạch Đằng (TP Huế), lũ trẻ con nheo nhóc đứa lớn bồng đứa bé lê la trên bãi cát ven sông. Bên kia đường là trường tiểu học Thanh Long, cũng chừng ấy tuổi, những tốp học sinh quần xanh áo trắng đến trường.
Cô bé có cái tên thật đẹp: Ngọc Phượng, một nách cắp đứa em chưa đầy 2 tuổi, ngơ ngác nhìn. Tiếng trống chào cờ văng vẳng, em như nhớm mình đứng thẳng, mới biết ước mơ đến trường của em cháy bỏng đến nhường nào.
Mới tí tuổi đầu, Phương gần như trở thành bà mẹ trẻ của 3 đứa em thơ. Quần quật từ sáng đến tối từ cho em ăn đến giặt quần áo, thu vén trong nhà, một tay Phượng lo tất cả.
Mà cái ước mơ đến trường của Phượng cũng giản dị lắm: “Cho con đi học để đọc được mấy chữ trên tivi ở nhà trên phố kia thôi”.
Uớc mơ của bé giản dị lắm: Đi học để đọc được chữ trên ti vi nhà hàng xóm! Ảnh: Ngọc Lan.
Ngược lên bờ để đến những “ngôi nhà” vạn đò khác, bất chợt gặp một chú bé đoán chừng 7 - 8 tuổi, trên vai lặc lè một bao tải toàn túi nilon phế thải. "Em còn đi học không?" Chúng tôi hỏi. Mắt chú bé sáng ngời: "Anh chị mở lớp tình thương à? Cho em học với!". Rồi cậu bé chùng xuống, lầm lũi bước đi khi nhận cái lắc đầu của chúng tôi.
Hỏi ra mới biết, em là Nguyễn Văn Bình, ở khu định cư phường Phú Hiệp (TP Huế) phải bỏ học nửa chừng khi đang học lớp 7. “Em cố gắng đi làm, giúp đỡ gia đình. Nếu lúc nào nhà đỡ nghèo, em sẽ xin mấy thầy cô cho em được trở lại trường” - Bình nói chua xót. Cả 4 anh em của Bình đều phải nghỉ học để kiếm sống.
“Ba mẹ ơi, con phải nghỉ học thôi, làm sao con học được, ai lo cho con, cho em bây chừ…” Tiếng khóc nấc nghẹn của cậu bé Nguyễn Văn Thành, HS lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, xã Bình Phú, H. Thăng Bình, Quảng Nam bên bàn thờ người cha xấu số vừa mới qua đời khiến người chứng kiến không cầm được nước mắt.
Chưa đầy 2 năm, hai đứa trẻ đã phải chịu hai cái tang của mẹ và ba lần lượt ra đi vì căn bệnh quái ác không tiền chữa chạy. Tội nhất là cô bé Nguyễn Thị Công, HS lớp 7, cùng trường với anh đã không còn nước mắt để khóc.
Đường đến trường quá xa vời đối với Cao Việt Lợi, chú bé nhặt than ở mỏ thanh Nông Sơn, Quảng Nam. Ảnh: Vũ Trung.
Với hai đứa trẻ, con đường đến trường đã khép lại khi trước mắt chúng bây giờ là gánh nặng cơm áo mưu sinh. Thành, thằng anh đang học lớp 8 cố dỗ dành đứa em gái: “Anh sẽ nghỉ học để đi làm thuê nuôi em ăn học, cố lên. Ba mẹ mất rồi, em phải cố, đói no anh chịu được mà…”.
Không khí năm học mới bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ không được đến trường hoặc con đường đến trường đầy gập ghềnh, gian khó. VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Gập ghềnh đường đến trường" phản ánh những khó khăn của các em học sinh nghèo và nỗi khát khao đến trường. Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: banbandoc@vietnamnet.vn; Địa chỉ: Toà nhà số 4 Láng Hạ, Hà Nội; Điện thoại: 04.7722729 hoặc Văn phòng Đại diện tại TP.HCM: 65 Trương Định, Quận 3. Điện thoại: (Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường")
Nhưng cô em gái tên Công thì ôm anh khóc nghẹn bảo: “Anh là con trai cố mà học, em con gái học làm chi. Anh để em nghỉ còn anh cố mà học…”.
Còn rất nhiều những em học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái xa gần. Một cuốn sách, một chút tiền của bạn đọc lúc này sẽ góp phần nâng bước các em đến trường.
Số TK: 001.100.264.3148. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.
Suốt buổi ngồi cùng Thành, em chỉ kể cho tôi nghe nổi khát khao của mình thèm được đến trường. Nhưng hoàn cảnh mồ côi không biết phải nương tựa vào đâu để tiếp tục hành trình tìm cái chữ. Nhưng Thành bảo: “Giờ em chỉ phải lo cho đứa em. Cũng may là thầy cô và bạn bè cùng lớp đã giúp đỡ. Khó nhất là cuộc sống hàng ngày không biết lấy cái chi để ăn mà đến trường…”.
Ngậm ngùi khi con đứt chữ
Chị Lê Thị Phàn - mẹ bé Phượng ở khu vạn đò tổ 15, khu vực 7, phường Phú Hiệp, 4h sáng đã có mặt ở chợ Đông Ba đi gánh cá thuê, đến tối mịt mới trở về.
“Nhiều hôm bệnh nặng nhưng tui cũng gắng đi làm để dành dụm chút tiền nuôi cho các con đi học. Đời mình mù chữ đã đành, nếu để các con thất học nữa thì tội nghiệp lắm. Nhưng gia đình nghèo túng quá, chạy gạo từng bữa, làm chi có tiền mua sách vở, nộp học cho con”- Lê Thị Phàn nói trong nước mắt.
Anh Lê Văn Bảo (46 tuổi) ở khu vực vạn đò phường Phú Hiệp có 6 con thì cả 6 đều không được đến trường. Từ khi cưới nhau, anh Bảo đã theo nghiệp đạp xích lô, còn vợ anh thì đi lượm ve chai, thu nhập thất thường. Có nhiều hôm, ngồi đợi mỏi cổ không có khách, anh Bảo đạp xích lô trở về nhà mà lòng trĩu nặng vì không biết hôm nay lấy tiền đâu ra mua gạo cho con.
“Nhiều hôm, tui phải xách rá đi mượn gạo từ đò này sang đò khác mà cũng không có. Lắm lúc ứa nước mắt vì thương con, sợ con đói. Vào mùa mưa thì chuyện đói ăn, bỏ bữa đối với nhiều gia đình vạn đò ở đây thường xuyên xảy ra”- anh Lê Văn Bảo than vãn.
Gia đình nghèo khó, cuộc sống phải chạy ăn từng bữa, các con của anh Bảo đành mù chữ. Không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, chúng lần lượt đi bưng bê ở các quán ăn, lượm ve chai, bán đậu phụng… để kiếm miếng cơm manh áo đắp đổi qua ngày.
“Năm trước vợ chồng tui đã bàn tính, quyết tâm dành dụm để đầu tư cho thằng út đi học biết vài chữ nhưng năm nay làm ăn khó quá nên cũng đành buông xuôi. Để cho con thất học, tui cũng đau lòng lắm nhưng nhà nghèo nên đành cắn răng chịu đựng”- anh Lê Văn Bảo ngậm ngùi.
Chị Dương Thị Thắng (49 tuổi), cùng ở khu định cư Phú Hiệp cũng buồn bã, nói: “Mấy cháu ở đây đa số không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh nên không được đi học mẫu giáo. Đến khi vào lớp 1, lớp 2, các cháu học không kịp chương trình nên mặc cảm không muốn tiếp tục đến trường”.
Vất vả mưu sinh, chúng vẫn cháy bỏng ước mơ đến trường.
Ảnh: Ngọc Lan.
Cuộc mưu sinh của người lớn lẫn trẻ em ở khu vạn đò TP Huế quá vất vả, miếng cơm, manh áo là nỗi ám ảnh của mỗi phận người. Dù sớm bước vào đời kiếm sống, nhưng những đứa trẻ ở đây vẫn luôn đau đáu được đến lớp đến trường, con cha mẹ chúng cũng chỉ biết nuốt nghẹn nỗi tức tưởi, xót xa vào lòng...
-
Vũ Trung - Ngọc LanBài 6: Đạp lên gian khó, con sẽ được đến trường!